Đó là dung dịch trộn vào thức ăn, nước uống cho heo, được ủ từ các nguyên liệu: tỏi, mật mía và dấm mẻ của anh Nguyễn Trọng Cường (Cường "mì tôm"), ở ấp 11, xã Minh Hưng (nay là KP.11, P. Minh Hưng, TX.Chơn Thành, Bình Phước).
Anh Nguyễn Trọng Cường. Ảnh: Hồng Thủy
Bài thuốc đa dụng
Tôi biết Cường qua giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chơn Thành cách đây vài năm. Khi đó, Cường là nông dân sản xuất giỏi của huyện Chơn Thành. Người đàn ông 42 tuổi này tính tình xởi lởi dễ gần, được nhiều người quý mến, đặc biệt là những nông dân đã làm việc chung, được anh giúp đỡ vốn, hỗ trợ kinh nghiệm.
Từ nhiều năm nay, gia đình Cường luôn duy trì đàn heo nuôi gia công từ 1.500-2.000 con. Thời điểm này, anh mới xuất 1 đàn, còn lại 1.300 con heo chuồng lạnh và chuồng heo hở 200 con mới tái đàn.
Lần này đến nhà anh, tôi tình cờ biết về một loại thuốc hay phụ gia đơn giản nhưng lại rất nhiều công dụng đối với đàn heo nuôi của anh. Hôm tôi đến đúng lúc anh đang mở nắp chiếc thùng nhựa xanh loại 200 lít ra kiểm tra. Dù đứng cách khoảng chục mét nhưng một mùi rất nồng, có vị chua, cay cực mạnh sộc thẳng vào mũi khiến tôi phải nhăn mặt.
“Mùi gì ghê thế?”, tôi hỏi Cường. “Sao lại ghê? Mùi thơm nồng mà. Đây là “thần dược” của heo đấy. Nó giúp phòng bệnh, heo lớn nhanh, tiết kiệm thức ăn, thịt thơm ngon hơn”, anh đáp rồi thọc cả cánh tay vào thùng, dùng ca nhựa múc một hỗn hợp chất lỏng màu nâu sậm, đưa lên mũi ngửi.
Cường cho biết, dung dịch ủ men gồm 10kg tỏi xay nhuyễn, 2 lít dấm mẻ, 5 lít mật mía loại tốt pha với 16 lít nước. Ngâm càng lâu càng tốt. “Chi phí làm dung dịch này rẻ lắm. Tính ra, giá thành mỗi lít dung dịch nguyên chất này chỉ 40.000 đồng. Mà còn pha loãng với tỷ lệ 5 lít dung dịch đặc pha 1.000 lít nước. Có thể pha vào nước cho heo uống hoặc trộn thức ăn cũng được”, anh nói.
Thùng "thần dược" cho heo do anh Cường ngâm, ủ. Ảnh: Hồng Thủy
“Công dụng của chất hỗn hợp này là gì?”, tôi hỏi. “Công dụng của dung dịch lên men này là tăng sức đề kháng, phòng ngừa hầu hết các bệnh về đường ruột cho heo, đồng thời, giúp hấp thụ hết thức ăn cho heo.
Thả xác động vật chết vào thùng này ủ 1 tuần, xác chết không những không có mùi mà còn chín luôn. Cái hay nữa là có thể lên men cám cho heo ăn. Có lần, một bao cám để quên ngoài trời, bị mưa ẩm, tôi trút hết vào thùng dung dịch ngâm, ai ngờ mấy ngày sau mở ra kiểm tra, thấy cám có mùi thơm giống như cơm trộn men ủ để nấu rượu. Tôi lấy cho mấy con heo ăn thử thấy chúng có vẻ rất thích”, Cường nói.
Dẫn tôi ra sát chuồng heo lạnh, đến sát vách chuồng, nơi có mấy thùng nhựa đậy nắp, Cường mở các nắp thùng ra, bốc một hỗn hợp cám trong thùng trên tay rồi đưa sát mũi tôi, hỏi: “Anh ngửi thấy mùi gì?”, tôi ngửi rồi đáp: “Giống mùi cơm rượu”. Cường nói tiếp: “Đúng rồi. Loại cám này cho heo ăn tốt hơn cơm rượu nhiều. Vì nó nhiều chất dinh dưỡng hơn, còn cơm rượu chỉ còn lại bã là chính”.
Cường cho biết, dung dịch men ủ trộn thức ăn cho heo này còn có ưu điểm là xử lý hoàn toàn mùi hôi từ chuồng heo. Chuồng trại của gia đình anh Cường cũng được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn của công ty thuê gia công với hệ thống vệ sinh, hầm biogas. Nhưng thời gian đầu, vẫn phát sinh mùi hôi. Cho đến khi anh dùng dung dịch ủ này, mùi hôi dần biến mất.
“Hầu hết những trang trại heo khác, dù cũng đầu tư công nghệ xử lý chất thải hiện đại, tiên tiến nhất, nhưng vẫn có mùi. Còn ở đây, nếu không nói nhiều người không biết bên trong là cả ngàn con heo, vì đứng sát vách chuồng cũng không ngửi thấy mùi hôi”, Cường nói.
Dung dịch ủ men gồm những nguyên liệu đơn giản như mật mía, dấm mẻ và tỏi. Ảnh: Hồng Thủy
Người nuôi heo giỏi hơn công ty
Một ưu điểm khác mà có lẽ người chăn nuôi nào cũng mong muốn, đó là giảm lượng thức ăn hàng ngày cho heo nhưng vẫn tăng trọng bình thường. Và điều này, Nguyễn Trọng Cường đã làm được.
Nhờ anh mát tay nuôi giỏi, lại có “thần dược” là dung dịch ủ men hỗ trợ nên lứa heo nào cũng dư cám, heo vượt trọng lượng so với yêu cầu công ty. Nhờ vậy, thu nhập từ nuôi heo gia công của gia đình anh Cường luôn nằm trong top đầu danh sách nông dân nuôi heo giỏi của công ty. Đó cũng là lý do từ nhiều năm nay, anh vẫn duy trì hợp đồng nuôi gia công. Mặc dù, anh đủ tiềm lực kinh nghiệm, vốn đầu tư để tự chăn nuôi.
“Tôi theo dõi chúng tăng trọng từng ngày bằng cách tính lượng thức ăn nạp vào. 1 con heo mỗi ngày ăn 2,6kg cám chúng phải tăng 8 lạng trọng lượng mới đạt yêu cầu. Nuôi 1 con heo thành công là chúng phải dôi cám. Một con heo giống mới nhập về có trọng lượng 8kg, công ty giao cho mình 240kg cám, sau chu kỳ nuôi, heo phải đạt 100kg (chưa tính 8kg giống ban đầu). Trong khi người ta nuôi chỉ từ đủ cám đến thiếu, tôi dư bình quân mỗi con một bao 25kg.
Với giá cám 12.000 đồng/kg, tính ra tiền cám mỗi con heo tôi đã lời 300.000 đồng. Chưa kể, heo đạt trọng lượng từ 110 - 115kg/con, tức mỗi con dư từ 2-7kg, phần dư này mình hưởng, cộng thêm tiền thưởng, tiền công. Mấy ông kỹ thuật công ty đến đây cứ nói đùa, tôi nuôi heo giỏi hơn công ty”, Cường nói.
Đây là cám ủ dung dịch lên men. Ảnh: Hồng Thủy
“Từ đâu anh biết công thức ủ dung dịch này?”, tôi hỏi. “Cách đây 6-7 năm, một người quen của bố tôi ở Trảng Bàng Tây Ninh học được công thức từ một người Nhật. Tôi tình cờ lên thăm, nghe tôi nói đang nuôi heo, người bạn của bố tôi mới chỉ cho tôi công thức này.
Thực ra, công thức ủ men này đã được ông người Nhật phổ biến lâu rồi, nhưng mỗi người lại làm khác nhau, áp dụng khác nhau, nên hiệu quả không giống nhau. Cũng vì thế mà ít người dùng. Riêng tôi nghĩ, hiệu quả còn do kinh nghiệm người nuôi nữa. Ví dụ, thấy heo có biểu hiện khác là mình biết ngay chúng bị gì, do thức ăn hay do triệu chứng bệnh. Bây giờ, tôi chỉ cần đi ngang 1 chuồng heo hay chuồng gà nào đó, ngửi thấy mùi hôi, tanh của phân là biết ngay chúng bị bệnh gì, cần xử lý ngay, nếu không có thể mất trắng.
Cường cho biết, anh đã chia sẻ công thức ủ men này cho nhiều người chăn nuôi, nhưng không phải ai cũng làm thành công. “Khi chỉ cho họ cách làm, tôi dặn kỹ, khi cho ăn phải theo dõi mọi thay đổi của heo. Đối với các loại gia súc, gia cầm, những bệnh về đường ruột rất quan trọng. Vì thế, phải theo dõi sát sao. Ví dụ sau khi dùng dung dịch một tuần, phải thấy lượng thức ăn mỗi ngày, mỗi bữa thế nào, phân chúng thải ra có hình thái ra sao. Nếu dính các bệnh về đường ruột, chúng sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn, và cũng thải ra nhiều hơn.
Sau khi ủ 1 tuần, cám có mùi thơm như cơm rượu, là có thể trộn với cám thường cho heo ăn. Ảnh: Hồng Thủy
Người có kiến thức sẽ nắm rõ ở tuần tuổi đầu tiên chúng cần bao nhiêu thức ăn, tuần thứ 2 cần mấy lạng cám, đến khi chuẩn bị xuất chúng ăn bao nhiêu thì đủ…còn người không biết, cứ thấy chúng ăn nhiều lại nghĩ càng ăn nhiều càng mau lớn, nên cứ đổ thêm thức ăn mà không biết, chúng ăn nhiều là do bệnh, ăn nhiều rồi thải hết ra ngoài chứ không hấp thụ được. Vì thế, cần theo dõi sát để phát hiện và xử lý kịp thời để không xảy ra lây nhiễm cho cả chuồng”.
Nói về biệt danh “Cường mì tôm”, anh cho biết: “Có gì đâu, lúc nghèo mì tôm là món ăn rẻ tiền, tiện dụng. Ăn nhiều thành quen, nên khi làm ăn có chút tiền, tôi vẫn thích ăn mì tôm. Với lại, cứ lo làm ăn, thời gian không có mà lo bữa ăn đàng hoàng, nên ăn mì cho tiện.
Nhiều người nghĩ tôi keo, không dám ăn, nhưng không phải, do tôi thích ăn thôi. Có thời điểm, vỏ thùng mì đã xếp gọn mà chở 3 xe ba gác đầy mới hết. Bây giờ, dù cuộc sống không còn khó khăn, bạn bè đến nhà tôi ăn uống thì rõ, món gì cũng có, nhưng tôi vẫn cứ thích mì gói”.
Ngoài sử dụng men ủ cho heo ăn, anh Nguyễn Trọng Cường chia sẻ thêm, cám ủ dung dịch lên men chỉ cần trộn một ít vào cỏ đã băm nhuyễn, sau đó dùng bao ủ kín 1 ngày, mở ra thấy mùi thơm nức. Dùng rất tốt cho bò, dê, thỏ, giúp tăng sức đề kháng, ngừa được các bệnh đường ruột và tiêu hoá rất hiệu quả. Từ đó, con vật lớn nhanh hơn.
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc