Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường

Thứ bảy - 27/05/2023 02:06 776 0
Tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động ở các nhà trường. Điều đó càng đòi hỏi phải tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh.
Chiều 22/5, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn kỹ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh phổ thông.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa đã nhắc lại một số vụ bạo lực học đường nổi bật trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây. Điều đó đã gióng lên hồi chuông báo động trong trường học, nhất là khi bạo lực đã có những biến đổi, không chỉ ở thể chất mà còn bạo lực tinh thần, bạo lực trên không gian mạng. Cá biệt, có rất nhiều vụ đánh nhau quay clip trên mạng xã hội, cô lập ngược đãi, thao túng tâm lý ảnh hưởng nặng nề đến học sinh.
Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đặt câu hỏi về nguyên nhân của thực trạng trên: “Chúng ta đã bao giờ đặt câu hỏi vì sao lại có bạo lực học đường? Bạo lực học đường ngày này khác ngày xưa như thế nào? Tác động bạo lực sẽ nguy hại thế nào, vì sao bạo lực ngày nay lại lan tỏa nhanh trên mạng xã hội như vậy?"
Từ thực tế trên, lãnh đạo ngành Giáo dục đề nghị các nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Trong đó, chú trọng đến việc giáo dục học trò bằng sự yêu thương, chia sẻ: Thầy cô phải thấu hiểu học sinh, phải có những giao tiếp tâm hồn, thể hiện bằng tư tưởng, tình cảm, cảm xúc để có thể cảm hóa học trò.
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, các nhà trường cũng cần quan tâm đến kỹ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đặc biệt là phía gia đình để từ đó có sự đồng hành, hỗ trợ với nhà trường trong việc giáo dục học trò. Bên cạnh đó, cũng nhắc nhở một số nhà trường hoặc một số giáo viên còn có tình trạng thờ ơ, vô cảm, thiếu sự quan tâm với những học sinh có dấu hiệu bất thường hoặc những học sinh cá biệt, chậm tiến bộ.
Dịp này, các học viên đã được nghe PGS.TS. giảng viên cao cấp Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo bồi dưỡng - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ các chuyên đề: Kiến thức và kỹ năng phát hiện, tư vấn, giáo dục học sinh chưa ngoan, chưa tích cực, học sinh có khó khăn về tâm lý; Phương pháp phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh chưa tích cực, học sinh khó khăn về tâm lý; Kỹ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường; Phương pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả; Phương pháp phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh tuổi dậy thì và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên...
Chương trình tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh và được phát trực tuyến đến tất cả giáo viên, học sinh trong toàn ngành.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây