Tái sử dụng nước – Một giải pháp hiệu quả sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước

Thứ ba - 04/05/2021 04:28 237 0
Nước có vai trò quyết định sự sống và là nguồn tài nguyên thiên nhiên có tái tạo nhờ vòng tuần hoàn của nước. Nhiều nơi, người dân vẫn còn xem nước là nguồn tài nguyên vô tận và chưa thấy hết giá trị của việc thiếu hụt nguồn nước trong tình hình môi trường đang bị biến đổi, các nguồn nước đang ngày bị ô nhiễm và cạn kiệt.Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch và nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất công nông nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và sự bùng nổ dân số.
Vùng trồng rau tại huyện Quỳnh Lưu
Vùng trồng rau tại huyện Quỳnh Lưu
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nước có thể thấy do những yếu tố sau: 
            -Dân số tăng nhanh: Ngày nay, theo đà tăng của dân số, lượng nước dùng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt không ngừng tăng.
            - Môi trường sinh thái bị phá hoại do nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu:
            - Sự ô nhiễm tài nguyên nước: Cùng với tốc độ phát triển đô thị hóa, công nghiệp hiện đại là số lượng chất thải làm nhiễm bẩn nguồn nước ngày càng khó kiểm soát khiến nguồn nước sạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. 
            - Sử dụng và quản lý tài nguyên nước không hợp lý: Sự cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước do chưa thực sự có các biện pháp quản lý tốt nguồn tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước thải chưa được tái sử dụng hiệu quả, chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên này.
            Hầu hết lượng nước thải thải ra trên toàn cầu đều quay trở lại thải trực tiếp vào hệ sinh thái trong điều kiện chưa được xử lý và tái sử dụng. Trong khi cơ hội tái tạo khai thác từ nguồn nước thải nhu một nguồn tài nguyên là rất lớn. Nước thải được xử lý và quản lý hiệu quả là nguồn nước, nguồn năng lượng và nguồn nguyên liệu tái tạo có chi phí hợp lý và bền vững.
            Một trong các mục tiêu phát triển bền vững được đưa ra tại Chương trình Nghị sự phát triển bền vững 2030 được Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 là: Ðảm bảo đến năm 2030 tất cả mọi người đều có khả năng tiếp cận với nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn.
            Theo UN Water, hiện nay ước tính có trên 80% lượng nước thải toàn cầu không được tái sử dụng hoặc xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý.Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 842.000 người tử vong do sử dụng nguồn nước không an toàn và kém vệ sinh.
            Với hiện trạng ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đặt ra yêu cầu tìm kiếm nguồn nước bổ sung thay thế trong tương lai là rất cần thiết. Những hoạt động tái sử dụng này sẽ giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt, suy giảm chất lượng nước nguồn nước do việc khai thác quá mức và ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng.
            Tỉnh Nghệ An có 21 huyện thành phố, thị xã trong đó có 17 huyện với trên 400 xã thuộc vùng nông thôn, cơ cấu ngành nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp lớn.Vì vậy, việc tái sử dụng nước thải ở khu vực này để phục vụ thêm cho sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết trong tương lai.
            Các nguồn nước thải bao gồm: Nước thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu văn phòng, trường học...; nước thải từ các hoạt động sản xuất; nước chảy tràn bề mặt: từ nước mưa, nước ao hồ… tràn trên bề mặt vào hệ thống thu gom chung.
            Tại các vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp chuyên canh, cây trồng có các giá trị kinh tế cao đang được ưu tiên phát triển cùng với nó cần phải có một lượng nước tưới đủ lớn trong khi nguồn nước sạch là một tài sản quý hiếm cần sử dụng có hiệu quả. Trước thực trạng đó,đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ phù hợp trong việc xử lý môi trường nước thải để tái sử dụng.
            Xử lý nước thải là quá trình loại bỏ chất ô nhiễm ra khỏi nước thải bao gồm các quá trình vật lý, hóa học và sinh học để loại bỏ các chất ô nhiễm có nguồn gốc vật lý, hóa học và sinh học. Mục tiêu của xử lý nước thải là tạo ra được một dòng chất lỏng, an toàn với môi trường và được tái sử dụng trong việc cung cấp nước cho cây trồng.
            Xử lý nước thải bao gồm 3 giai đoạn: xử lý sơ bộ, xử lý thứ cấp và xử lý hoàn thiện.
            Giai đoạn xử lý nước thải sơ bộ bằng phương pháp vật lý: các chất rắn, nặng sẽ lắng xuống đáy, rác rưởi, xác hữu cơ được giữ lại các thanh chắn kim loại, dầu mỡ được nổi lên trên được tách ra. Trong nước chỉ còn nhữngthực vật, chất hữu cơ dạng hạt nhỏ… chúng được chuyển sang giai đoạn xử lý thứ 2 là xử lý thứ cấp.
            Giai đoạn xử lý thứ cấp: Đây là giai đoạn xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học. Ngoài ra, còn sử dụng các vi sinh vật yếm khí hoặc hiếu khí sống trong nước để phân giải các phức chất hữu cơ thành các chất hữu cơ đơn giản hoặc các chất vô cơ làm nước trong sạch.
            Giai đoạn xử lý hoàn thiện: Nước thải được xử lý trong các giai đoạn trước được khử trùng bằng các chất hóa học hay vật lý làm cho nước không còn bị ô nhiễm và nguồn nước này có thể tái sử dụng trong sinh hoạt hoặc tưới cho cây trồng.
            Với các biện pháp xử lý thích hợp, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn có thể đáp ứng được các nhu cầu sử dụng. Các cấp chính quyền cùng với các Sở ban ngành liên quan nên từng bước xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng các chương trình, dự án, các hoạt động tái sinh, tái sử dụng nước thải mang tính liên ngành, liên vùng cho các mục đích phi sinh hoạt một cách cụ thể và sớm ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng nước tái sinh ở những địa phương khan hiếm nước và thành lập quỹ tái sử dụng nước để hỗ trợ tài chính cho các mục đích tái sử dụng nước.

Tác giả bài viết: Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay23,733
  • Tháng hiện tại136,725
  • Tổng lượt truy cập12,303,826
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây