Chất độc âm thầm phát thải từ ô tô

Thứ hai - 28/07/2025 05:02 6 0
Vi nhựa trong môi trường không chỉ đến từ ống hút hay túi nylon, trái lại, gần một nửa xuất phát từ lốp xe ô tô.
Chất độc âm thầm phát thải từ ô tô
Khi nhắc đến ô nhiễm vi nhựa, nhiều người thường nghĩ ngay đến túi nylon, chai nhựa hay ống hút dùng một lần. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng một trong những nguồn phát thải vi nhựa lớn nhất lại xuất phát từ chính những chiếc ô tô đang lưu thông mỗi ngày.
Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tờ The Conversation, các hạt mài mòn từ lốp xe có thể chiếm gần 50% lượng vi nhựa trong cả môi trường đất liền lẫn dưới nước.
Cách thức chúng gây ô nhiễm như sau: Trong quá trình xe di chuyển, đặc biệt là khi phanh, rẽ hoặc tăng tốc, lốp xe sẽ bị mài mòn. Những phần cao su bị bào mòn này không biến mất, mà trở thành những hạt vi nhựa cực nhỏ, gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Dần theo thời gian, chúng theo nước mưa trôi vào hệ thống thoát nước, sau đó đổ ra sông, suối, hồ và cuối cùng là đại dương.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng những hạt vi nhựa từ lốp xe không chỉ là rác thải nhựa thông thường, mà còn là “vật trung gian” mang theo hàng loạt hóa chất độc hại.
Hệ quả: cá, cua, hàu... và nhiều sinh vật dưới nước có thể nhầm chúng là thức ăn.
Các hạt vi nhựa siêu nhỏ được tìm thấy trong lốp xe ô tô (Ảnh: Nhóm nghiên cứu Đại học bang Oregon).
Khi nuốt phải, các loài sinh vật này không chỉ hấp thụ hạt nhựa mà còn tiếp nhận luôn các hợp chất hóa học có khả năng gây tổn thương cơ thể. Một số loài cá như cá hồi coho, cá hồi suối hay cá hồi cầu vồng đã bị ghi nhận chết hàng loạt trong tự nhiên, nguyên nhân được cho là do nhiễm độc từ chất 6PPD-Q – một hợp chất hình thành từ chất phụ gia bảo vệ lốp xe có tên 6PPD.
Con người cũng đang gián tiếp “ăn” và “hít” phải các hạt mài mòn lốp xe.
Trong không khí, các hạt này trôi nổi và có thể được hít vào phổi, đặc biệt là ở những khu vực gần đường cao tốc, nơi mật độ xe cộ đông đúc.
Một nghiên cứu thực hiện tại Trung Quốc phát hiện dấu vết của chất 6PPD-Q trong nước tiểu của trẻ em và người lớn, cho thấy mức độ phơi nhiễm đã lan rộng tới nhiều đối tượng trong cộng đồng.
Dù tác động lâu dài đến cơ thể người vẫn đang được nghiên cứu thêm, một số kết quả ban đầu cho thấy hóa chất này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến gan, phổi và thận.
Trước mối nguy từ ô nhiễm vi nhựa có nguồn gốc từ lốp xe, các nhà nghiên cứu tại Đại học Mississippi đã tiến hành thử nghiệm một phương pháp xử lý đơn giản nhưng hiệu quả.
Thay vì để các hạt vi nhựa chảy thẳng ra sông suối, nhóm nghiên cứu đã sử dụng than sinh học và dăm gỗ để lọc và giữ lại chúng ngay tại các cống thoát nước.
Kết quả thu được rất đáng khích lệ. Trong hai trận mưa lớn tại thành phố Oxford, bang Mississippi (Mỹ), hệ thống lọc sinh học này đã loại bỏ được khoảng 90% các hạt mài mòn từ lốp xe trong nước mưa chảy tràn.
Cấu trúc xốp và nhiều liên kết hóa học của than sinh học giúp hấp phụ mạnh các hạt nhựa, trong khi dăm gỗ góp phần tăng cường hiệu quả lọc nhờ thành phần hữu cơ tự nhiên.
Cách làm này vừa thân thiện với môi trường, vừa tận dụng được nguồn chất thải sẵn có từ nông nghiệp. Dẫu vậy, nhóm tác giả cũng lưu ý rằng cần thực hiện thêm các nghiên cứu dài hạn, đặc biệt tại những khu vực có lưu lượng giao thông lớn, để đánh giá đầy đủ hiệu quả và khả năng mở rộng của mô hình. 
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây