Dự lễ có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ, Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) tỉnh.
Về phía huyện Hưng Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Thị Thơm – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy; Phạm Quốc Việt – Phó Bí thư Thường trực huyện ủy; Lê Phạm Hùng – Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện ủy; lãnh đạo xã Hưng Phúc qua các thời kỳ cùng đông đảo nhân dân xã nhà.
Theo sách Dư địa chí văn hoá Hưng Nguyên ghi lại, đầu thế kỷ XIX, Hưng Nguyên có 7 tổng, 96 xã, thôn, phường, trong đó tổng An Đô có thôn An Phúc. Sau đó, xã An Phúc đổi tên thành xã Yên Phúc, thuộc tổng Đô Yên. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Yên Phúc là xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên giành được chính quyền. Đầu năm 1946, dưới sự lãnh đạo của huyện Hưng Nguyên, xã Yên Phúc, thôn Văn Lang, thôn Đô Yên hợp nhất bầu cử chung một HĐND và đặt tên là xã Phượng Hoàng. Tháng 01/1947, Huyện Hưng Nguyên hợp nhất các xã: Phượng Hoàng, Yên Xuân, Nghĩa Hưng thành lập xã lớn là xã Hưng Thịnh. Đến năm 1953, cấp trên lại tách xã Hưng Thịnh ra thành 3 xã mới: Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Mỹ. Xã Hưng Phúc chính thức được thành lập, bao gồm toàn bộ phần đất đai và dân cư cũ của xã Phượng Hoàng và làng Vạn Lộc của xã Yên Pháp (cũ). Tên gọi xã Hưng Phúc được tồn tại từ đó đến nay vừa tròn 70 năm (từ năm 1953 - 2023).
Xã Hưng Phúc cách thành phố Vinh hơn 05 km về phía nam trên đường tỉnh lộ 542b, phía Bắc giáp xã Hưng Thịnh, phía Đông giáp xã Hưng Lợi, phía Tây giáp xã Hưng Nghĩa, phía Nam giáp xã Châu Nhân, với diện tích tự nhiên 500,06 ha trong đó đất trồng trọt 295ha. Đảng bộ xã có 243 đồng chí đảng viên sinh hoạt tại 09 chi bộ, trong đó 05 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ công an. Toàn xã có 1.095 hộ với 4.411 nhân khẩu, trong đó có 02 họ theo đạo thiên chúa giáo với 123 hộ, 576 nhân khẩu.
Phát huy truyền thống của quê hương Xô viết anh hùng, nhân dân xã Hưng Phúc luôn nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng tham gia kháng chiến chống các đế quốc xâm lược.
Sau hoà bình lập lại cùng với cả nước, xã Hưng Phúc tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy nhanh công cuộc đổi mới, nhanh chóng tiếp cận với các Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước áp dụng vào thực tiễn; đồng thời Đảng bộ xã cũng đã đề ra các Nghị quyết sát đúng để đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Riêng về thực hiện phong trào Xây dựng NTM, phát huy truyền thống cách mạng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cần cù lao động, Đảng bộ và Nhân dân xã Hưng Phúc đã giành được nhiều kết quả đáng tự hào và là một trong những xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên đạt chuẩn NTM nâng cao.
Giai đoạn 2015-2022, xã đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực được trên 214 tỷ đồng để xây dựng nông mới nâng cao. Các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng. Đến nay toàn xã có gần 30 km đường bê tông, 03 km đường nhựa đạt chuẩn, hệ thống đường giao thông xã được lắp đặt đầy đủ biển báo giao thông theo quy định, có điện chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh tại các nhánh nút giao thông từ đường trục xã giao nhau với đường trục, thôn xóm; các đường trục có trồng cây bóng mát...
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xã đã ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như: Vận động các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, đầu tư chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình theo hướng nông trại; xây dựng một số mô hình sản xuất giống có chất lượng cao...
Toàn xã, có 05 vườn chuẩn nông thôn mới; có 01 hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp và Môi trường hoạt động theo Luật HTX 2012, hoạt động có hiệu quả. Hệ thống các ki ốt kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ phục vụ ngày càng được đầu tư, với hàng hóa phong phú và từng bước đảm bảo chất lượng. Sản phẩm Ruốc tép của xã Hưng Phúc đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Bên cạnh đó, xã đã mạnh dạn triển khai quảng bá hình ảnh điểm du lịch đồi sim núi Nhón của xã thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội...
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Hưng Phúc còn đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, như: Dịch vụ thương mại, nghề xây dựng, nghề mộc, nghề cơ khí, nhất là xuất khẩu lao động. Đến nay, trên địa bàn xã Hưng Phúc đã có 55 hộ kinh doanh thương mại, 04 nhà hàng ăn uống, 01 trung tâm thương mại - chợ Đồng vàng, 296 lao động xuất khẩu nước ngoài… Kinh tế - xã hội phát triển nên thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ngày càng tăng: Năm 2021 là 45,2 triệu đồng/người/năm; năm 2022 là 48,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%, hộ khá và hộ giàu tăng lên.
Được sự tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, các chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo và huy động từ nguồn vốn tự có của nhân dân nên trên địa bàn xã đến nay không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc Hồ Văn Đề phấn khởi chia sẻ: Đạt được kết quả như hôm nay, yếu tố quan trọng nhất đó là sự đoàn kết, nhất trí, ý Đảng hợp lòng dân, người dân đã xác định rõ trách nhiệm của mình là chủ thể trong xây dựng NTM nâng cao. Như Bác Hồ kính yêu đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nếu biết phát huy quy chế dân chủ, khơi dậy sức dân sẽ tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao hôm nay là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Hưng Phúc phấn đấu tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, tiến tới xây dựng xã Hưng Phúc trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương trong suốt 70 năm qua.
Nhân dịp này, có 02 tập thể và 02 cá nhân của xã Hưng Phúc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM nâng cao năm 2022. Huyện ủy- HĐND-UBND- Ủy ban MTTQ huyện tặng phần thưởng 01 tỷ đồng cho xã Hưng Phúc đạt chuẩn NTM nâng cao; có 02 tập thể và 02 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao.