Theo đánh giá, Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển cộng đồng; đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi rất chú trọng đầu tư phát triển loại hình này. Điển hình là huyện Con Cuông có 3 homestay (dự án JICA) được tài trợ từ năm 2011 đến nay. Mô hình du lịch cộng đồng đang được phát triển ở 5 huyện miền Tây xứ Nghệ và ngày càng hấp dẫn du khách.
Sở Du lịch Nghệ An cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sảm phẩm tham gia chương trình "Mỗi xa một sản phẩm năm 2020". Theo kết quả phê duyệt, Nghệ An có 56 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao, 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 9 đơn vị được tặng cúp biểu tượng cho những sản phẩm 4 sao.
Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An đã công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP gồm: bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông); bản Khe Rạn (xã Bồng Khê, huyện Con Cuông); bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu).
Mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên được hỗ trợ xây dựng tại bản Nưa, bản Yên Thành, bản Khe Rạn và bản Xiền cùng Dự án bảo tồn và phát triển Khu Dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An. Đến nay, mô hình này đã được nhận rộng ra 5 bản của Nghệ An. Các điểm đến đều được tổ chức theo mô hình homestay và chú trọng trong việc đầu tư xây dựng. Ngoài ra, các địa phương còn chủ động kết hợp cùng các công ty lữ hành, thu hút lượng khách đến với du lịch cộng đồng.
Được biết, đây là loại hình du lịch gắn với giá trị và không gian sống của cộng đồng người dân vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số để đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm về bản sắc văn hóa, sinh thái của địa phương. Ngoài ra, loại hình du lịch cộng đồng cũng được đánh giá có tính bền vững cao và mang nhiều giá trị kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cũng công bố các sản phẩm được xếp hạng, kiểm tra định kỳ hàng năm và đề xuất xử lý các chủ thể vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu logo OCOP và vi phạm quy định khác của pháp luật.