Nghệ An: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ năm - 07/12/2023 11:37 137 0
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và sớm trở thành tỉnh khá của cả nước. Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước. Thực hiện mục tiêu trên, Nghệ An đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Nghệ An: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tàu, thuyền của ngư dân Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vừa cập bến. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Xây dựng điểm du lịch 4 mùa

Bước vào mùa du lịch Thu - Đông năm nay, trên cơ sở khảo sát thị hiếu của du khách, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và Du lịch SAM đang khẩn trương hoàn thiện bộ sản phẩm mới với các tour trải nghiệm đặc trưng như: Khám phá đỉnh Puxailaileng huyện Kỳ Sơn; tham quan đồi hoa Xuân ở huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; du lịch cộng đồng ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong,...

Chị Lê Thị Phương Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và Du lịch SAM cho biết, nắm bắt xu hướng của khách thích trải nghiệm và "check in" ở những địa điểm gần, thích không gian xanh, hòa quyện vào thiên nhiên, thưởng thức đặc sản địa phương nên Công ty đã liên kết với các điểm đến, xây dựng tour phù hợp để du khách trải nghiệm ngay chính trên quê hương mình.

Những năm gần đây, du lịch mùa Thu - Đông ở Nghệ An đã bắt đầu khởi sắc và đóng góp một lượng khách cũng như doanh thu không nhỏ để tạo sự cân bằng bốn mùa cho du lịch Nghệ An. Nắm bắt xu hướng đó, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đang tập trung làm mới và đa dạng sản phẩm, xây dựng điểm đến thật sự ấn tượng, hấp dẫn. Đơn cử như thị xã Cửa Lò, mùa du lịch Thu - Đông năm nay có thêm nhiều sản phẩm và điểm đến mới; triển khai nhiều chương trình giảm giá dịch vụ ăn, nghỉ; nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức các sự kiện, lễ hội để thu hút khách.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết: Thị xã xây dựng nhiều điểm "check in" ở khu vực Quảng trường Bình Minh, lâm viên; tạo các cánh đồng hoa cúc biển; có các sản phẩm du lịch nông nghiệp cho du khách vừa tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Ở mỗi phường, xã, thị xã Cửa Lò cũng đã xây dựng 1 điểm đến văn hóa làng biển, tham quan trải nghiệm chợ truyền thống, làng nghề và mua sắm các sản phẩm OCOP như cá thu, tôm nõn, mực khô,… Bên cạnh đó, thị xã thực hiện tôn tạo, mở rộng khuôn viên các di tích, các điểm đến tâm linh ngày càng đẹp, rộng rãi hơn. Tại các điểm đến tâm linh này, những lễ hội truyền thống cũng được khôi phục. Các lễ hội truyền thống gắn liền với di tích được tổ chức suốt cả năm. Du khách về với Cửa Lò sẽ được sống trong không khí vui tươi của những ngày lễ hội.

Mùa Thu - Đông cũng là thời điểm lý tưởng nhất để du khách có những trải nghiệm ngắm vườn hoa đủ sắc màu vùng miền Tây xứ Nghệ hay khám phá bản sắc văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc. Hiện các doanh nghiệp du lịch đang tập trung đẩy mạnh liên kết, quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất, cảnh quan, tạo ra những sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn, mới lạ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Đặng Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm Điều phối du lịch miền Tây xứ Nghệ cho biết, các điểm đến của miền Tây Nghệ An như Nghĩa Đàn - Quỳ Châu - Quế Phong hay Nghĩa Đàn - Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn đã hoàn thiện các gói về du lịch từ ẩm thực đến giao lưu văn hóa cộng đồng, đặc biệt là hệ thống lưu trú đã có cải thiện lớn nhằm phục vụ du khách. Các điểm đến đã liên kết chặt chẽ để tạo nên các tour 3 ngày 2 đêm, 5 ngày 4 đêm hoặc 6 ngày 5 đêm theo từng gói sản phẩm trải nghiệm của du khách.

Theo Sở Du lịch Nghệ An, năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn tăng trưởng, dự ước năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 8,36 triệu lượt, bằng 127 % so với năm 2019, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 170 % so với năm 2019.

Tuy nhiên, du lịch Nghệ An vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế như phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Đóng góp của du lịch vào GRDP còn ở mức khiêm tốn, mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp. Sản phẩm du lịch tuy đã cải thiện nhưng chưa tạo bước đột phá, chưa có sản phẩm tạo thương hiệu đặc trưng cho du lịch Nghệ An; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm để tăng mức chi tiêu của du khách; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài với các dự án tầm cỡ, dịch vụ độc đáo, cao cấp. Một số dự án trọng điểm du lịch gần như không triển khai hoặc triển khai rất chậm và cầm chừng. Đặc biệt, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu chuyên nghiệp cả về kỹ năng và thái độ phục vụ. Tình trạng thiếu hụt nhân lực cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3 - 5 sao, hướng dẫn viên quốc tế, cán bộ quản lý, điều hành các khách sạn, nhà hàng... tiếp tục diễn ra, nhất là sau COVID-19.

Định vị sản phẩm du lịch

Thời gian qua, Nghệ An đã định vị một số sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn; du lịch ẩm thực.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 - 12%.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngành Du lịch tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, bốn mùa, sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế trên cơ sở thế mạnh của tỉnh và tính bổ trợ kết nối trong sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng. Ngành quy hoạch, phát triển một số khu du lịch quốc gia; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án về du lịch. Địa phương thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh với các dự án tầm cỡ, dịch vụ cao cấp thu hút khách có mức chi tiêu cao, đem lại nguồn thu lớn tiến tới xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Nghệ An là điểm đến của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới.

Ngành Du lịch tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định khách du lịch nội tỉnh, nội địa; thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế; hình thành và tổ chức thường niên hay định kỳ một số sự kiện du lịch mới, có quy mô vùng. Ngành cũng tiếp tục chuyển đổi số, số hóa các di tích; nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố trong nước, nhất là những địa phương có nguồn khách lớn; đồng thời mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh/thành phố của các nước trong khu vực và các nước Nghệ An có ký kết hợp tác.

Cùng với đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tập huấn, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm du lịch, hình thành văn hóa du lịch làm cho du khách hài lòng, ngành Du lịch cũng tham mưu, đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách thu hút khách quốc tế, chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, bởi vậy, Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng gắn với phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển du lịch; thực hiện công tác quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với quy hoạch vùng. Tỉnh đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch; phát triển kinh tế xanh, các đô thị trung tâm; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hạ tầng số trong phát triển du lịch. Từ những giải pháp trên thực hiện phát triển du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây