Đưa củ gừng Kỳ Sơn ra thế giới

Chủ nhật - 26/11/2023 22:43 239 0
Từ một cây trồng không mấy ai để mắt, ông Luân đã liên kết phát triển vùng trồng gừng hàng trăm ha gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, giúp bà con thoát nghèo.
Đưa củ gừng Kỳ Sơn ra thế giới

Cây gừng cho thu nhập gấp 10 lần ngô, lúa

Ông Nguyễn Văn Luân sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1987, ông cùng gia đình lên thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lập nghiệp với nhiều nghề để kiếm sống.

Cây gừng ở Kỳ Sơn có chất lượng rất tốt, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Tú.

Cây gừng ở Kỳ Sơn có chất lượng rất tốt, được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Ngọc Tú

Đến năm 1999, kinh tế gia đình tương đối khá giả, ông nhận thấy trên mảnh đất Kỳ Sơn rất cần có một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để phục vụ bà con nông dân các dân tộc ở các bản làng có điều kiện tiếp xúc, mua bán, trao đổi hàng hoá nông sản phẩm do họ làm ra,… nhất là các bản làng vùng cao giáp biên giới Việt - Lào như ở các xã Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Tà Cạ, Đoọc Mạy… Ở các xã này, ông thấy bà con dân bản cuộc sống rất khó khăn, sản phẩm làm ra nhiều như chè shan tuyết, gừng, gà ác (gà đen), bò Mông… nhưng không biết bán ở đâu, bán cho ai để có tiền tiêu dùng và nuôi con ăn học.

Từ những suy nghĩ và những gì thấy được trên quê hương Kỳ Sơn, ông Nguyễn Văn Luân đã mạnh dạn thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn để vừa kinh doanh, vừa phục vụ bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Việc làm đầu tiên của HTX do ông thành lập và trực tiếp làm Giám đốc là thu mua, bao tiêu sản phẩm gừng cho bà con dân bản.

Để bán được củ gừng, ông Luân phải xuống tận nương rẫy của các bản làng tự tay mình đào cả cụm củ gừng lên rửa sạch mang đến cho các thương lái chào hàng và rất may gừng Kỳ Sơn được thương lái trong và ngoài tỉnh ưa thích bởi củ gừng ở đây vừa ít xơ, vừa thơm, vừa rất cay nên được thương lái thu mua ngày càng nhiều.

Ông Luân đã đầu tư hệ thống thiết bị bài bản phục vụ chế biến gừng xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Luân đã đầu tư hệ thống thiết bị bài bản phục vụ chế biến gừng xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Tú

Nhận thấy tiềm năng cây gừng Kỳ Sơn có thể giúp bà con dân bản xoá đói, giảm nghèo, lại vừa phù hợp với mục đích kinh doanh của HTX, năm 2013, ông Luân bắt đầu say mê với cây gừng. Ông đến từng bản làng, vào tận từng nương rẫy để tìm hiểu có bao nhiêu giống gừng bà con nông dân đang trồng hiện nay, giống nào năng suất cao nhất, thời vụ trồng, kỹ thuật trồng,…

Từ đó, ông biết được ở Kỳ Sơn có hai giống gừng: Gừng dé củ nhỏ, năng suất thấp, nhưng rất cay và gừng sừng trâu củ to, năng suất cao, ít xơ, mức độ cay ít hơn gừng dé. Cả hai loại gừng này khách hàng đều mua hết.

Cái yếu nhất về sản xuất gừng ở Kỳ Sơn là năng suất thấp do đầu tư thâm canh kém và chưa biết chọn củ giống tốt khi trồng. Vì vậy, ông Luân phải tìm đến các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện, tỉnh và mua sách về đọc để nắm vững những kiến thức cơ bản về trồng và thâm canh cây gừng đạt được năng suất cao. Từ đó, trước mỗi vụ gieo trồng gừng, ông mời cán bộ kỹ thuật và chuyên gia ngành nông nghiệp huyện, tỉnh về tập huấn cho bà con dân bản biết cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản. Trong đó, theo ông Luân, biện pháp quan trọng nhất là khi thu hoạch không được làm gãy, dập nát củ gừng để bảo quản được lâu.

Nhờ ông Luân (ngoài cùng bên phải), hàng trăm hộ đồng bào vùng cao ở Kỳ Sơn đã có thu nhập tốt từ cây gừng. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhờ ông Luân (ngoài cùng bên phải), hàng trăm hộ đồng bào vùng cao ở Kỳ Sơn đã có thu nhập tốt từ cây gừng. Ảnh: Ngọc Tú

Ban đầu HTX vận động được 20 hộ dân tham gia liên kết trồng được 10ha hoàn toàn theo quy trình sản xuất gừng hữu cơ. Đến năm 2023, HTX đã có 146 hộ thuộc 6 bản trên địa bàn 4 xã ở huyện Kỳ Sơn (Tây Sơn, Tà Cạ, Mường Lống và Đoọc Mạy) tham gia trồng gừng với diện tích 40ha.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ trồng đến thu hoạch nên năng suất gừng đạt bình quân 300 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, gừng được trồng ở độ cao trên 1.200m so với mặt biển nên rất cay và rất thơm, được khách hàng ưa chuộng, mua nhiều. Ước tính, thu nhập bình quân 1ha gừng khoảng 200 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng ngô, lúa trên đất nương rẫy.

Đưa gừng Kỳ Sơn xuất ngoại

Từ thành công này, đến nay, mô hình liên kết sản xuất trồng và bao tiêu sản phẩm gừng giữa bà con dân bản với HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đã nhân rộng diện tích lên đến 400ha ở nhiều xã trong huyện Kỳ Sơn và mở rộng thêm một số xã ở huyện Tương Dương như Nhơn Mai, Mai Sơn…, đây là những xã nghèo giáp biên giới Việt - Lào. Bước đầu ở các xã này đã có 15 hộ tham gia trồng và thường xuyên cung cấp cho HTX từ 40 – 45 tấn gừng củ/năm.

Với lợi thế về chất lượng, gừng Kỳ Sơn đã tạo được thương hiệu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Với lợi thế về chất lượng, gừng Kỳ Sơn đã tạo được thương hiệu. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn là đơn vị chuyên thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm gừng ra thị trường trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm HTX thu mua cho dân bản hơn 1.000 tấn gừng đem về tiến hành sơ chế, phân loại và chế biến ra sản phẩm gừng sấy khô sạch để cung cấp cho các khách hàng trong nước xuất khẩu ra thị trường các nước Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Turkmenistan và một số nước châu Âu.

Để cây gừng, sản phẩm gừng trở thành thương hiệu trong và ngoài nước, ông Nguyễn Văn Luân đã cùng với UBND huyện Kỳ Sơn dày công xây dựng thương hiệu cho cây gừng Kỳ Sơn và đến ngày 15/11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới Kỳ Sơn mở rộng diện tích trồng, mở hướng xuất khẩu các sản phẩm gừng ra thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay đã có 4 xã trồng gừng đáp ứng các tiêu chí về chất lượng gừng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài gồm Tây Sơn, xã Tà Cạ, xã Mường Lống và xã Đoọc Mạy của huyện Kỳ Sơn. Năm 2020, sản phẩm "Gừng Kỳ Sơn" của HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Để sản phẩm gừng ngày càng được nâng cao về chất lượng, ngoài việc chọn giống gừng tốt, có năng suất cao, trồng và thâm canh theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, HTX còn đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm được chế biến từ gừng, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu gừng Kỳ Sơn trên thương trường trong và ngoài nước.

Cây gừng đã tạo việc làm, thu nhập giúp hàng trăm hộ dân vùng cao Kỳ Sơn thoát nghèo. Ảnh: Lữ Phú.

Cây gừng đã tạo việc làm, thu nhập giúp hàng trăm hộ dân vùng cao Kỳ Sơn thoát nghèo. Ảnh: Lữ Phú

Với sự nhạy bén, đam mê, năng động trong cơ chế thị trường, ông Nguyễn Văn Luân đã trở thành hình mẫu trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn. Việc làm của HTX và của cá nhân ông Luân đã tạo động lực để bà con dân bản yên tâm sản xuất cây gừng, nhất là mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng giữa HTX với bà con dân bản ở 4 xã của huyện Kỳ Sơn và 2 xã ở huyện Tương Dương hiện nay. Không những thế, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 13 - 15 lao động trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có việc làm, thu nhập ổn định (bình quân từ 6 – 6,5 triệu đồng/người/tháng).

Riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Luân, năm 2021 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng bằng khen. Vừa rồi, anh Luân còn được Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu hội viên cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2022.
Nhưng, thành công mà ông Nguyễn Văn Luân tâm đắc nhất, đó chính là đã góp phần giúp hàng trăm hộ nông dân vùng cao thoát nghèo, được UBND huyện Kỳ Sơn đánh giá cao. Quan trọng nhất, sản phẩm gừng Kỳ Sơn đã trở thành thương hiệu có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây