Một số đặc điểm của tôn giáo ở Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Thứ hai - 21/07/2025 08:57 7 0
Nghệ An là một trong những tỉnh có thế mạnh về nguồn lực tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2 tôn giáo lớn đang hoạt động là Công giáo và Phật giáo. Về Công giáo, tính đến 1/2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 280.000 tín đồ; 162 chức sắc gồm 3 giám mục và 159 linh mục; Nghệ An cũng là nơi đóng chân của Tòa giám mục Giáo phận Vinh và Đại chủng viện Vinh - Thanh. Về Phật giáo, toàn tỉnh có 56 cơ sở thờ tự của Phật giáo được công nhận hợp pháp (55 chùa và 01 niệm phật đường), trong đó có 09 chùa là Di tích lịch sử văn hóa; toàn tỉnh có 55 tăng, ni (trong đó có 23 sư trụ trì các chùa) với khoảng 85.000 tín đồ. Tổ chức Giáo giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An được thành lập với Ban Trị sự gồm 25 thành viên và có 2 Ban Trị sự cấp huyện là: Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Vinh và Ban Trị sự Phật giáo huyện Nam Đàn. Hai tôn giáo này đã có lịch sử lâu dài gắn bó với tỉnh Nghệ An. Đó là những nguồn lực tôn giáo lớn có thể huy động đóng góp hữu ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Một số đặc điểm của tôn giáo ở Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
 
Nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cũng được các chùa, tăng ni, phật tử tổ chức thường xuyên góp phần đưa hình ảnh Phật Giáo đi vào lòng quần chúng                Ảnh: nguồn baonghean.vn

Qua nghiên cứu thực tế, có thể rút ra một số đặc điểm của tôn giáo ở Nghệ An như sau:
Một làcác tôn giáo ở Nghệ An có quá trình du nhập, phát triển lâu dài, trải qua nhiều biến động, thăng trầm gắn với lịch sử địa phương và đất nước, nhưng phát triển ngày càng đa dạng hơn và có tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Cả Phật giáo và Công giáo đều có lịch sử lâu đời với những bước thăng trầm khác nhau, song vẫn phát triển, tín đồ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Phật giáo Nghệ An sau 60 năm (1945-2010) suy giảm hầu như không có hoạt động phật sự, đến nay đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở Nghệ An, ngoài hơn 190.000 phật tử, có tới gần 2 triệu người có tín ngưỡng Phật giáo1, nghĩa là thu hút gần 2/3 số người dân trong tỉnh tin theo hay kính ngưỡng Phật giáo. Công giáo có ngót 400 năm tồn tại và phát triển trên mảnh đất Nghệ An, cũng trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, như thời kỳ nhà Nguyễn cấm đạo, phong trào Văn thân cuối thế kỷ XIX, đặc biệt hàng chục ngàn giáo dân di cư năm 1954, lại bị chiến tranh, thiên tai tàn phá. Thế những, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, Công giáo ở Nghệ An đã phát triển mạnh mẽ. Mặc dù năm 2018 đã tách ra lập giáo phận Hà Tĩnh, song đến nay giáo phận Vinh vẫn là một trong số giáo phận có số lượng tín đồ, giáo sĩ lớn nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, đạo Tin lành và một số tôn giáo khác cũng đã xuất hiện làm cho bức tranh tôn giáo ở Nghệ An trở nên đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của quần chúng.
Các tôn giáo ở Nghệ An đã trở thành một trong những nguồn lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Nhiều trung tâm hành hương lớn hình thành, như chùa Đại Tuệ, chùa Diệc, nhà thờ Bảo Nham, đền thánh An Tôn, thu hút hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tín đồ và du khách hàng năm. Sinh hoạt tôn giáo cũng ngày càng trở nên sôi động hơn. Nhiều cuộc lễ lớn của Phật giáo (vu lan, Phật đản), Công giáo (giáng sinh, năm thánh) thu hút hàng chục nghìn tín đồ và du khách tham dự. Tôn giáo thực sự đã trở thành một nhu cầu tinh thần của một bộ phận không nhỏ người dân Nghệ An.
Hai là,tôn giáo ở Nghệ An phân bố không đều trong tỉnh. Cả Phật giáo và Công giáo đều tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển, khu đô thị, và hiện đang có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển lên vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, Công giáo có hơn 1.000 tín đồ ở các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ, Anh Sơn… Phật giáo cũng đã lập được một số đạo tràng vùng dân tộc thiểu số và dự định khôi phục, thiết lập chùa ở các huyện miền núi, dân tộc, như Con Cuông, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn… Đạo Tin lành đang phát triển vào vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong cộng đồng người Mông.
Ba làtín đồ tôn giáo ở Nghệ An có nhu cầu đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhiệt thành trong sinh hoạt tôn giáo. Đối với Công giáo, tín đồ có niềm tin sâu sắc, lòng mộ đạo, tính vâng phục giáo quyền cao và tâm lý co cụm trong thế tự vệ cộng đồng rất rõ nét, đậm nét nhất. Không chỉ Công giáo, tín đồ Phật giáo cũng có niềm tin tôn giáo khá sâu sắc. Người Nghệ An vốn được xem là “không mê đạo Phật”, lại trải qua suốt 60 năm thiếu chùa chiền sinh hoạt tôn giáo, thiếu tăng, ni hướng dẫn việc đạo, nhưng lòng mộ đạo của họ vẫn nhiệt thành, chỉ sau 10 năm được khôi phục trở lại, sinh hoạt tôn giáo của Phật tử diễn ra sôi động, nhất là vào các dịp lễ lớn như Vu lan, Phật đản. Hơn thế nữa, sinh hoạt tôn giáo không chỉ diễn ra hàng ngày đối với tín đồ Phật tử quy y, những buổi sinh hoạt đạo tràng tại các chùa diễn ra thường xuyên hơn, các khoá tu “một ngày an lạc” (Bát quan trai), nhất là khoá tu mùa hè thu hút ngày càng nhiều hơn thanh, thiếu niên tham dự. Cả tỉnh chỉ có gần 100 ngôi chùa, nhưng có tới 526 đạo tràng, bản hội được thiết lập ở hầu khắp các huyện, kể cả các huyện miền núi, dân tộc, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia học tập, tìm hiểu Phật pháp. Điều đó cho thấy nhu cầu và tinh thần mộ đạo của người dân Nghệ An khá cao.
Bốn làtôn giáo ở Nghệ An có tinh thần nhập thế cao, tuyệt đại đa số tín đồ, chức sắc có tinh thần yêu nước, dân tộc. Giáo sĩ Công giáo người Nghệ An có truyền thống thể hiện tinh thần dân tộc, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Điển hình như: nhà cải cách Phạm Phú Thứ, các linh mục yêu nước Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Văn Trường, Mai Lão Bạng, 6 linh mục bị thực dân Pháp bắt tù đầy trước năm 1945. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc thể hiện rõ trong phong trào bài thừa sai Pháp của các chủng sinh ở Vinh trong Cách mạng tháng Tám, trong thư của giáo sỹ, giáo dân gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9-1945…
 

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tặng Phật giáo Nghệ An trong Đại hội đại biểu phật giáo tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2022-2027    Ảnh nguồn nghean.gov.vn

Phật giáo ở Nghệ An tích cực nhập thế với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp” và “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Trong lịch sử đã có nhiều vị cao tăng hay cư sĩ trên địa bàn tỉnh Nghệ An tích cực tham gia công cuộc pháp quốc an dân. Truyền thống ấy ngày nay đang được các chức sắc, tăng, ni, cư sĩ tiếp nối, tiêu biểu như Hoà Thượng Thích Bảo Nghiêm, đặc biệt Hoà Thượng Thích Thọ Lạc, người có công lao lớn trong việc khôi phục, phát triển Phật giáo ở Nghệ An ngày nay.
Ngày nay, các tôn giáo ở Nghệ An tích cực tham gia vào các hoạt động hướng đích xã hội, hưởng ứng các các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, bài trừ các tệ nạn xã hội; đặc biệt phong trào phòng, chống dịch bệnh, bảo trợ, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Tuy nhiênvẫn còn một bộ phận, tuy rất ít người, trong tôn giáo có tư tưởng vọng ngoại, bất hợp tác với chính quyền. Thời gian qua một số công khai hoạt động, lợi dụng vấn đề môi trường, đất đai kích động giáo dân biểu tình, gây mất trật tự xã hội. Một bộ phận chưa cởi mở với chính quyền và các tôn giáo khác, nảy sinh vấn đề phức tạp.
Năm là, tôn giáo và hoạt động của các tôn giáo ở Nghệ An nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Trong đó, nổi lên là vấn đề chia tách, thành lập mới các tổ chức tôn giáo trực thuộc (xứ, họ đạo Công giáo; Ban Hộ tự chùa, đạo tràng, bản hội); vấn đề đất đai, xây dựng, trùng tu cơ sở thờ tự, cơ sở hoạt động xã hội (trường học, phòng khám, cơ sở bảo trợ xã hội, …) vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc…mối quan hệ lương - giáo trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta để lại. Các thế lực thù địch, các thành phần chống đối thường lợi dụng điều đó để kích động tâm lý chống chính quyền, gây chia rẽ giữa đồng bào có tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo... tuyên truyền xuyên tạc, làm mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, cản trở tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân, gây rối an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết dân tộc. Thực tiễn này đã và đang gây ra những cản trở nhất định cho quá trình phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo trong thực tiễn ở địa phương.
Chú thích
1. Nguyễn Đại Đồng, Thích Thọ Lạc (đồng chủ biên), Lịch sử Phật giáo Nghệ An, Nxb Tôn giáo 2021, tr.309.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây