Ngân hàng Thế giới đủ tiềm lực hỗ trợ Việt Nam phát triển lúa gạo

Thứ tư - 13/09/2023 09:56 170 0
Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, ông Cao Thăng Bình: Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển lúa gạo bền vững, phát thải thấp. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng đồng hành.
Ngân hàng Thế giới đủ tiềm lực hỗ trợ Việt Nam phát triển lúa gạo
Chuyên gia nông nghiệp cao cấp của WB, ông Cao Thăng Bình cho rằng, trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam có những thành tựu rất đáng kể trong việc đưa ngành lúa gạo vào hướng phát triển bền vững. Cụ thể là Nhà nước hỗ trợ cho nông dân áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến, như giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế).
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển bền vững ngành lúa gạo. Ảnh: LHV.
Rồi trên nền tảng của “3 giảm, 3 tăng”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra thêm giải pháp “1 phải, 5 giảm”, trong đó, ngoài 3 giảm trong “3 giảm, 3 tăng” thì có thêm 2 giảm là giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Như vậy, “1 phải, 5 giảm” đã giúp giảm thêm lượng khí phát thải, qua đó, đóng góp vào nỗ lực làm giảm sự nóng lên trên toàn cầu. Đây là một vấn đề mà cả thế giới đều rất quan tâm.
Mặc dù thu nhập của người trồng lúa vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác, nhưng  trong 10 năm qua, lợi nhuận của người nông dân áp dụng giải pháp canh tác tiên tiến đã được tăng lên rất đáng kể so với canh tác truyền thống.
Có thể nói, việc áp dụng các công nghệ canh tác tiên tiến là một bước tiến rất đáng kể trong việc đưa ngành lúa gạo vào phát triển bền vững. Vấn đề còn lại là làm sao tăng thêm thu nhập của người nông dân để họ hạn chế chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác, nhằm đảm bảo an ninh lương thực lâu dài, qua đó duy trì lợi thế quốc gia. Tất nhiên, để giải quyết vấn đề này thì phải làm theo cơ chế thị trường chứ không thể bằng biện pháp hành chính.
Kỳ vọng từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long, gồm nhiều yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất, Đề án này bao gồm việc quy hoạch đầu tư đồng bộ cho các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Có nghĩa là khi Đề án được phê duyệt, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp. Thứ hai là tổ chức lại sản xuất và đào tạo cho nông dân, các hợp tác xã, các công nghệ sản xuất bền vững, tiết kiệm thêm đầu vào, giảm thêm khí phát thải, nâng cao thu nhập cho người nông dân và xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp cho Đồng bằng sông Cửu Long và cho cả nước.
Bên cạnh đó là cấp chứng chỉ các bon cho các diện tích lúa đã áp dụng công nghệ sản xuất phát thải thấp, từ đó tiếp cận được các thị trường tín chỉ các bon trên thế giới. Đồng thời, cũng phát triển thị trường tín chỉ các bon trong nước để tăng thêm thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết lúa gạo theo hướng hài hòa lợi ích giữa nông dân và người kinh doanh, doanh nghiệp.
Nếu như các yếu tố chính của Đề án được thực hiện thành công một cách đồng bộ thì ngành lúa gạo của Việt Nam sẽ có bước sang một trang mới. Trước hết, người trồng lúa và kinh doanh lúa gạo đều tăng thêm thu nhập, trong đó, quan trọng nhất là người trồng lúa có thể đảm bảo được cuộc sống cho gia đình mà họ không phải vất vả mưu sinh hay di cư vào các thành phố lớn để tìm việc.
Đối với môi trường, việc giảm bớt phân hóa học, giảm bớt hóa chất, sẽ giúp cải thiện được môi trường đất và nước, khôi phục lại các nguồn lợi thủy sản nước ngọt và biến khu vực nông thôn thành nơi đáng sống.
Đối với thế giới, khi ấy, hạt gạo của Việt Nam sẽ mang thương hiệu mới, đó là thương hiệu về chất lượng cao và phát thải thấp. Qua đó, chứng tỏ được rằng Việt Nam là một quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực cho thế giới một cách có trách nhiệm. Nhờ vậy, hạt gạo của Việt Nam sẽ có giá cao hơn, tiếp cận được những thị trường có những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường cũng như khí phát thải, mà cụ thể là các nước châu Âu.
Hiện tại, Việt Nam có lợi thế là đang đi trước nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trong chuyện chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo phát thấp. Do đó, nếu như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được phê duyệt, thực hiện sớm và thành công sớm, thì từ đây cho tới cuối năm 2030, 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ áp dụng toàn bộ công nghệ giảm phát thải và tăng được thu nhập cho người nông dân. 
Trên cơ sở của 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau năm 2030, Việt Nam có thể lan tỏa rộng ra toàn bộ diện tích sản xuất lúa gạo còn lại trên cả nước, đồng thời cũng có thể nhân rộng mô hình này sang các ngành chủ lực khác có phát thải cao như chăn nuôi, thủy sản,… Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ hướng tới một nền đồng nghiệp xanh sạch, bền vững và có tính cạnh tranh toàn cầu, thực sự trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu lương thực có trách nhiệm cho toàn thế giới.
WB sẽ đồng hành, hỗ trợ lâu dài
Trong khoảng ba thập kỷ qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ và đồng hành với ngành nông nghiệp Việt Nam đi từ giai đoạn phục hồi nông nghiệp để tự túc lương thực sau chiến tranh, đến đa dạng hóa nông nghiệp để xuất khẩu, rồi đến tăng cường khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp bằng tăng chất lượng, và bây giờ là chuyển đổi sang nền nông nghiệp bền vững.
Từ đầu năm 2022, WB đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, WB cũng hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp cận với Quỹ Tài chính các bon do WB quản lý. Theo dự kiến, trong năm nay, Quỹ này sẽ phê duyệt khoản tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trong thời gian từ 2024 - 2027. Trước mắt là ưu tiên cho những vùng đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt.
WB đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: LHV.
Về lâu dài, tức là sau năm 2027, WB dự kiến sẽ cung cấp các cái khoản vay ODA dài hạn hơn để tiếp tục đầu tư cho những vùng sản xuất lúa chất lượng cao mà thiếu cơ sở hạ tầng, không đủ điều kiện để áp dụng các công nghệ sản xuất tiến bộ. Những khoản vay dài hạn sẽ giúp cho các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng chế biến, logistics cho toàn chuỗi cung lúa gạo. Qua đó, có thể tiếp cận, mở rộng được thị trường cho sản phẩm lúa gạo phát thải thấp của Việt Nam.
Hiện WB đang rất tích cực làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường để tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ Quỹ Tài chính các bon. Bên cạnh đó, là khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 2 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc thông qua WB, để hỗ trợ chuyển đổi xanh cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều này có nghĩa là trong năm 2023, có những khoản tài trợ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể thực hiện được những bước chuẩn bị cần thiết cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ đây tới năm 2030, nếu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt, và Chính phủ Việt Nam đồng ý tiếp nhận những khoản tài trợ không hoàn lại cũng như các khoản ODA dài hạn, WB có đủ tiềm lực về kỹ thuật cũng như tài chính giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thành công Đề án này.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây