Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Thứ sáu - 15/09/2023 04:20 375 0
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi văn bản hướng dẫn các sở Giáo dục và Đào tạo; các trường dự bị đại học; Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục dân tộc.
Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm vụ chung của giáo dục dân tộc năm học 2023-2024 là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường dự bị đại học; bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; quan tâm giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về nhiệm vụ cụ thể của giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, sắp xếp mạng lưới, tổ chức lại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Việc sắp xếp phải đảm bảo nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.
Đồng thời thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi; tăng tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở; giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để kiên cố hóa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp, công trình và lập kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, đặc biệt chú ý đối với các trường ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, gần sông suối; chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn.

Dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông: Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu thực hiện dạy học các tiếng Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái lớp 1, lớp 2, lớp 3 theo hướng dẫn của Bộ.
Ngoài 8 chương trình, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số đã ban hành, đối với các địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng dân tộc thiểu số và thực hiện thủ tục đưa tiếng dân tộc thiểu số có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh vào dạy học trong trường phổ thông theo quy định.
Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan như Ban Dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương để xây dựng các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy và học tiếng dân tộc thiểu số ở trường phổ thông. 
Thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách phát triển giáo dục: Công văn nêu rõ, tiếp tục thực hiện đúng, đủ kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học và các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực hiện nghiêm túc chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, đảm bảo cử tuyển đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Chú trọng công tác xây dựng kế hoạch cử tuyển của địa phương gắn với quy hoạch nguồn nhân lực của địa phương, của vùng để đảm bảo người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây