Nguồn vốn chính sách ở Nghệ An tăng trưởng mạnh

Chủ nhật - 13/11/2022 20:28 374 0
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị cần tiếp tục có giải pháp huy động nguồn vốn; đồng thời kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 và gói hỗ trợ lãi suất 2%, tránh trục lợi chính sách.
Toàn cảnh phiên họp -  Thu Huyền (Báo Nghệ An)
Toàn cảnh phiên họp - Thu Huyền (Báo Nghệ An)
Tăng trưởng nguồn vốn đạt 11,3%
9 tháng đầu năm, bám sát Nghị quyết của Hội đồng quản trị và Nghị quyết thường kỳ của Ban, Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng vốn năm 2022 theo Nghị quyết Ban đại diện HĐQT tỉnh đề ra.
Đồ hoạ: Hữu Quân
Doanh số cho vay 9 tháng đầu năm đạt 2.435 tỷ đồng, trong đó 15/22 chương trình đang thực hiện giải ngân. Đơn vị đã tích cực giải ngân nguồn vốn các chương trình thuộc gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ. Nguồn vốn của 5 chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về cho vay phục hồi và phát triển kinh tế đạt 481,5 tỷ đồng.
Có 7 chương trình không phát sinh cho vay, thuộc các chương trình đã hết thời hạn thực hiện. Phần lớn khách hàng chấp hành tốt quy định về trả nợ và trả lãi khi đến hạn theo thỏa thuận.
Đến 30/9/2022, tổng dư nợ đạt gần 10.538 tỷ đồng/22 chương trình tín dụng chính sách, tăng 868 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,97%. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng thông qua ủy thác 9 tháng đầu năm đạt 2.386 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 1.533 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng ủy thác đạt 10.462 tỷ đồng, chiếm 99,28%/tổng dư nợ; cả 4 tổ chức hội nhận ủy thác đều có dư nợ tăng so với đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn ưu đãi cho 58.361 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2022.
Tuy nhiên, hoàn lưu của bão số 4 gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống nhân dân vùng thiên tai gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến công tác thu nợ, thu lãi và hoạt động giao dịch tại xã thuộc các huyện trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Việc giải ngân nguồn vốn 150 tỷ đồng theo Nghị quyết 28 chậm, cần có giải pháp đẩy nhanh…
Tập trung bố trí nguồn vốn ủy thác ngân sách năm 2023
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm. Đặc biệt trong quý III, toàn tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ cấp huyện đến cấp tỉnh.
Về nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thành viên Sở Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ủy thác ngân sách năm 2023 và chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện chỉ tiêu nguồn ủy thác ngân sách địa phương được giao.
Đối với nguồn vốn 150 tỷ đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện kịp thời rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách để làm căn cứ giải ngân nguồn vốn, hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất và ổn định đời sống của đối tượng chính sách.
Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu cần kịp thời thông báo giao vốn bổ sung năm 2022 cho các huyện, thành, thị (190 tỷ đồng) để giải ngân nhanh nguồn vốn các chương trình, phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân trước 30/11/2022.
Ban đại diện cấp huyện cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Đặc biệt thành viên Ban đại diện cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã cần thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai, quản lý, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa bàn, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 và gói hỗ trợ lãi suất 2%, tránh trục lợi chính sách.
Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; Tập trung tham mưu để tăng cường nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Hướng dẫn người vay lập hồ sơ đầy đủ, đúng quy định; không để xảy ra tình trạng cho vay chồng chéo các chương trình, vay vượt hạn mức, hộ gia đình có nhiều người đứng tên vay vốn...

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây