Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Cuba thăm vùng lúa của Dự án hợp tác Việt Nam - Cuba về sản xuất lúa quy mô hộ gia đình giai đoạn 4. (Ảnh tư liệu do PGS.TS Lê Vĩnh Thảo cung cấp)
Nghiên cứu chọn tạo giống lúa: dễ và khó
Theo PGS.TS Lê Vĩnh Thảo, công tác nghiên cứu khoa học để kiến tạo các giống lúa ở Việt Nam thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn cũng không ít. Việt Nam là quốc gia có truyền thống chọn tạo các giống lúa, đã có nhiều kết quả để đưa năng suất lúa từ thời kỳ 2 - 3 tấn/ha lên 5 - 6 tấn/ha, chọn tạo được những giống lúa thuần đạt 7 - 8 tấn, lúa lai đạt 8 - 9 tấn/ha như ngày nay, nghĩa là đã tạo dựng được một nền tảng rất vững chắc cho ngành nghiên cứu khoa học về giống lúa.
Nền tảng và truyền thống nghiên cứu là thuận lợi căn bản để các cơ sở chọn tạo, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan đào tạo tổng hợp thành kiến thức lý thuyết, từ đó xây dựng thành vật liệu phục vụ nghiên cứu. Thứ hai, nhà nước có chính sách đến công tác này, từ cung cấp cơ sở vật chất, đầu tư ngân sách, tài chính,… để các cán bộ, các viện, các trường, các công ty… có điều kiện nghiên cứu, dù chưa nhiều. Ngoài ra, quan hệ của Việt Nam với các nước khác về lĩnh vực này cũng rất bền chặt nên Việt Nam cũng thu thập được nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác chọn tạo giống lúa, từ đó xây dựng, phát triển nên các vùng trọng điểm sản xuất lúa chất lượng cao.
Những nhà nghiên cứu chọn tạo giống là những người hy sinh âm thầm, đứng sau cây lúa. Ảnh: K.Trung
Về khó khăn, theo PGS.TS Lê Vĩnh Thảo, đó là chưa có một cơ chế đồng bộ, chưa hình thành chuỗi liên kết giữa ba nhà (nhà khoa học - nhà nông - nhà sản xuất), từ khâu sử dụng các nguyên vật liệu cơ bản cho đến khi tạo ra các dòng, tiếp đó là đánh giá, ứng dụng để phát triển mở rộng… Ngay như giữa các cơ quan nghiên cứu, mối quan hệ, liên kết hiện tại vẫn còn rời rạc.
Một hạn chế khác, đó là thu nhập của người làm nghiên cứu khoa học. Theo PGS.TS Lê Vĩnh Thảo, các nhà nghiên cứu phần lớn vẫn làm vì niềm đam mê, đồng lương của cán bộ nghiên cứu hiện nay là rất thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Thảo khẳng định: “Những thành tựu mà chúng ta đạt được rất lớn. Thế giới người ta đầu tư nhiều lắm nhưng sản phẩm của họ cũng chỉ ở mức nhất định. Việt Nam mức đầu tư thấp hơn nhưng đã có rất nhiều giống lúa chất lượng, có nhiều sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng ngon top thế giới. Chúng ta phải tự hào về điều đó”.
Mong muốn của những người “đứng sau cây lúa”
Là “cha đẻ” của 3 giống lúa nếp nổi tiếng được chọn tạo từ giai đoạn những năm 1990, đến nay vẫn đang được trồng cấy đại trà, PGS.TS Lê Vĩnh Thảo là một trong số những nhà khoa học chọn tạo giống lúa nổi tiếng ở Việt Nam, có nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp.
Ông cho biết: trong chọn tạo giống lúa nếp, hiện nay có 3 dòng nếp được thế hệ của ông chọn tạo và đang được duy trì sản xuất diện rộng, đó là N97 - giống lúa nếp lai tạo vào năm 1997, có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, thích ứng rộng, đã tồn tại được 20 năm và vừa được gia hạn tiếp tục sử dụng thêm 10 năm nữa. Thứ 2, BM 9603 - giống nếp thơm, năng suất cao và cũng tồn tại được khoảng 20 năm. Tiếp đó là giống N98 được chọn tạo từ giống N87 gốc phát triển lên, cao cây hơn, khả năng chống bệnh tốt hơn, ban đầu được đặt tên là N87 - 2, sau khi sản xuất thử và được công nhận là giống lúa Quốc gia, nó được đặt tên là N98. Hiện nay, N98 đang được ủy quyền cho Trung tâm chuyển giao công nghệ - khuyến nông sản xuất, cung ứng cho các địa phương và các công ty.
Lớp học về kỹ thuật thâm canh lúa của chuyên gia Việt Nam cho cán bộ sản xuất lúa tại Granma Cuba.(Ảnh tư liệu do PGS.TS Lê Vĩnh Thảo cung cấp)
“Người làm khoa học như chúng tôi chỉ có một mong muốn, đó là những giống lúa được làm ra mà tốt sẽ được phát triển, được nhiều bà con ứng dụng rộng rãi, càng ứng dụng nhiều càng tốt. Ví dụ, dùng giống cũ năng suất chỉ 8 tấn/ha, đưa giống mới vào năng suất 8,5 tấn/ha, cao hơn 5 tạ/ha. Hàng ngàn ha nhân lên, lợi nhuận sẽ là rất lớn.
Thứ hai, nhà nước đã chú trọng công tác phát triển giống thì cũng cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, hỗ trợ để đưa giống mới vào sản xuất, đặc biệt là các giống thuần, giống gốc, giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng,…
Ngoài ra, các cơ quan báo chí làm công tác tuyên truyền, khi thấy được những giống mới tốt rồi, có hiệu quả… thì phải tuyên truyền để đông đảo người dân biết đến mà sử dụng nó. Đó cũng là khích lệ, động viên những nhà nghiên cứu đã tạo ra những thành quả”, ông Thảo chia sẻ.
“Ở nhiều quốc gia họ đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu có cuộc sống tương đối đường hoàng vì nhà nước có những chính sách rất hợp lý; có các Quỹ của tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác nghiên cứu khoa học, nhiều quốc gia dành 2% cho nghiên cứu. Tại Mỹ có Quỹ Rockerfeller; quỹ Nhà vua Thái Lan,… Ở nước ta, công tác đầu tư cũng được chú trọng nhưng so với các quốc gia khác vẫn còn rất khiêm tốn. Đó là một thực tế.
Tôi sang Thái Lan công tác 2 tháng, tôi thấy các chuyên gia, nhà khoa học bên Thái Lan có thu nhập rất ổn định, đủ để họ có cuộc sống đường hoàng, không bị phân tâm, phân tán, được toàn tâm, toàn ý phục vụ nghiên cứu khoa học”.
Tuy nhiên, ông Thảo nhấn mạnh: “Các nước đầu tư nghiên cứu rất nhiều nhưng phải thừa nhận, kết quả họ đạt được không nhiều bằng Việt Nam ta. Chúng ta đầu tư ít hơn nhưng thành tựu đạt được là rất lớn.
Việt Nam mình, các nhà nghiên cứu không nghĩ nhiều đến quyền lợi đâu. Chúng tôi vẫn có những hy sinh âm thầm, chỉ mong muốn sản phẩm của mình được nông dân biết đến để ứng dụng trong cuộc sống mà thôi”.
Trao đổi về phát triển vùng lúa có tưới tai Lukembo, Malage, Angola giữa chuyên gia và doanh nghiệp Viêt Nam với cán bộ địa phương Angola. (Ảnh tư liệu do PGS.TS Lê Vĩnh Thảo cung cấp)
“Các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam gần đây đạt được những thành tựu rất lớn, nói cho công bằng thì họ đang được thừa hưởng những thành quả từ công tác nghiên cứu khoa học làm ra, họ chỉ tiếp nối và phát triển nó lên, nghĩa là họ có nền tảng từ công tác nghiên cứu được nhà nước đầu tư và các nhà nghiên cứu tạo ra.
Mục đích cuối cùng của công tác nghiên cứu, đó là phục vụ sản xuất, phục vụ nông dân. Như vậy, các nhà khoa học đã rất là phấn khởi rồi”, ông phân tích.
Trả lời câu hỏi, ông có kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ có một tổ chức, cá nhân đứng lên khởi xướng thành lập một Quỹ đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư cho các nhà khoa học, PGS.TS Lê Vĩnh Thảo nêu quan điểm:
- Sau sự kiện Việt Nam được thế giới công nhận là quốc gia có những giống lúa gạo ngon nhất thế giới, tiếng tăm lên rồi thì khả năng sẽ có người nghĩ đến, họ sẽ đứng lên tạo lập, thành lập ra những quỹ để ủng hộ, tài trợ cho công tác nghiên cứu giống lúa. Cá nhân tôi rất ủng hộ và hoan nghênh. Nếu Quỹ tầm cấp quốc gia do Chủ tịch nước đứng ra thì quý hóa vô cùng, các nhà khoa học sẽ rất vui và cũng thêm động lực.
Trồng lúa sinh thái ở ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh
Tôi là một trong số những nhà nghiên cứu tham gia công tác chọn tạo giống, cùng với các nhà khoa học đầu ngành như anh Sơn (cố PGS.TS, AHLĐ Tạ Minh Sơn), anh Quý (GS.TSKH Trần Duy Quý), chị Trâm (PGS.TS, AHLĐ Nguyễn Thị Trâm),… Thế hệ chúng tôi đã chọn tạo ra được nhiều dòng triển vọng, sau đó được khu vực hóa rồi được công nhận giống lúa quốc gia, từ đó đưa về các địa phương, giao cho các công ty… sản xuất đại trà. Khi ấy, có ai nghĩ đến vấn đề bản quyền. Mong muốn lớn nhất, ấy là giống lúa mình nghiên cứu ra được ứng dụng và phát triển trong sản xuất, đó là niềm hạnh phúc.
Giống N98 đuợc chọn lọc do nhóm tác giả: Lê Vĩnh Thảo, Bùi Công Ruẫn, Nguyễn Duy Bảo, Nguyễn Hữu Nghĩa, Tạ Minh Sơn, Nguyễn Văn Vương và các cộng sự (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Giống nếp N98 còn có tên gọi là N87-2. Năm 1987 nhập nội, năm 1988-1999 chọn lọc cá thể, năm 2000-2007 thí nghiệm quan sát, đánh giá; năm 2005-2008 gửi khảo nghiệm Quốc gia, năm 2006-2008 mở rộng sản xuất.
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc