Thụ phấn bổ sung, ép na ra trái vụ, nông dân Nghệ An thu lãi khá

Thứ tư - 31/07/2024 21:49 215 0
Nhờ áp dụng thụ phấn bổ sung cho na, ép na ra quả trái vụ nên nông dân Nghệ An thu lãi khá từ trồng na.
Thụ phấn bổ sung, ép na ra trái vụ, nông dân Nghệ An thu lãi khá
Năng suất cao nhờ áp dụng biện pháp thụ phấn
Cây na trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn hộ ở các xã ven đô thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc
Hộ anh Lê Văn Quang ở xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân (TP. Vinh) trồng 200 gốc na. Hiện đang rộ vụ thu hoạch, mỗi ngày, anh cung ứng ra thị trường khoảng 2-3 tạ na. Giá bán đầu vụ lên đến 50.000 - 60.000 đồng/kg, nay dao động 30.000 - 40.000 đồng/kg, trung bình mỗi gốc na thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch từ 30-50 kg quả.
Anh Quang cho biết: “Trước đây gia đình chỉ trồng vài gốc để ăn, sau thấy cây na hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cũng dễ bán nên mở rộng diện tích. Trung bình, mỗi năm (2 vụ) mỗi gốc na cho thu nhập 1-1,5 triệu đồng”.
Không riêng gì hộ anh Quang mà ở xã Nghi Ân cây na trở thành cây chủ lực trong kinh tế vườn hộ. Theo ước tính toàn xã có khoảng 10 ha na dai, chủ yếu tập trung ở xóm Kim Nghĩa. Hộ nhiều thì khoảng 300-400 gốc, hộ ít cũng vài chục gốc na trong vườn.
Những năm qua, nhằm nâng hiệu quả kinh tế từ cây na, người dân các xã Nghi Ân, Nghi Thái, Nghi Đức đã ứng dụng kỹ thuật vào thâm canh cây na. Theo đó, biện pháp thụ phấn nhân tạo cho na được các hộ dân áp dụng thành công.
Bà Phạm Thị Phượng - một hộ trồng na ở xã Nghi Đức cho biết: “Na sai hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp, do đó, nếu hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên thì hiệu quả, năng suất thấp. Để na cho năng suất, sản lượng cao, chúng tôi áp dụng thụ phấn bổ sung cho na”.
Theo kinh nghiệm của bà Phượng, trước khi thụ phấn, các hộ trồng phải lựa chọn hái những hoa nở cánh dài, nhuỵ đã bắt đầu chuyển sang màu trắng đục để lấy phấn. Sau khi hái, toàn bộ số hoa được cho vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau mới tiến hành bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra rồi mới đem đi thụ phấn.
Những hoa được chọn để thụ phấn là hoa vừa nở, các cánh hoa đã tách đều. Chỉ cần dùng dụng cụ thụ phấn tích hạt phấn rồi đẩy nhẹ đầu que tre và xoay đều cho phấn dính vào bó nhụy hoa trên cây. Các hoa đã thụ phấn sẽ được đánh dấu bằng một vết bấm nơi đầu cánh; hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo. Đặc biệt, việc thụ phấn hoa chỉ được thực hiện vào những ngày nắng ráo vì ngày mưa gió, phấn hoa sẽ không dính được vào đầu nhụy. Nhờ áp dụng kỹ thuật này, tỷ lệ na đậu quả đạt đến 90%.
Tận dụng đặc tính tái sinh mạnh của cây na, người trồng đã thực hiện cắt chồi cũ để cây mọc những chồi mới có hoa, sau đó thụ phấn cho hoa để ra quả vụ muộn. Thay vì mỗi năm chỉ 1 vụ chính vào tháng 7-8 thu hoạch như trước, thì nay, na còn cho thu hoạch vụ muộn khoảng tháng 10-11. Na vụ muộn vừa ít công chăm sóc, ít chi phí đầu tư và giá bán lại cao hơn chính vụ.
“Quả vụ muộn hầu như đều mọc ở trong thân cây nên có kích thước to hơn và bán được giá hơn so với quả chính vụ. Do vậy, sản lượng na vụ muộn có thể thấp hơn nhưng thu nhập mang lại có thể tương đương na chính vụ. Tuy nhiên, để có thể trồng na rải vụ, cành cây yêu cầu phải già, tán phải tương đối thưa để nắng có thể lọt vào làm nảy chồi trong thân cây”, anh Lê Quang cho biết.
Xây dựng thương hiệu cho na
Vườn na theo mô hình VietGAP của ông Cao Thanh Vinh ở xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thanh Phúc
Ở xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, cây na được trồng cách đây khoảng 30 năm song chỉ trở thành hàng hóa và là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn đồi khoảng 5 năm trở lại nay. Toàn xã có khoảng 8 ha na dai, 30 hộ trồng, trong đó, có khoảng 4 ha na trồng tập trung, hộ nhiều nhất là ông Nguyễn Quang Trung 1,1 ha, hộ ông Cao Thành Vinh 0,7 ha, hộ ông Nguyễn Phương Đường 0,5 ha.
Ngoài kinh nghiệm thâm canh na như kỹ thuật tuốt lá, đốn cành, bón phân để na cho năng suất cao thì các hộ trồng na ở xã Nghĩa Hiếu còn đưa các giống na mới như na Thái, na Đài Loan vào trồng…
“Na Thái có mẫu mã đẹp, mắt na trên mỗi quả rất đều, trọng lượng nhỏ thì 3 quả/kg, còn đa phần lên tới 0,5 đến 0,8 kg/quả. Chất lượng na Thái ngọt thanh và dai, ít hạt, thịt nhiều, ăn đến đâu mát đến đó. Na dai Thái cũng đạt năng suất 4,5 tấn/ha, đặc biệt giá bán rất cao, lên tới 80.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với na dai truyền thống. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn”, ông Cao Thanh Vinh - hộ trồng na ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu cho biết.
Đặc biệt, nhằm tạo nên mối liên kết giữa các hộ trồng na với nhau, chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc cho cây na, thông tin kịp thời về giá cả thị trường cho các hộ trồng na, tổ hợp tác trồng na xã Nghĩa Hiếu được thành lập.
“Người trồng lâu năm, có kinh nghiệm hướng dẫn người trồng sau về quy trình trồng và chăm sóc cây na, các giống na có năng suất cao được người dân đưa về trồng khảo nghiệm, việc xây dựng thương hiệu na Nghĩa Hiếu trên các nền tảng số được quan tâm.
Na Nghĩa Hiếu được cấp chứng nhận VietGAP, đạt 3 sao OCOP nên giá bán cơ bản ổn định, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua hết đến đó đem lại thu nhập cao cho người trồng”, ông Phan Trung Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiếu chia sẻ.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây