Nghệ An sẽ tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa

Thứ tư - 17/01/2024 05:03 494 0
Dự kiến ở mùa đầu tiên, sẽ có khoảng 24.000 hộ nông dân thuộc các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương và Diễn Châu... tham gia, với trên diện tích 6.000 ha lúa. Nông dân sẽ tăng thu nhập thông qua việc đạt tín chỉ carbon trong trồng lúa ngoài thu nhập từ canh tác lúa.
Chiều 15/1, tại thành phố Vinh đã diễn ra Hội thảo về Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa tại Nghệ An với sự tham gia của đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA; Công ty Green-carbon INC Nhật Bản; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An và các đơn vị thuộc Sở.
Sớm đưa thị trường tín chỉ carbon Việt Nam hoạt động
Tín chỉ carbon là tài nguyên quý giá đối với sản xuất nông nghiệp trong tương lai nhưng chưa được khai thác. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án Một triệu hecta lúa giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang thúc đẩy sớm đưa thị trường tín chỉ carbon Việt Nam hoạt động trong năm tới, có thể chính thức tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon thế giới trong các năm tiếp theo.
Hoạt động giảm phát thải khí mê tan liên quan đến kỹ thuật điều tiết nước trên ruộng lúa có tên gọi “tưới ngập- khô xen kẽ hay còn gọi Nông Lộ Phơi”, giảm lượng nước sử dụng và nâng cao thu nhập của nông dân. Khí mê tan phát thải giảm thông qua kỹ thuật này là cơ sở để phát hành tín chỉ carbon, từ đó làm lợi trực tiếp cho nông dân sản xuất lúa thông qua số tín chỉ mà họ đã đạt được.
Dự kiến, dự án hợp tác giúp nông dân sản xuất lúa tại tỉnh Nghệ An nhằm phát hành tín chỉ carbon bằng việc giảm phát khí thải mê tan trong quá trình canh tác lúa sẽ được thực hiện thông qua tư vấn từ một đơn vị do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu.
Có diện tích sản xuất lúa 180.000 ha/năm, Nghệ An có tiềm năng lớn trong giảm phát thải với diện tích lúa lớn, tiềm năng giảm 1,44 triệu t-CO2e. Dự án này phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Quy hoạch vùng sản xuất để chỉ đạo thực hiện
Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ: Để sản xuất lúa theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo tín chỉ carbon, cần đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu từ khâu tổ chức và chấp hành tốt thời vụ sản xuất, các biện pháp canh tác. Vì vậy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần có sự phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo, quy hoạch vùng, từ đó đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để chỉ đạo thực hiện, tạo thành áp lực để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu.
Đây là dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như Việt Nam để lấy tín chỉ carbon trong trồng lúa, có sự hỗ trợ của JICA nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Các vấn đề liên quan về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng… sẽ được giải quyết theo từng giai đoạn của dự án.
Trên địa bàn cả nước, việc thử nghiệm tạo tín chỉ carbon trong sản xuất đã được thực hiện trên một số đối tượng cây trồng như ngô, mía, lúa… Tại Nghệ An, sau khi thành công trên cây lúa, sẽ mở rộng triển khai trên một số loại cây trồng khác vốn có diện tích, tiềm năng lớn như ngô, mía, chè... cũng như lấy tín chỉ carbon bằng giảm phát thải trong chăn nuôi bò.
Dự kiến, trong mùa đầu tiên, chương trình sẽ thực hiện trên diện tích gần 6.000 ha lúa thuộc các huyện là Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu..., thuộc vùng tưới của Thuỷ lợi Bắc và Thuỷ lợi Nam. Số lượng hộ dân tham gia khoảng 24.000 hộ.
 

Tác giả bài viết: TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây