Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để khai thông Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3

Thứ hai - 13/11/2023 09:41 228 0
Một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, là hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó có hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, quá trình triển khai nội dung này đang gặp khó khăn cần sớm tháo gỡ.
Cần sớm tháo gỡ vướng mắc để khai thông Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3

Nội dung số 1 “hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị”, thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3, trong đó có một ý: “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao nuôi thủy sản và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất”.

Căn cứ nội dung này, thời gian qua, rất nhiều địa phương đã khảo sát, xây dựng kế hoạch vốn để triển khai, trong đó nhiều địa phương đã tập trung cho việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động, hộ sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn… được tiếp cận nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, với kỳ vọng coi đây là một hướng đi có nhiều tiềm năng triển khai thực hiện được, và sẽ góp phần đáng kể tăng giá trị thu nhập cho người dân địa phương.

Mô hình nuôi Hươu sao thương phẩm tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) cho biết: Căn cứ đề xuất của Phòng dân tộc huyện và của Phòng Kinh tế huyện, lãnh đạo huyện Mường Chà đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương khác để khảo sát, tìm hiểu, lựa chọn mua cây giống, con giống bảo đảm chất lượng, phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để đưa về Mường Chà phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Chẳng hạn, vào Hà Tĩnh để tìm hiểu mua con Hươu giống, sang Yên Bái để mua cây Quế giống… Trong 2 năm (2022 - 2023) huyện Mường Chà được giao gần 40 tỷ đồng để thực hiện Dự án 3.

Về kết quả thực hiện Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3, trong 2 năm (2022 - 2023) cả tỉnh Điện Biên được trung ương giao gần 272,6 tỷ đồng. Tỉnh đã thẩm định được 39 dự án liên kết, 174 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng. Kết quả giải ngân tính đến ngày 30/9/2023 đạt 15,33%, dự tính đến hết năm 2023 ước đạt 50% kế hoạch giải ngân vốn.
Theo báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, trên bình diện cả nước, trong 3 năm qua (2021 - 2023), tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 3 là 6.358,3 tỷ đồng. Các địa phương đã triển khai được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng; 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi... Tuy nhiên, kết quả giải ngân tính đến hết tháng 10 năm 2023 mới chỉ đạt 7%. Nguyên nhân kết quả đạt thấp là do các địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt là khó khăn vướng mắc về thủ tục xác định nguồn gốc cây trồng, vật nuôi.
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, khi tham gia ý kiến thảo luận về kết quả giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, bà Lò Thị Luyến, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên đã phản ánh: “Theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 38/2023/NĐ-CP quy định “Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”. Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng: “Quy định này chưa thật sự rõ
ràng, dễ dẫn đến hậu quả rủi ro về mặt pháp lý cho người thừa hành công vụ”.
 
 
Bà: Lò Thị Luyến, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Điện Biên (ảnh: QH)
Hiện nay, các địa phương đư ợc hướng dẫn là cần xem xét cân nhắc lựa chọn phương án cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giống vật nuôi và  sản phẩm giống vật nuôi (Luật Chăn nuôi, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi và các văn bản pháp luật khác có liên quan)
 
Tuy nhiên, có một thực tế, trên địa bàn cả nước không có đơn vị nào có đủ điều kiện cung ứng con giống bản địa. Việc sử dụng giống vật nuôi (chủ yếu được nuôi theo hướng công nghiệp, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Chăn nuôi) lại không phù hợp với cách thức chăn nuôi quảng canh của nông hộ nhỏ lẻ vùng miền núi, không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường chăn thả ngoài tự nhiên, làm giảm tỷ lệ sống, hạn chế sự phát triển của vật nuôi và giá thành tăng do chi phí vận chuyển xa.
Cũng có một thực tế khác, rất nhiều địa phương phản ánh tình trạng nhiều hộ dân đi nơi khác chọn được con giống tốt mang về nuôi, nhưng để nhận được tiền giải ngân hỗ trợ từ Dự án thì phải chứng minh được nguồn gốc 3 đời của con vật đó (áp dụng theo Luật Chăn nuôi). Điều này gần như là bất khả thi trong điều kiện đa số cơ sở chăn nuôi hoặc hộ chăn nuôi đều theo cách thức truyền thống, nhỏ lẻ, tự phát, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Đây là những vấn đề hiện đang tồn tại, bất cập; là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 nói riêng và cả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung.
Trước vấn đề này, trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến đã tha thiết đề nghị Quốc hội sớm thông qua và ban hành một Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù như Chính phủ đã trình thì sẽ tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện cả 3 Chương trình quốc gia, qua đó tin tưởng sẽ đạt được các mục tiêu và và ý nghĩa nhân văn của các Chương trình.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây