Huyện Nam Đàn triển khai các quy hoạch quan trọng

Thứ năm - 17/11/2022 22:39 728 0
Theo định hướng đến năm 2035, huyện Nam Đàn có 3 đô thị; trong đó có 1 đô thị trung tâm (nâng cấp thị trấn Nam Đàn từ loại V lên đô thị loại IV) và 2 đô thị loại V (đô thị Nam Giang và đô thị Phúc Cường). Mục tiêu đến năm 2035, Nam Đàn đạt tỉ lệ 30,7% đô thị hoá.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035 do Viện Quy hoạch và đô thị nông thôn quốc gia (VIUP), Bộ Xây dựng thực hiện với tầm nhìn huyện Nam Đàn là Trung tâm Du lịch Quốc gia, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hài hoà và bền vững. Tính chất của Đồ án quy hoạch là vùng phát triển kinh tế tổng hợp với các thế mạnh về du lịch, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp trang trại... gắn với trục kinh tế chủ đạo Quốc lộ 46 nối thành phố Vinh với Cửa khẩu Thanh Thủy và dọc hai bên bờ sông Lam.
Theo quy hoạch vùng Nam Đàn đã được phê duyệt, về giao thông qua Nam Đàn sẽ xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội với quy mô 4-6 làn xe. Quốc lộ 46 nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng, đoạn qua đô thị quy mô 25-35m, Quốc lộ 46B đường cấp II đồng bằng, Quốc lộ 46C nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng, Quốc lộ 15 nâng cấp thành đường cấp IV đồng bằng, đoạn qua đô thị quy mô 25-35m. Đường chính khu vực đô thị và khu vực du lịch kết nối khu vực thị trấn Nam Đàn, khu vực đô thị và khu vực du lịch với các hệ thống giao thông chính của huyện, bề rộng mặt cắt ngang đường 17,5-48m với 2-4 làn xe cơ giới.
Huyện Nam Đàn triển khai các quy hoạch quan trọng
Công khai quy hoạch vùng, điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung thị trấn
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3698/QĐ-UBND ngày 22/10/2020 và được UBND huyện công bố quy hoạch vào ngày 03/11/2020 tại Hội trường trung tâm văn hóa huyện.
Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn do Công ty CP Tập đoàn T&T tài trợ với quy mô tổng diện tích quy hoạch là 278,86 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1943/QĐ-TTg ngày 27/11/2020 và UBND tỉnh công bố quy hoạch. Hiện nay, Công ty CP Tập đoàn T&T đang triển khai thực hiện một số dự án theo quy hoạch được duyệt như thác 9 tầng, Khu du lịch văn hóa 45 ha tại xã Kim Liên.
 
Cùng với đó, điều chỉnh mở rộng Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn đến năm 2035 (tỷ lệ 1/5.000) đã được Sở Xây dựng thẩm định tại Văn bản số 2541 ngày 15/7/2022. Hiện nay, đang trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch.
Sau khi được phê duyệt quy hoạch vùng, trình phê duyệt mở rộng Quy hoạch chung thị trấn, Nam Đàn đang triển khai các bước, thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng, mở rộng kết nối các vùng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển Nam Đàn là huyện xứng tầm, trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu, trung tâm du lịch đặc sắc.
Cụ thể: Huyện Nam Đàn công bố quy hoạch chi tiết các khu đô thị trên địa bàn thị trấn; Nam Đàn đã thông qua quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu chức năng tại thị trấn Nam Đàn; Khu đô thị và thương mại dịch vụ tại vùng Cồn Bàu và tại khối Bắc Thung, thị trấn Nam Đàn.
Phối cảnh Khu đô thị trung tâm mới tại thị trấn Nam Đàn đã được phê duyệt quy hoạch và đang triển khai. Ảnh: Trân Châu
Đến nay, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị trung tâm mới tại thị trấn Nam Đàn do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Thiện Phát tài trợ quy hoạch với quy mô 20 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 02/4/2021. Đây là khu đô thị hiện đại, đồng bộ được bố trí 40% diện tích nhà ở, căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng và một trung tâm thương mại 5 tầng. Tổng mức đầu tư 1.175 tỷ đồng, tạo quỹ nhà ở cho khoảng 1.000 người.
Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị và Thương mại dịch vụ tại vùng Cồn Bàu, thị trấn Nam Đàn do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hưng Dũng tài trợ với quy mô 38,2 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 106 ngày 13/01/2022.
 
 
Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị và Thương mại dịch vụ phía Bắc thị trấn Nam Đàn do Công ty CP Gạch ngói Xuân Hòa tài trợ với quy mô 32,2ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 14/02/2022.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Các khu đô thị mới sẽ được xây dựng thành khu đô thị hỗn hợp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chất lượng, có các biệt thự song song và liền kề, có tăng cường diện tích cảnh quan, mặt nước góp phần tăng cảnh quan kiến trúc cho thị trấn Nam Đàn. Thị trấn Nam Đàn là đô thị hạt nhân liên kết với các khu đô thị.
Chú trọng thu hút đầu tư các cụm công nghiệp
Là huyện gần với đô thị Vinh, thuận lợi trong phát triển công nghiệp, những năm qua, huyện Nam Đàn đã thu hút được các nhà máy, công trình, dự án. Cụm công nghiệp (CCN) Nam Giang được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 725 ngày 16/3/2011 với tổng diện tích 36,5ha. Hiện nay, CCN đã được lấp đầy 69,86%. Hiện nay, còn 11 ha giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội HANOSIMEX chưa triển khai do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, quy hoạch CCN Vân Diên được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 5709 ngày 26/12/2018, với diện tích được phê duyệt là 10,63 ha. Đến nay, Công ty TNHH Đỉnh Vàng vào đầu tư xây dựng Nhà máy giày da xuất khẩu với diện tích 8,2 ha, chiếm 77,1% diện tích đất quy hoạch với tổng nguồn vốn 283 tỷ đồng.
Ở CCN Nam Thái, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/1000 tại Quyết định số 1652 ngày 22/4/2010 với tổng diện tích 20 ha. Hiện nay, đã có nhà đầu tư đăng ký triển khai thực hiện dự án: Nhà máy chế biến bê tông & cấu kiện Nghi Sơn tại Cụm công nghiệp Nam Thái với diện tích 3,06ha.
Quy hoạch tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Nam Đàn Vạn An tại xã Nam Giang được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2013 với diện tích 25,58ha với mục tiêu sản xuất các sản phẩm đồ trang sức cao cấp từ vàng, bạc, dược phẩm đặc trị, gia công may mặc, bao bì với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.197 tỷ đồng.
Nhờ làm tốt công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi với thành phố Vinh, cảng Cửa Lò, sân bay Vinh… công tác thu hút đầu tư vào Nam Đàn đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hiện nay, huyện đã thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường như may mặc, giày da, các doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ - thương mại, du lịch gắn với phát huy cảnh quan, quần thể di tích trên địa bàn huyện. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp Nam Giang, Vân Diên với 6.016 lao động (Công ty TNHH Đỉnh Vàng có 1.150 lao động, Nhà máy may Haivina Kim Liên có 2.960 lao động, Nhà máy dệt may Hanosimex có 1.436 lao động, Công ty TNHH Nam Đàn Vạn An có 470 lao động), thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. 3 tập đoàn lớn vào đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn là Tập đoàn Vingroup với Trung tâm thương mại Vincom+, Tập đoàn T&T với dự án Khu du lịch văn hoá thuộc quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và Tập đoàn TH đầu tư Khu du lịch văn hoá tâm linh Núi Chung.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Để quản lý tốt quy hoạch góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tầm nhìn dài hạn, huyện Nam Đàn chú trọng các giải pháp.
Thứ nhất hoàn thiện các quy hoạch chung để làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch phân khu (bao gồm lập quy hoạch điều chỉnh và lập bổ sung quy hoạch đối với các khu vực chưa có quy hoạch), hướng tới phủ kín quy hoạch phân khu tại các xã, thị trấn; từ đó, đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, tạo công cụ quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư hiệu quả, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn huyện.
Thứ hai, huyện tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, công khai quy hoạch, làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, gắn với phân công, giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí, chức danh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý triệt để hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép xây dựng; xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư xây dựng. Đặc biệt là các hành vi xây dựng sai quy hoạch được duyệt, không có giấy phép, lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang an toàn các hồ đập, kênh mương…
Giải pháp nữa là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, quản lý thông tin theo GIS (Hệ thống thông tin địa lý GIS là một hệ thống máy tính được sử dụng nhằm thu thập, lưu trữ, kiểm tra và hiển thị dữ liệu liên quan đến các vị trí trên bề mặt Trái đất).

 

Tác giả bài viết: Châu Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây