Phát triển văn hóa để xây dựng con người Nghệ An toàn diện trong thời kỳ mới
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng và tinh thần hiếu học. Nghệ An còn là mảnh đất sản sinh nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân cho đất nước. Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Nghệ An có diện tích tự nhiên hơn 16.490 km2 (lớn nhất cả nước), có 21 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 03 thị xã, 01 thành phố), 460 xã, phường, thị trấn; dân số trên 3,5 triệu (đứng thứ 4 cả nước) với 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm tỷ lệ cao là người Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông.
Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Nhắc đến xứ Nghệ là nhắc đến nguồn cội của những di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều di tích có giá trị. Dòng văn hóa lịch sử với biểu tượng Núi Hồng - Sông Lam tạo thành mạch nguồn làm nên nền văn hóa xứ Nghệ - góp phần quan trọng cho kho tàng văn hóa Việt Nam phát triển rực rỡ, phong phú. Xứ Nghệ còn là vùng đất của lễ hội và nghệ thuật diễn xướng dân gian, là một trong những cái nôi chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực... Nơi đây đã sản sinh ra những làn điệu dân ca Ví Dặm say đắm lòng người - được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đều thể hiện sâu sắc những gian lao, vất vả, sự lạc quan, niềm tin và khát vọng của các thế hệ con người xứ Nghệ trong lao động, sản xuất, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xứ Nghệ cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, là “thành đồng, ao nóng”, vùng đất “phên dậu” và là “then khóa của các triều đại”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế, là nơi quân tiến quân lui mỗi khi sơn hà xã tắc lâm sự binh đao. Như nhà sử học Phan Huy Chú đã khẳng định về Nghệ An trong Lịch triều Hiến chương loại chí, rằng: “Núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quí của lạ. Những vị thần ở núi ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng. Được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền…”; Nghệ An tự hào là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử anh hùng dân tộc kiệt xuất, như: Mai Thúc Loan, Quang Trung - Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh... Trong lịch sử khoa bảng nước nhà, xứ Nghệ hiếu học đã có 1.164 các nhà khoa bảng, trong đó có 190 tiến sĩ (từ năm 1075 đến 1919), với 4 trạng nguyên là Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành.
Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân Nghệ An đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ An đã huy động nhiều sức người, sức của góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghệ An đã làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Nhiều tên đất, tên làng của xứ Nghệ đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử cùng Tổ quốc và dân tộc, mãi mãi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như: Truông Bồn, Cầu Cấm, Hang Hỏa Tiễn, Bến Thủy, Trường Thi, Truông Kè, Xô viết Nghệ Tĩnh... Những yếu tố về địa lý, lịch sử, văn hóa truyền thống đó đã tạo nên giá trị văn hóa giàu bản sắc và đầy tự hào của đất và người Nghệ An, được các thế hệ người dân xứ Nghệ coi trọng, giữ gìn, trao truyền, bồi đắp và phát triển không ngừng.
Trong công cuộc đổi mới ngày nay, đặc biệt là từ khi đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI… và nhất là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả, đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời, phát huy tốt vai trò trung tâm của con người xứ Nghệ trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò của văn hóa và con người ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực tinh thần to lớn trong Nhân dân. Công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa được quan tâm đẩy mạnh; toàn tỉnh có hơn 1.400 di tích lịch sử được quản lý vào bảo tồn; trong đó có 575 di tích được xếp hạng từ di tích quốc gia đặc biệt, quốc gia đến cấp tỉnh; có 03 bảo vật quốc gia, 09 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt dân ca ví dặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; nhiều di tích, di sản vật thể và phi vật thể được khôi phục và bảo tồn gắn với phát triển du lịch. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của Nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ Nghệ An đã phát huy nhiệt tình sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm công dân trong hoạt động, sáng tác nhiều tác phẩm hướng độc giả vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, với tính chiến đấu và tính nhân văn cao cả, sâu sắc. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư từng bước hoàn thiện, đồng bộ, phục vụ tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và hưởng thụ văn hóa của người dân; đã xây dựng được 18/21 có sân vận động huyện, 446/460 xã có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc hội trường đa năng, 3.751/3.800 thôn, xóm, khối, bản có nhà văn hóa - sân thể thao.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng bước đầu có hiệu quả thiết thực; đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, ngày càng phong phú, đa dạng. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp được coi trọng và bước đầu phát huy được hiệu quả; đã xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, con cháu hiếu thảo, đề cao các giá trị tốt đẹp của gia đình, dòng họ, đồng thời đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình phát triển bền vững; hệ thống giáo dục các cấp tăng cường giáo dục đạo đức, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, cách mạnh của quê hương, đất nước; các cơ quan công sở đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa công sở, ứng xử văn hóa, văn minh trong thực thi công vụ, xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động xây dựng doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị trong và ngoài nước, như: TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, tỉnh Hủa Phăn và Bôlykhămxay (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), tỉnh Gifu (Nhật Bản), Ulianốp (LB Nga)...; đồng thời, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại văn hóa lớn tại Nghệ An qua đó góp phần quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa của thế giới và của các địa phương trong nước.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển văn hóa, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện, trong đó trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách. Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, học tập đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giáo dục, rèn luyện, xây dựng những đức tính cao quý của con người mới, trong đó, phẩm chất nổi bật là có thế giới quan khoa học, có lý tưởng, khát vọng cống hiến; có nhân cách, lối sống đẹp, yêu quê hương, đất nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường; hiếu học, ham hiểu biết, có sức sáng tạo và khả năng thích ứng; có ý thức tôn trọng pháp luật; sống có tự trọng, tử tế, có dũng khí đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, tôn vinh, nhân lên cái đẹp, cái tốt trong xã hội. Các phong trào xây dựng con người mới được tiến hành rộng khắp, tiêu biểu như: Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Công dân kiểu mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”; “Xây dựng phong cách nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Thanh niên tình nguyện”, “Sáng tạo trẻ”, “Khởi nghiệp”..., qua đó đã góp phần bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng con người Nghệ An ngày càng hoàn thiện chuẩn mực, luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Các chuẩn mực về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của con người mới đã được đưa vào một số văn bản quy phạm pháp luật, vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc của người Nghệ được triển khai, nhân rộng và phát triển mạnh; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đông đảo Nhân dân tham gia tích cực, tự giác, hiệu quả. Việc thực hiện quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội được coi trọng và đảm bảo bằng luật pháp, quy chế, quy định, trong đó có các quyền về văn hóa của công dân.
Những kết quả đạt được trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Nghệ An đã có tác động tích cực, góp phần thiết thực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 7,14%; quy mô GRDP đạt trên 193.000 tỷ đồng, đứng thứ 10 cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn vượt dự toán; năm 2023 đạt 21.232 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 62-63 triệu đồng. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; nhiều chỉ tiêu tăng cao hơn so với mục tiêu và so với năm 2020. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ trọng yếu trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đảng ta đã xác định quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”; trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa là phát triển con người, đặc biệt là xây dựng nhân cách con người. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các chương trình, đề án của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên trước Nhân dân. Trước mắt, tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuẩn mực đạo đức người đảng viên Nghệ An mẫu mực, có uy tín trong nhân dân để lan tỏa trong xã hội; xây dựng Bộ tiêu chí xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện; nhân rộng các điển hình trong các đợt thi đua “Nghệ An làm theo lời Bác dặn”.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhà trường, xã hội để nuôi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện trên cơ sở hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, giáo dục thẩm mỹ, ứng xử văn hóa, văn minh cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Nâng cao chất lượng các phong trào thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, thể chất, tầm vóc của người dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thường xuyên rà soát, hoàn thiện quy ước, hương ước của làng, bản, khu phố, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, hạn chế và loại bỏ phong tục lạc hậu; kịp thời phát hiện, lên án, ngăn chặn những biểu hiện, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống, tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; coi trọng, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn học, nghệ thuật; phát huy tính sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến văn hóa và quảng bá văn học, nghệ thuật đến công chúng. Tăng cường tổ chức hoạt động nghệ thuật quần chúng, hội diễn, triển lãm, thông tin cổ động về văn hóa, con người Nghệ An ở các địa phương, vùng, miền trong tỉnh, nhất là trong thanh, thiếu niên, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, người lao động trong các khu công nghiệp,… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực văn hóa, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch trên lĩnh vực văn hóa; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa các cấp, theo hướng chuyên trách, chuyên sâu, thực sự hiệu lực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, giới trí thức tham gia vào các hoạt động văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh; tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, chính sách phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh và với các địa phương trong và ngoài nước.
Nghị quyết số Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Tác giả bài viết: Nhật Vượng - Thu Ngọc