Nghệ An: Những kết quả nổi bật năm 2020 và định hướng về kinh tế - xã hội năm 2021

Thứ hai - 21/12/2020 06:40 1.191 0
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An năm 2020 tại kỳ họp HĐND tỉnh đã nêu rõ 11 kết quả nổi bật và 7 hạn chế; đồng thời định hướng 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2021.
Sự phát triển của thành phố Vinh, Trung tâm kinh tế - văn hóa của Nghệ An
Sự phát triển của thành phố Vinh, Trung tâm kinh tế - văn hóa của Nghệ An
Mặc dù năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội; nhưng nhờ quyết tâm và sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh vẫn giành được 11 kết quả nổi bật và 20/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch.
Thành công lớn nhất của Nghệ An là mặc dù địa bàn rộng lớn, dân số đông, đường biên giới dài, có cửa khẩu, nhiều đường mòn và lối mở, lực lượng lao động xuất khẩu và lao động tự do tại nước ngoài nhiều; nhưng bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 4,45%; trong đó, nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,99%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,92%; dịch vụ ước tăng 2,22%; thuế sản phẩm tăng 1,07%.
Thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước thực hiện 15.992 tỷ đồng, đạt 105,1% dự toán HĐND tỉnh giao và đạt 102,8% dự toán điều chỉnh.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng; dự kiến có 281/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 36 xã so với năm 2019; có 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 78.847 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2019. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá (tính đến 30/11/2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 73,41% kế hoạch tỉnh giao và đạt 73,05% kế hoạch đã được giao chi tiết).
Trong năm, tỉnh đã cấp mới 75 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 7.798 tỷ đồng; điều chỉnh 92 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 26 dự án. Về doanh nghiệp, toàn tỉnh thành lập mới 1.716 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 568 doanh nghiệp, tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2019...
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được chăm lo và học sinh giỏi quốc gia tiếp tục giữ vững tốp đầu của cả nước; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ước đạt 72,6%. Tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh, 990 năm Danh xưng Nghệ An...
Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Công tác cải cách hành chính được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được đẩy mạnh; việc khai thác các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả hơn…
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện của nhân dân được thực hiện tốt; đến nay các ngành, các cấp đã giải quyết được 314/343 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,5%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng đã nêu lên những tồn tại, hạn chế. Đó là, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn...  
Một số khoản thu ngân sách nhà nước chưa đạt tiến độ dự toán được giao; nợ thuế còn cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại một số đơn vị còn chậm so với tiến độ đã đề ra. Vấn đề bố trí cán bộ, công chức cấp xã dôi dư còn gặp khó khăn. Công tác cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Báo cáo tại kỳ họp cũng đã nêu rõ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu, như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP đạt 7,5%-8,5%; thu ngân sách 14.032,3 tỷ đồng; tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội 88.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 48-49 triệu đồng; có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Để đạt các chỉ tiêu nêu trên, Báo cáo nhấn mạnh 11 nhóm vấn đề. Trong đó, trọng tâm là tập trung chỉ đạo thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo tổ chức bầu cử HĐND các cấp, bầu cử Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau khi được thông qua; triển khai rà soát để xây dựng các cơ chế, chính sách cho giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp
Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới; thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân...
Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng kết nối; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; tập trung chỉ đạo để đưa vào hoạt động các dự án Luxshare - ICT và Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Goertek ngay từ đầu năm 2021.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư; tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và khu kinh tế; đồng hành cùng các Nhà đầu tư hạ tầng KKT, KCN VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt để xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư như Foxcom, SunGroup, JuTeng (Chu Thống)... Chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển trong thời gian tới...
Tiếp tục đổi mới giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; từng bước hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành, lĩnh vực mà Nghệ An có lợi thế...
Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần duy trì ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng Chính quyền điện tử; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị đảm bảo theo quy định gắn với thực hiện đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách để tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây