Hợp tác Đức - Việt trên hành trình 'xanh hóa' việc làm và phát triển bền vững

Thứ tư - 13/09/2023 05:57 294 0
Chuyển dịch năng lượng đang là thách thức trên toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực từ các chính phủ, doanh nghiệp cho đến từng người dân của mỗi quốc gia. Trên hành trình này, chuyển dịch việc làm hướng tới quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, hành trình này đã, đang có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ CHLB Đức.
Hợp tác Đức - Việt trên hành trình 'xanh hóa' việc làm và phát triển bền vững
Chuyển dịch năng lượng và việc làm - câu chuyện từ nước Đức và bối cảnh Việt Nam
Ngành năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xanh hóa. Đồng thời, một nhận thức đang ngày càng được lan tỏa trên toàn cầu là việc phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển năng lượng bền vững, an toàn.
Quá trình chuyển dịch hướng tới năng lượng bền vững này gắn liền với sự chuyển đổi của thị trường lao động và việc làm trên toàn thế giới. Báo cáo năm 2023, do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng xuất bản, cho thấy lĩnh vực năng lượng tái tạo đã gia tăng đáng kể về số lượng việc làm, đạt 12,7 triệu vào năm 2022, một mức tăng lớn so với 7,3 triệu việc làm trong năm 2012.
Tại Đức, quốc gia hàng đầu trong việc thiết lập các chính sách, điều kiện để chuyển dịch năng lượng và việc làm công bằng, thị trường lao động đã và đang trải qua những thay đổi lớn, chủ yếu do tác động của các mục tiêu về khí hậu đặt ra cho năm 2030. Nghiên cứu do Cơ quan Môi trường Liên bang thực hiện vào năm 2022 cho thấy một sự chuyển dịch rõ rệt ở thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Từ năm 2000 đến năm 2021, số lượng nhân viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng không ít, đạt khoảng 344.100 người vào năm 2021, cao hơn khoảng ba lần so với năm 2020. Đến năm 2030, những tác động đối với thị trường lao động sẽ còn lớn hơn nữa. Mặc dù tỷ lệ luân chuyển việc làm cao và có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu việc làm, nhưng tác động tổng thể dường như là tích cực, dẫn đến sự gia tăng về số lượng việc làm. Thị trường lao động dự kiến sẽ mất đi và tái sinh thêm nhiều việc làm khi các ngành công nghiệp thay đổi để đáp ứng với các mục tiêu về khí hậu.
Để làm được điều này, Đức đã có các chính sách hỗ trợ đồng thời cả các nhóm lao động ngành nghề xanh và các nhóm lao động trong ngành năng lượng truyền thống chuyển đổi sang.
Tại Đức, số việc làm mới trong ngành năng lượng tái tạo (NLTT) nhiều hơn số lượng việc làm bị mất của ngành năng lượng truyền thống. Ảnh: Freepik
Giống như nhiều nước khác trên thế giới, xu hướng chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam đã và đang diễn ra theo hướng tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm dần tỷ trọng năng lượng truyền thống. Trong tương lai, nhiều vị trí việc làm mới sẽ được tạo ra cho ngành NLTT, những vị trí việc làm mới này đòi hỏi người lao động phải có trình độ đào tạo bài bản, kỹ năng phù hợp với công nghệ mới, TS Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhận định.
Đức luôn đồng hành vì người dân Việt Nam
Theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trong ấn phẩm Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - Cơ hội và thách thức (cuốn sách thuộc dự án được Liên minh châu Âu cùng Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức đồng tài trợ, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thực hiện, nhà xuất bản Thanh Niên phát hành), Việt Nam cần xem xét những chính sách cụ thể để chuyển dịch năng lượng và chuyển dịch việc làm trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trước hết, cần tạo thêm nhiều "việc làm xanh" với mức độ ưu tiên cao. Tiếp đến, cần nâng cao năng lực đối với người lao động trong ngành năng lượng sạch, đặc biệt là lĩnh vực điện mặt trời mái nhà, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động đã qua đào tạo. Đồng thời, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động từ ngành nhiên liệu hóa thạch, chuẩn bị cho một nền kinh tế xanh.
Các chuyên gia cũng khẳng định, để thực hiện được các mục tiêu này, cần có sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các bên: Chính phủ, các Bộ ban ngành, các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, cùng sự chuyển mình của chính lực lượng lao động. Đồng thời, sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía các đối tác quốc tế với kinh nghiệm từ các mô hình chuyển dịch thành công là rất cần thiết.
Ông Santiago Alonso Rodriguez, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam nên tận dụng các kinh nghiệm quốc tế để đi tắt đón đầu quá trình chuyển dịch năng lượng. Với tổng danh mục đầu tư lên tới 1 tỉ Euro cho các dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam, Chính phủ Đức đã, đang triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng cũng như chuyển dịch việc làm. Đối với chúng tôi, mọi nỗ lực hướng tới là vì người dân Việt Nam. Thông qua các chương trình, dự án cụ thể nhằm chuyển đổi việc làm xanh và công bằng, Chính phủ Đức hy vọng sẽ giúp tạo ra việc làm phù hợp và cơ hội kinh tế cho người dân Việt Nam".
Khóa đào tạo thực hành "Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam" để chuẩn bị cho quá trình chuyển dịch việc làm, do Chính phủ Đức tài trợ. Chương trình có sự tham gia của 19 giáo viên đến từ 8 trường cao đẳng Việt Nam đang triển khai các khóa đào tạo nghề định hướng tiêu chuẩn của CHLB Đức. Ảnh credit: GIZ
Ngày 20.9.2023, Đại sứ quán Đức sẽ tổ chức hội thảo "Chuyển dịch năng lượng công bằng - Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng" tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện và chuyên gia trong nước, quốc tế với mục tiêu kết nối các ý tưởng và giải pháp sáng tạo góp phần vào hành trình chuyển dịch năng lượng cũng như chuyển dịch nghề nghiệp tại Việt Nam.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây