Quế Phong xây dựng nông thôn mới từ điểm nghẽo là tiêu chí nghèo đa chiều

Chủ nhật - 17/12/2023 04:59 481 0
Quế Phong xây dựng nông thôn mới từ điểm nghẽo là tiêu chí nghèo đa chiều

Là một huyện miền núi biên giới phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, với 12 xã và 01 thị trấn, 107 thôn bản được chia thành 3 vùng dân cư: Vùng Tây Bắc (Gồm các xã: Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch), vùng Tây Nam (Gồm các xã: Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Cắm Muộn, Quang Phong, Châu Thôn và Nậm Giải), vùng trung tâm (Gồm: Thị trấn Kim Sơn, Mường Nọc, Châu Kim và Tiền Phong). Toàn huyện có các dân tộc cùng chung sống như: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Chứt, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số toàn huyện. Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện có 16.151 hộ/75.149 khẩu; trong đó dân tộc thiểu số 14.433 hộ (Thái 13.216 hộ, Khơ Mú 539 hộ, Mông 655 hộ, dân tộc khác 23 hộ). Toàn huyện vẫn còn 10 xã đặc biệt khó khăn (Khu vực III). Đảng bộ huyện có 34 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 19 đảng bộ và 15 chi bộ cơ sở, 288 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.

Huyện có vị trí phía Nam giáp huyện Quỳ Châu; phía Tây Nam giáp huyện Tương Dương; phía Đông Bắc giáp huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá; phía Tây Bắc có đường biên giới dài 74,793 km giáp huyện Sầm Tớ và Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên của huyện là 188.842,91 ha, chiếm 11,3% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích lúa nước khoảng 2.500 ha nhưng phân bố không đều, nằm rải rác giữa các vùng và các xã trong huyện. Đồng bào các dân tộc trong huyện sống ở vùng nông thôn chiếm 78% dân số toàn huyện và chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ đói nghèo còn cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua những bước thăng trầm của lịch sử, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Quế Phong đã chung sống đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chống chọi với thú dữ, thiên tai và giặc giã để xây bản, lập mường và ngày càng phát triển. Tuy mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc thù riêng, nhưng qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa từ đời này qua đời khác nên đã có sự đan xen, giao thoa, bổ sung lẫn nhau, tạo nên nền văn hóa rất phong phú, đa dạng như: Văn hóa trang phục, kiến trúc nhà cửa, văn hóa ẩm thực, chế tác công cụ phục vụ nhu cầu sản xuất, săn bắn, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi... Trong văn hóa phi vật thể, sự đan xen văn hóa cũng được thể hiện rất rõ như tục thờ cúng tổ tiên, các dịp lễ, Tết; trong phong tục cưởi hỏi, lễ mừng nhà mới, cơm mới; lễ cầu an, cầu mùa màng tốt tươi... với những điệu múa, làn điệu dân ca, những nhạc cụ cồng chiêng, khèn, sáo,...mang đậm bản sắc của từng đồng bào dân tộc.bTrong thời kỳ đổi mới Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết nỗ lực đưa bộ mặt của huyện Quế Phong ngày càng có nhiều khởi sắc.

Thực trạng việc thực hiện tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng Nông thôn mới của huyện

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cộng đồng các dân tộc huyện Quế Phong dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và các đảng bộ, chi bộ ở các xã, thôn, bản nhận thức rất rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và lợi ích mà Chương trình này mang lại nên đã hưởng ứng tích cực và luôn nỗ lực cố gắng đạt các tiêu chí để về đích thành công. Song, do nhiều khó khăn khách quan như đã kể trên, nên đến nay trên địa bàn toàn huyện chưa có xã nào về đích Nông thôn mới. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, các đảng bộ, chi bộ ở các xã, thôn, bản; sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới và chính quyền các cấp; sự sâu sát, động viên tích cực của các tổ chức đoàn thể và sự chủ động, tích cực, tự giác của nhân dân, phong trào xây dựng Nông thôn mới của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đó là: đến hết năm 2022, số tiêu chí bình quân đạt 13,33 tiêu chí/xã, tăng 0,91 tiêu chí so với năm 2021 (12,42 tiêu chí/xã), đạt 99,4% chỉ tiêu năm 2022; xã đạt nhiều nhất 16 tiêu chí (Là: Mường Nọc, Đồng Văn, Châu Thôn), xã đạt thấp nhất là 10 tiêu chí (Tri lễ); trong đó có 11 xã đạt từ 11 đến 16 tiêu chí (Là: Mường Nọc, Tiền Phong, Châu Kim, Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ, Quang Phong, Châu Thôn, Cắm Muộn, Nậm Giải, Nậm Nhoóng), chiếm 91,67%; 01 xã đạt 10 tiêu chí, chiếm 8,33%; có 09 xã tăng từ 1 - 2 tiêu chí so với năm 2021 (Là: Tiền Phong, Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ, Châu Thôn, Cắm Muộn, Nậm Giải, Nậm Nhoóng và Tri Lễ) và 03 xã giữ nguyên số tiêu chí so với năm 2021 (Là: Mường Nọc, Châu Kim và Quang Phong). Trong 9 tháng đầu năm 2023, số tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, tăng 1,08 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021 (12,42 tiêu chí/xã); xã đạt nhiều nhất 16 tiêu chí, xã đạt thấp nhất là 09 tiêu chí (Tri Lễ đạt 9 tiêu chí, giảm 01 tiêu chí so với cuối năm 2022); có 05 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, chiếm 41,67% xã; 6 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chiếm 50% xã và còn 01 xã đạt dưới 10 tiêu chí, chiếm 8,33%.

Trong thực hiện 19 tiêu chí về xã Nông thôn mới trên địa bàn huyện, cho đến thời điểm cuối năm 2022, chưa có xã nào đạt được các tiêu chỉ về nhà ở, thu nhập và nghèo đa chiều. Từ chỗ thu nhập thấp do cơ hội việc làm có thu nhập không nhiều dẫn đến đói nghèo và không có khả năng làm nhà kiên cố để ở đây là bài toán khó mà đến nay huyện Quế Phong chưa giải được.

Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực từ ngày 15/3/2021 (Nghị định số 07), quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 với các tiêu chí đo lường như sau: (i) Với tiêu chí về thu nhập, Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2.000.000/người/tháng; (ii) Với tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, Nghị định số 07 nêu rõ các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Khai thác lợi thế về địa hình, việc trồng rừng gỗ nguyên liệu, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ (Trà hoa vàng, Bon bo, Mét, lùng,…) đã được phát triển và đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đây được xem là một hướng liên kết có hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là điểm mới để nhân rộng. Nhờ địa bàn rộng, các vùng chăn nuôi tập trung cũng được hình thành theo hướng trang trại, gia trại và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, từ vốn Ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp, trong năm 2022, huyện đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng một số mô hình về phát triển sản xuất như: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, sản xuất rau vụ đông, trồng khoai sọ, trồng cây đu đủ,.. bước đầu đã thúc đẩy phát triển sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn.

Do vậy, trong năm 2022, trên địa bàn huyện, số lao động được giải quyết việc làm mới là 1.397 người, vượt 4,6% so với chỉ tiêu kế hoạch năm; Tỷ lệ lao động có việc làm 37.000 người, đạt 96,61% so chỉ tiêu kế hoạch năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 32%, đạt 94,12% chỉ tiêu kế hoạch năm. Toàn huyện có 10/12 xã đạt tiêu chí về Lao động, chiếm 83,3% xã.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2022 là 42,42 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) 34,03 triệu đồng/người, trong đó khu vực nông thôn đạt 23,35 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn có 12 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo từ 44,68% năm 2021 xuống còn 38% trong 6 tháng đầu năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025); tỷ lệ giảm hộ nghèo hàng năm lần lượt là 4% năm 2021; năm 2022 là 4,5% và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,25%. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2022 đạt 852 tỷ đồng.

Lĩnh vực y tế cũng được lãnh đạo huyện cũng như ngành y tế huyện đến các xã đặc biệt quan tâm. Từ cơ sở vật chất hiện có và tiếp tục được đầu tư sửa chữa, đến hết năm 2022 các trạm Y tế xã trên địa bàn huyện đã được xây dựng đảm bảo về diện tích, quy mô và mua sắm trang thiết bị y tế đồng bộ. 100% trạm Y tế xã có bác sỹ, nữ hộ sinh, y sỹ; 100% nhân viên y tế thôn bản đều đã qua đào tạo. Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đạt 97%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn 17% (theo chuẩn mới); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Đến nay có 12/12 xã đạt tiêu chí y tế, đạt 100% xã.

Công tác phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được duy trì tốt và triển khai thực hiện theo quy định. Đến nay có 12/12 xã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 12/12 xã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và công tác xoá mù chữ mức độ 2; có 12/12 xã đạt phổ cập giáo dục THCS, trong đó: 07/12 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, 04/12 xã đạt mức độ 2 và 01 xã đạt mức độ 1 (Tri Lễ). Đến nay, có 12/12 xã đạt tiêu chí số 14 Giáo dục và Đào tạo, đạt 100% xã.

Việc xóa nhà tạm bợ, dột nát được các ban, ngành các cấp quan tâm đầu tư, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ; trong năm 2022 đã kêu gọi hỗ trợ được 57 hộ, với số kinh phí là 2.979.000 đồng (Đồng Văn 34 nhà, Châu Kim 03 nhà, Châu Thôn 02 nhà, Mường Nọc 06 nhà, Hạnh Dịch 03 nhà, Nậm Giải 01 nhà, Nậm Nhóng 03 nhà, Tri Lễ 01 nhà, Quang Phong 01 nhà và Tiên Phong 03 nhà). Đến nay chưa có xã nào đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư.

Công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tiếp tục được chú trọng; tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từng bước được hạn chế. Công tác xây dựng và bảo vệ, giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện như: Xây dựng các tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở thôn bản, Đoạn đường thanh niên; Đoạn đường Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ,…

Đến nay tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định 2570/QĐ-BNN đạt 83%; Tỷ lệ sử dụng nước sạch theo QCVN 02/2009/BYT đạt 77%. Năm 2022 có 12/12 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm 100% xã.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác thông tin, liên lạc như trạm phát sóng các mạng di động, cung cấp internet đến xã, thôn, bản trên địa bàn huyện tiếp tục được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới. Các điểm bưu điện văn hóa xã đã có Internet tốc độ cao, vùng phủ sóng mạng 3G, 4G, 5G, sóng điện thoại cơ bản đã được phủ sóng toàn huyện; Hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập. Toàn huyện đã có 12/12 xã đạt tiêu chí Thông tin và truyền thông đạt 100% xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, như điểm xuất phát của huyện quá thấp, nguồn lực trong dân còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, có 1.391 hộ còn gặp khó khăn về nhà ở; huyện cách xa các trung tâm kinh tế của tỉnh, địa hình bị chia cắt, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện còn nhiều yếu kém, không thuận lợi để thu hút đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp; biến đổi khí hậu, xuất hiện ngày càng nhiều loại hình thiên tai ảnh hưởng tiêu cực và gây thiệt hại khá nặng nề đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất vẫn còn lạc hậu, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, hiệu quả và năng suất lao động chưa cao.

Nguyên nhân của khó khăn trên, qua khảo sát cho thấy: thứ nhất là, Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước nên việc xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn nặng về hình thức, mới quan tâm đến mục tiêu, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng của việc đạt chuẩn các tiêu chí, kết quả thực hiện vẫn còn kém bền vững; thứ hai là, Một số xã chủ yếu đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng quan trọng nhất là phát triển sản xuất, tìm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính ổn định, bền vững của sản xuất, kinh doanh để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường thì chưa được quan tâm đúng mức; thứ ba là, Xuất phát điểm nền kinh tế của huyện cũng như các xã trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế, địa bàn nông thôn rộng, nhưng canh tác manh mún, sản xuất nông, lâm nghiệp thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Hiệu quả đầu tư sản xuất nông nghiệp thấp, rủi ro cao nên thu hút đầu tư còn hạn chế; cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hoá vào sản xuất còn hạn chế. Đây có lẽ là những điểm nghẽn lớn nhất dẫn đến việc thực hiện tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gặp khó khăn

Giải pháp để thực hiện thành công tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Quế Phong hiện nay

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2023 như đã được đề ra, đặc biệt là thực hiện tiêu chí 11 - Nghèo đa chiều trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội. Giảm nghèo bền vững không chỉ trên cơ sở các nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo thông qua các chương trình, chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ mà quan trọng hơn là phải biết khơi dậy, phát huy nguồn lực tại chỗ để họ tự vươn lên, tự thoát nghèo và phải được giải quyết phải bằng các giải pháp tổng hợp, cả về kinh tế và xã hội. Cụ thể như sau:

Thác 7 tầng là vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên giữa núi rừng Pù Hoạt, bên suối Huổi Hán chảy từ Lào sang. Trông nó như một nàng công chúa yêu kiều giữa núi rừng già, không ai biết đến. Từ trên cao phóng tầm mắt xuống dưới, dòng suối Huổi Đán như con rồng trắng uy phong chảy xuyên qua núi rừng nguyên sinh. Thác tung bụi nước mát lành, lóng lánh dưới ánh mặt trời tạo nên một cảm xúc phiêu bạt, khiến lòng lãng du muốn cất lên tiếng hú dài sảng khoái giữa núi rừng 

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân về giảm nghèo bền vững. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phô biến và nhân rộng các mô hình hay và hiệu quả từ đó khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, đồng thời, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Hưởng ứng và tích cực thực hiện tốt phong trào thi đua “Nghệ An chung súc xây dựng nông thôn mới”.

Bản Mường Đán cổ của dân tộc Thái tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Mường Đán là tên gọi ngày xưa, nay tách thành bản Na Xái (hơn 120 hộ) và bản Hủa Mương (gần 80 hộ). Hai bản này chỉ cách nhau một con dốc. Người vùng khác vẫn thường gọi 2 bản với cái tên gọi chung là Mường Đán; các ngôi nhà có nét cổ xưa của những nếp nhà sàn của người Thái. Điều đặc biệt những ngôi nhà sàn này hầu hết đều được lợp mái bằng những phiến gỗ sa mu cũ cắt nhỏ, quý giá

Hai là, tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình các cấp, nhất là bộ phận phụ trách công tác giảm nghèo nhằm phát huy được vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Ban chỉ đạo Chương trình và bộ phận phụ trách công tác giảm nghèo cần tiếp tục rà soát, xác định chính xác mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nguyên nhân nghèo của từng hộ gia đình để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, phân công thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp theo dõi sát sao, hỗ trợ kịp thời người dân để những hộ thoát nghèo không tái nghèo. Vận động nhân dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất như: Nuôi cá Diêu hồng, Nuôi cá lồng, Trồng lúa chất lượng cao, Trồng khoai sọ, Nuôi gà thả vườn,… Động viên nhân dân mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần; tăng cường giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, nâng cao thu nhập.

Thác Xao Va - Thác mang trong mình nét đẹp của thiên nhiên nơi miền tây sông nước. Con thác cao rộng với dòng nước trắng xóa đổ xuống dài như “mái tóc của nàng tiên” cùng âm thanh róc rách của nước chảy

Ba là, huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình và giảm nghèo bền vững. Trước hết là, tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khuyến khích các mô hình người dân tự chú, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Phổ biến và nhân rộng các mô hình kết hợp kinh tế với văn hóa và khai thác những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và cảnh quan thiên nhiên để làm du lịch cộng đồng thành công như mô hình du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng, xã Châu Kim và bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch.

Đền Chín Gian xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Đền được lập ra với ý nghĩa để thờ trời (thờ Pọ Phà), thờ con gái trời (thờ Náng Xỉ Đà) và lập Mường (thờ Tạo Ló Ỳ, Cắm Lự, Cắm Lạn). Sau này, đền được trùng tu theo kiểu nhà sàn lợp nứa với 9 gian, mỗi gian tương ứng với một mường. Bên cạnh đền là hai gian nhà thờ Phật và Bác Hồ

Bốn là, rà soát và phối hợp thực hiện khắc phục các chỉ số thiếu hụt như: dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, nhà tiêu hợp vệ sinh; trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; sử dụng dịch vụ viễn thông và chỉ số phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin. Thực hiện tốt công tác quản lý công dân trên địa bàn; quan tâm hơn nữa công tác tập huấn về điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo; quyết tâm thực hiện giảm mạnh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn. Tăng cường vận động các tố chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương (xã, thôn, bản) thực hiện xây dựng Nông thôn mới. Vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng Nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua.

Đoàn thăm quan, học tập mô hình du lịch nông thôn xã Nam Kim, huyện Nam Đàn thăm quan, học tập tại làng Thái Cổ tháng 12/2023 do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức

Năm là, tập trung phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất đã thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao ra diện rộng. Đồng thời triển khai xây dựng và thực hiện 06 chương trình chuyên đề theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh (như: Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình chuyển đổi số, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, Chương trình khoa học trong xây dựng nông thôn mói, Chương trình an ninh trật tự) để phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương trong xây dựng nông thôn mới; quan tâm hỗ trợ, triến khai các Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình tăng cường bảo vệ môi trường để phát huy thế mạnh của địa phương và tạo nguồn sinh kế cho người dân.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Là khu vực lưu trữ đa dạng các loài động thực vật của tỉnh Nghệ An. Có thể kể đến 763 loài thực vật thuộc 427 chi, 142 họ, và hơn 30 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam, khoảng 176 loài động vật có xương sống thuộc 4 lớp thú, chim, bò sát và lưỡng cư

Sáu là, các xã đăng ký về đích năm 2023 (Đồng Văn, Mường Nọc) phải chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể, cân đối khả năng huy động nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để tập trung thực hiện các tiêu chí. Trước mắt cần tập trung phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới cơ sở; chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá thực hiện tiêu chí nghèo đa chiều cấp xã, hướng dẫn các thôn, bản đăng ký đạt tiêu chí giảm nghèo; đánh giá, lập hồ sơ và tổ chức thẩm định thôn, bản đạt tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế,...; tập trung giải quyết vấn đề nước sạch, thu gom xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất,...

 

Farmstay Nhật Minh tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong là nơi mà bạn và gia đình có thể du lịch vào cuối tuần, một nơi không gian yên tĩnh hòa mình cùng thiên nhiên và bỏ xa sự ồn ào từ thành thị. Bên cạnh đó, khung cảnh xung quanh farmstay mang bầu không khí lãng mạn, thơ mộng cùng các món ăn được chuẩn bị thơm ngon. Có thể nói, đây chính là một Đà Lạt thu nhỏ nơi núi rừng miền Tây xứ Nghệ

Giải quyết vấn đề việc làm, tạo thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ không dễ trong thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Quế Phong.Vì vậy, cùng với việc tranh thủ, kêu gọi, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của Tỉnh, của cộng đồng xã hội, huyện cũng như các xã, thôn, bản cần nỗ lực, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc khai thác thế mạnh, điều kiện thuận lợi ở địa phương và hơn hết là khai thông và tích cực thay đổi tư duy, khơi dậy ý thức, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người dân. Chỉ khi việc xây dựng Nông thôn mới trở thành ý thức, động lực của cán bộ và mọi người dân thì mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình huyện đã đề ra.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây