Vai trò dòng họ trong xây dựng xã hội học tập ở đất Nghệ An

Thứ năm - 23/01/2025 03:29 51 0
Dòng họ giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp biến những yếu tố hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống. Những năm gần đây, nhiều dòng họ ở Nghệ An đã thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, phát huy vai trò trong xây dựng xã hội học tập.
chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi trao quỹ khuyến học cho học sinh có thành tích học tập
chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi trao quỹ khuyến học cho học sinh có thành tích học tập
Coi trọng việc học
         Họ Hồ làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được biết đến là dòng họ khoa bảng ở xứ Nghệ, có nhiều người đỗ đạt cao và đảm đương các chức vụ quan trọng. Tiếp nối truyền thống được tổ tiên gây dựng qua hàng trăm năm, con cháu họ Hồ vẫn giữ được tinh thần hiếu học, đặc biệt Ban Khuyến học của dòng họ luôn hoạt động tích cực và hiệu quả. Hàng năm đều đăng ký danh hiệu thi đua như “Dòng họ khuyến học”, “Tết khuyến học”, “Tiếng trống khuyến học”, vận động con cháu tham gia lễ khai bút tại đình làng vào dịp Tết Nguyên đán…
Mỗi năm 3 lần, dòng họ Hồ tổ chức trao quỹ khuyến học để kịp thời động viên con, cháu có thành tích cao trong học tập, đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp, thi đỗ vào các trường đại học và vinh danh những người được phong học hàm, học vị, đạt giải thưởng quốc tế. Hội đồng gia tộc vận động con, cháu thành đạt đóng góp Qũy khuyến học của dòng họ, hiện tại Qũy khuyến học đã huy động được trên 1 tỷ đồng, chưa kể nguồn quỹ riêng của các tiểu chi. Ông Hồ Ngọc Đại – Trưởng Ban khuyến học của dòng họ cho biết: “Hàng năm, dòng họ trao thưởng cho hơn 200 cháu có thành tích học tập tốt với số tiền trên 60 triệu đồng. Đối với các cháu có thành tích xuất sắc, ngoài thưởng tiền còn được tặng đĩa Vinh danh “tài đức” của dòng họ. Nhờ đó, phong trào học tập của con, cháu trong dòng họ luôn sôi nổi”.
Ở huyện Đô Lương, dòng họ Nguyễn Văn – xã Nam Sơn có lịch sử khá lâu đời và giàu truyền thống hiếu học. Cũng như họ Hồ, dịp Tết Nguyên đán họ Nguyễn Văn tổ chức lễ khai bút đầu Xuân cho toàn thể con, cháu các cấp học, tạo không khí thi đua học tập ngay từ đầu năm mới. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần duy trì truyền thống cầu học, trọng việc học của thế hệ cha ông. Vào dịp Rằm tháng Giêng, dòng họ tổ chức trao thưởng khuyến học cho các cháu có thành tích học tập tốt. Buổi lễ được tổ chức long trọng, gồm các hoạt động: Dâng hương trước bàn thờ tổ tiên, đọc diễn văn ôn lại truyền thống của dòng họ, trao đổi tình hình học tập trong năm qua và tổ chức trao thưởng.
Đặc biệt, dòng họ Nguyễn Văn còn xây dựng 2 tủ sách, là “thư viện” thu nhỏ với số lượng trên 1.500 đầu sách. Các thư viện này mở cửa phục vụ miễn phí cho con, cháu và người dân trong vùng. Nhờ làm tốt công tác khuyến học nên phong trào học tập của con, cháu trong dòng họ rất phát triển, trung bình mỗi năm có khoảng 150 cháu được khen thưởng về thành tích học tập. Hiện nay có 25 cháu đang học đại học, 2 cháu đang học Thạc sĩ, 8 người có học vị Thạc sĩ và 3 người học vị Tiến sĩ. Ngoài ra, dòng họ còn thực hiện tốt việc hỗ trợ con em có hoàn cảnh khó khăn đến trường, thực hiện ước mơ theo đuổi con chữ.
Cùng với họ Hồ và họ Nguyễn Văn, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều dòng họ thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần thúc đẩy phong trào học tập của địa phương như họ Nguyễn Trọng ở Minh Sơn (Đô Lương), họ Chu ở thị trấn Hoa Thành (Yên Thành), họ Ngô ở Diễn Kỷ (Diễn Châu)…
Phát huy vai trò dòng họ
Theo ông Nguyễn Thanh Hiền – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thực hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa phong trào học tập suốt đời với các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhiều địa phương đã đưa nội dung xây dựng mô hình “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập” vào quy ước, hương ước hay quy định của dòng họ. Nhờ đó, phong trào thi đua học tập của các dòng họ lan tỏa rộng khắp và trở thành nhu cầu của mỗi người dân, tạo thành phong trào chung của cả cộng đồng ở mỗi địa phương. Hiện toàn tỉnh có tổng số 75% dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, điều đáng mừng là các dòng họ xuất sắc đều đạt tất cả các tiêu chí và chất lượng cao, ổn định và bền vững.
Trong đó, nổi bật là huyện Thanh Chương, nơi được xem là “đất học”, tại đây công tác khuyến học ở các dòng họ được đặc biệt quan tâm. Hiện toàn huyện có 432 dòng họ, trong đó 90 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ văn hóa”, 100% dòng họ có Ban khuyến học, xem việc khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học, góp phần xây dựng và phát triển nguồn lực cho quê hương, đất nước. Vào các dịp lễ, tết, tế tổ, các dòng họ tổ chức trao thưởng cho con em đạt thành tích cao, vượt khó, chăm ngoan học giỏi. Điển hình dòng họ Nguyễn Sỹ ở xã Minh Tiến (Thanh Lương cũ) hiện có hơn 200 triệu đồng Qũy khuyến học, hàng năm đều tổ chức trao thưởng cho các cháu đạt thành tích cao. Nhờ sự quan tâm và phát huy truyền thống của cha ông, đến nay dòng họ có 9 Tiến sĩ, 21 Thạc sĩ và hơn 600 người có trình độ đại học.
Cũng như dòng họ Nguyễn Sỹ, họ Trình Văn ở xã Thanh Liên là dòng họ nổi tiếng về công tác khuyến học ở Thanh Chương. Để có nguồn quỹ dùng làm quà trao thưởng khuyến khích con cháu học tập, Ban khuyến học đã vận động các gia đình đóng góp theo quy định và kêu gọi sự tài trợ của các cá nhân trong họ và ngoài xã hội. Nhờ sự quan tâm của dòng họ mà nhiều con, em đã trưởng thành, trở thành cán bộ quản lý, nhà khoa học và doanh nhân…
Nhà giáo ưu tú Vương Đình Long – nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho rằng bên cạnh trao thưởng cho con em có thành tích cao, các dòng họ cần chú ý xây dựng thư viện, tủ sách cộng đồng để khuyến khích sự học. Dòng họ Vương ở xã Trung Sơn (Đô Lương) đã xây dựng được tủ sách và kêu gọi các tổ chức, cá nhân tặng sách. Tủ sách được nhiều người tìm đọc, phát huy hiệu quả, chứng cứ là trong mấy năm qua có nhiều cháu trong họ dự thi và đoạt giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” các cấp. 
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: “Gia đình, dòng họ là nền tảng quan trọng để xác lập nên những phẩm chất tốt đẹp của con người, là “trường học đầu đời” nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người. Vì vậy, cần luôn luôn phát huy vai trò của gia đình và dòng họ trong công tác khuyến học, góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội học tập”.

Tác giả bài viết: CK-TN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây