Phấn đấu xây dựng từ 3 - 5 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp
Kế hoạch đặt ra mục tiêu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bình quân đạt 12 - 13%/năm, chiếm trên 20% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025 và tăng dần tỷ trọng trong những năm tiếp theo. Thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp nhất là khu vực FDI để thúc đẩy phát triển nhanh các doanh nghiệp CNHT nội địa. Đến năm 2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp CNHT nội địa chiếm từ 10 - 12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp; có từ 20 - 30 doanh nghiệp CNHT đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các tập đoàn.
Xây dựng từ 3 - 5 phân khu CNHT trong các khu công nghiệp; thu hút đầu tư 1 - 2 cụm công nghiệp chuyên ngành CNHT. Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí lắp ráp, năng lượng đạt từ 30 - 35%; dệt may đạt trên 45%. 100% doanh nghiệp CNHT ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trên sàn thương mại điện tử vào 2030.
Về công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử - tin học - viễn thông: Tiếp tục thu hút các dự án FDI sản xuất sản phẩm CNHT để tạo động lực cho các Tập đoàn lắp ráp mạnh dạn đầu tư nhà máy tại Nghệ An từ đó lôi kéo các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng. Phát triển sản phẩm CNHT ở cả 3 bước công nghệ: Công nghệ vật liệu chủ yếu là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện; công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào sản xuất các khung vỏ sản phẩm, bo mạch. Hỗ trợ liên kết, kết nối thông qua hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp nội địa trên địa bàn tỉnh với các Tập đoàn tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất...
Mục tiêu cụ thể của các ngành công nghiệp hỗ trợ
Giai đoạn đến năm 2025, tập trung thu hút đầu tư phát triển CNHT ở một số lĩnh vực sản xuất gồm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là Sợi tổng hợp; phát triển các nhà máy dệt vải đáp ứng nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh và cả nước; thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt – may. Giai đoạn 2026 – 2030, tập trung phát triển các dự án sản xuất và cung cấp thiết bị, phụ tùng cơ khí để thay thế trong qua trình vận hành các nhà máy trên địa bàn tỉnh...
Về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo, giai đoạn đến năm 2025, tập trung phát triển CNHT ngành cơ khí chế tạo phục vụ ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến các ngành phẩm ngành nông nghiệp. Hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp khu vực FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Trung bộ. Phát triển mạnh lĩnh vực phục vụ gia công cơ khí...
Về công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, giai đoạn đến năm 2025, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng tại KCN Hoàng Mai I để làm tiền đề thu hút các Tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào Nghệ An. Tập trung thu hút đầu tư được 01 tập đoàn lắp ráp ô tô có thương hiệu trên thế giới đặt nhà máy tại Nghệ An trong đó ưu tiên thu hút các nhà sản xuất và lắp ráp các loại xe tải, xe khách. Đồng thời, thu hút các dự án tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các thương hiệu ô tô có uy tín đang đầu tư tại Việt Nam.. Bên cạnh đó, tập trung phát triển CNHT ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất; sản xuất bao bì, in ấn, nhãn dán, hạt phụ gia…
Xây dựng môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi thúc đẩy CNHT phát triển
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp thực hiện gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển CNHT; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển CNHT; xây dựng môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thuận lợi thúc đẩy CNHT phát triển. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển CNHT; tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNHT; phát triển công nghệ, nâng cao năng lực quản lý chất lượng cho doanh nghiệp CNHT; phát triển thị trường, kết nối cung cầu sản phẩm CNHT...
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp thực hiện các chủ trương, định hướng phát triển CNHT của Trung ương trong từng thời kỳ; tham mưu ban hành các cơ chế chính sách phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh; chủ trì, tổ chức các hoạt động kết nối CNHT giữa các doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước. Tham mưu chương trình làm việc với các tập đoàn, Tổng công ty trong nước kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực CNHT ngành dệt may, da giày; cơ khí, ô tô; thiết bị phục vụ ngành công nghiệp điện; kêu gọi đầu tư CNHT vào các cụm công nghiệp trên địa bàn…
UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp CNHT nghiên cứu, tận dụng cơ hội từ hội nhập và chính sách hỗ trợ của nhà nước để đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên nghiệp hoá trong quản trị, chú trọng năng lực phát triển và khai thác thị trường, chủ động trong tiếp cận doanh nghiệp sản xuất đầu cuối.
Hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành nghề thường xuyên tổ chức các khóa phổ biến về cơ chế, chính sách, các quy định mới trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước; các điều kiện để đưa hàng hóa trong nước ra nước ngoài và các biện pháp phòng vệ thương mại. Tạo cầu nối gắn kết giữa các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau trong sản xuất và tiêu dùng. Thường xuyên tổng hợp và thông tin kịp thời các hạn chế, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CNHT đến các ngành liên quan để tháo gỡ.