Chòm Muộng - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống người Thái Nghệ An

Thứ hai - 30/09/2024 04:21 159 0
Bản Chòm Muộng là một trong những bản làng đẹp của miền Tây xứ Nghệ; lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Chòm Muộng - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống người Thái Nghệ An
Bản Chòm Muộng (xã Mậu Đức, huyện Con Cuông) nằm trọn trong một thung lũng hẹp ở vùng tả ngạn sông Lam. Bản ấn tượng với nhiều người đến thăm bởi đường làng, ngõ xóm rộng rãi, được quy hoạch vuông vắn. Hệ thống điện nông thôn đảm bảo an toàn, cơ sở vật chất văn hóa, khu vui chơi, thể dục, thể thao đầy đủ. Những mái nhà sàn bình dị san sát nhau, tạo cảm giác ấm áp, bình yên...
Chòm Muộng hiện có 202 hộ, với 896 nhân khẩu. 100% người dân là đồng bào dân tộc Thái. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây dựa vào việc làm nông, trồng rừng và chăn nuôi.
Một góc bản văn hóa, nông thôn mới bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức (Con Cuông). Ảnh: Thành Chung
Nhiều người già ở bản Chòm Muộng kể lại, vào những năm 1944, có khoảng 15-20 hộ gia đình người Thái từ huyện Quỳ Hợp rủ nhau sang đây lập nghiệp. “Đất lành chim đậu”, người sang trước lại về quê cũ rủ anh em, họ hàng sang vùng đất mới an cư. Đến những năm 1946-1947 thì bản chính thức được định hình. “Chòm Muộng” có nghĩa là bản Xoài được định danh xuất phát từ việc ngay ở giữa bản có 1 cây xoài cổ thụ, rất lớn. Các hộ gia đình sống xung quanh gốc xoài này.
Thế rồi, theo thời gian, người dân bản Chòm Muộng cứ sinh sôi nảy nở; người dân tộc Thái ở nơi khác cũng rủ nhau về quần tụ nơi đây. Tính đến nay, đã có 5 thế hệ người Thái sinh sống trên mảnh đất này. Điều đặc biệt ở bản Chòm Muộng là dẫu cho cây xoài cổ thụ năm xưa tàn lụi; bản làng trải qua bao nhiêu đổi thay... nhưng tinh thần cố kết của cộng đồng và bản sắc văn hóa nói chung và phong tục tập quán nói riêng vẫn được lưu giữ, truyền đời.
Ông Ngân Văn Hợi - Trưởng bản Chòm Muộng giới thiệu quy trình sản xuất rượu cần. Ảnh: Thành Chung
Ông Ngân Văn Hợi, 53 tuổi, Trưởng bản Chòm Muộng kể: Trong nhà, ông bà vẫn luôn ý thức dạy cho cháu con về những nét đẹp văn hóa, lễ nghi, kiêng kỵ của dân tộc mình. Người bà, người mẹ thì dạy cho con gái, cháu gái mình cách dệt những chiếc váy, chiếc khăn thổ cẩm đẹp; hay là cách ủ những bình rượu cần thật ngon... Chòm Muộng vẫn lưu giữ đầy đủ những truyền thống tốt đẹp truyền đời. Bên cạnh đó, những phong tục tập quán lạc hậu như mê tín dị đoan, tang ma linh đình kéo dài cũng dần bị loại trừ khỏi đời sống cộng đồng.
Cũng theo ông Hợi: Để gìn giữ những làn điệu dân ca, dân vũ, cách chơi các nhạc cụ của dân tộc Thái, từ năm 1996, bản đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca Thái, giao cho Chi hội Người cao tuổi đảm nhận triển khai sinh hoạt. Đến nay, trải qua gần 30 năm, câu lạc bộ vẫn hoạt động tốt, sinh hoạt đều đặn hàng tháng, là hạt nhân tích cực của phong trào văn hóa, văn nghệ ở xã Mậu Đức. Năm 1999, Chòm Muộng đã đạt được danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.
Ở bản Chòm Muộng thời điểm này, các giá trị mang tính bản sắc của dân tộc Thái vẫn vẹn nguyên. Bản hiện vẫn còn khoảng 100 nếp nhà sàn (một trong những bản lưu giữ được nhiều nhà sàn nhất huyện Con Cuông). Dưới nếp nhà sàn đó, hàng ngày, những khung cửi vẫn đều đặn hoạt động tạo nên những chiếc váy, chiếc khăn thổ cẩm; những người phụ nữ trong 13 tổ làm nghề rượu cần truyền thống (với 102 hộ gia đình với 244 lao động tham gia) vẫn làm men, ủ rượu tạo nên những vò rượu cần thơm nồng, ngon đặc biệt.
Được biết, năm 2022, làng nghề sản xuất rượu cần bản Chòm Muộng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cấp giấy công nhận là làng nghề truyền thống. Đây chính là cơ hội để bản Chòm Muộng duy trì và phát triển thêm nghề truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện nay, mỗi ngày, bản Chòm Muộng sản xuất được 50-60 vò rượu, doanh thu đạt từ 25-30 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 16-17 triệu đồng/người/năm.
Giá trị văn hóa, tinh thần cố kết của cộng đồng chính là yếu tố nền tảng, tiên quyết để bản Chòm Muộng thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào năm 2020 - ông Ngân Văn Hợi khẳng định. “Chòm Muộng bây giờ đang tiếp tục làm tốt công tác giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đa dạng hóa ngành nghề, tránh sự lệ thuộc vào yếu tố mùa vụ, thời tiết vốn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp; nâng cao thu nhập... tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao”.
Ông Võ Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho biết: Để bản Chòm Muộng thực hiện hiệu quả việc xóa đói, giảm nghèo, thời gian tới, huyện và xã sẽ tập trung giúp bản xây dựng sản phẩm rượu cần thành sản phẩm OCOP để góp phần nâng cao thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho bà con. Trên cơ sở lợi thế địa lý thuận lợi, cảnh sắc thiên nhiên đẹp, giá trị văn hóa được gìn giữ tốt, thời gian tới, huyện Con Cuông và xã Mậu Đức sẽ tính toán phát triển Chòm Muộng trở thành một bản du lịch cộng đồng. Khi trở thành bản du lịch cộng đồng thì chắc chắn những giá trị vốn quý Chòm Muộng sẽ được phát huy, trở thành động lực mới giúp bản ngày càng phát triển./.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây