10 xu hướng an ninh mạng hàng đầu trong năm 2023

Thứ ba - 29/08/2023 04:43 500 0
10 xu hướng an ninh mạng hàng đầu trong năm 2023
Nguy cơ rủi ro trên không gian mạng sẽ tăng lên đồng thời với việc chuyển đổi sang kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. An ninh mạng (Cyber Security) ngày càng trở nên quan trọng và cũng là vấn đề quan tâm hàng đầu với nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Với việc sử dụng công nghệ ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tội phạm mạng cũng gia tăng, bằng chứng là các cuộc tấn công mạng đã gây ra 92% tổng số vụ rò rỉ dữ liệu trong quý đầu tiên của năm 2022. Việc cập nhật các xu hướng an ninh mạng là rất quan trọng để chống lại các mối đe dọa, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Trong năm 2023, thị trường an ninh mạng dự kiến sẽ chứng kiến những xu hướng mới sau đây.

1. Bảo mật ứng dụng
            Bảo mật ứng dụng bao gồm các biện pháp được thực hiện để cải thiện tính bảo mật của ứng dụng bằng cách tìm, sửa và ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật. Các kỹ thuật khác nhau được sử dụng để xác định các lỗ hổng bảo mật như vậy ở các giai đoạn khác nhau của vòng đời ứng dụng, chẳng hạn như thiết kế, phát triển, triển khai, nâng cấp, bảo trì.
            Mục tiêu cuối cùng của bảo mật ứng dụng là cải thiện các hoạt động bảo mật và thông qua đó, tìm, sửa chữa và ngăn chặn các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự an toàn của các ứng dụng.
            Hệ thống bảo mật ứng dụng làm giảm rủi ro bảo mật liên quan đến các hoạt động khác nhau của các ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như web và ứng dụng di động. Các chuyên gia an ninh mạng dự đoán rằng, các ứng dụng web sẽ vẫn là nguyên nhân thường xuyên nhất của các vi phạm đã được xác nhận. Với việc các tổ chức ngày càng kết nối với các ứng dụng quan trọng khác nhau thông qua Internet sẽ làm gia tăng rủi ro cho các ứng dụng.
            Theo số liệu của công ty nghiên cứu dữ liệu toàn cầu Statista, chi tiêu cho bảo mật ứng dụng toàn cầu lên tới 6 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ gần 5 tỷ so với năm 2021. Đến năm 2023, chi tiêu cho bảo mật ứng dụng được dự báo sẽ đạt hơn 7,5 tỷ USD.
2. Bảo mật đám mây
            Sự phổ biến của các ứng dụng và phần mềm đám mây đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trong khi việc sử dụng các dịch vụ đám mây mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân viên, nó cũng đem đến những rủi ro về an ninh mạng mới.
            Các ứng dụng và dịch vụ đám mây cho phép người dùng truy cập tệp và dữ liệu từ mọi nơi, điều này khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu hàng đầu của các tin tặc.
Vì vậy, một trong những điều quan trọng khi sử dụng các dịch vụ đám mây là bất kỳ tài khoản đám mây nào cũng cần được bảo mật đúng cách, sử dụng mật khẩu phức tạp, duy nhất và được trang bị xác thực đa yếu tố, để trong trường hợp mật khẩu bị đánh cắp, rò rỉ vẫn có một rào cản bổ sung giúp ngăn chặn và hạn chế việc tài khoản bị chiếm đoạt và lạm dụng.
            Theo dữ liệu của Statista, bảo mật đám mây là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường bảo mật CNTT, với mức tăng trưởng dự kiến là gần 27% trong giai đoạn 2022 - 2023. Điều này chủ yếu là do nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp đám mây sau đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
3. Bảo mật di động
            Trong những năm gần đây, sự phổ biến của các thiết bị di động như điện thoại thông minh và máy tính bảng đã mang lại cho người dùng nhiều tiện ích và khả năng dễ dàng sử dụng kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi. Theo số liệu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đưa ra tại thông cáo báo chí “Sự kiện và số liệu 2022” cho thấy, tính đến cuối năm 2022, gần 3/4 dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên (ước khoảng 73% dân số) sở hữu điện thoại di động.
            Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều các thiết bị di động cũng làm gia tăng các cuộc tấn công mạng, bởi đây là một trong những liên kết yếu nhất trong cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp. Việc nhận thức rõ những mối đe dọa về an toàn đối với thiết bị di động sẽ giúp người dùng cá nhân và tổ chức tìm được các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn trong môi trường di động.
            Theo các chuyên gia bảo mật, những vi phạm an toàn thiết bị di động sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, tiếp tục khiến cho những nguy cơ mất an toàn thông tin từ chính các thiết bị di động trở nên nguy hiểm hơn. Vì thế ở góc độ người dùng, nhất là các tổ chức, doanh nghiệp cần phải nhận diện được các mối đe dọa đối với thiết bị di động để tận dụng được lợi ích từ thiết bị di động nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an toàn cho hoạt động của mình. Cụ thể, các mối đe dọa trên thiết bị di động có thể được chia thành nhiều loại như các mối đe dọa từ vật lý, mạng, hệ thống và ứng dụng.
            Để việc bảo mật di động đi trước các mối đe dọa mạng tinh vi trên thiết bị di động, thì giải pháp bảo mật di động cần được xây dựng một cách có hệ thống, toàn diện. Khi có sự cố về an ninh mạng, việc chia sẻ thông tin, giải pháp khắc phục sự cố và xử lý tình huống là rất quan trọng. Để xử lý tốt các sự cố, cần xây dựng càng nhiều kịch bản tấn công càng tốt và chủ động xử lý theo kịch bản khi xảy ra sự cố thật.
Ngoài ra, cần chú ý rằng bảo mật di động là một quá trình phòng thủ theo chiều sâu bao gồm các khâu phát triển, vận hành, xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ tốt và có một đội ngũ chuyên trách vấn đề bảo mật riêng cho các thiết bị di động.
4. Bảo mật cho các thiết bị IoT
            Internet vạn vật (IoT) là một mạng lưới rộng lớn bao gồm các thiết bị điện tử, chương trình phần mềm và các danh mục khác có thể kết nối với Internet để chia sẻ dữ liệu. Các thiết bị IoT có trong cuộc sống như: nhiều ô tô hiện đại có thể kết nối với điện thoại di động hoặc đồng hồ thông minh bằng Internet, cho phép chia sẻ hình ảnh, danh sách phát nhạc, dữ liệu vị trí…
            Tại nhà, IoT có thể kết nối các thiết bị thông minh như bộ điều nhiệt, tủ lạnh, đèn chiếu sáng và nhiều thiết bị khác, giúp ngôi nhà hoạt động hiệu quả hơn. Trong những môi trường doanh nghiệp, chúng ta có thể thấy các sản phẩm IoT như khóa thông minh, thiết bị giám sát năng lượng và thậm chí cả thiết bị lập lịch thông minh.
IoT đang làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thuận tiện hơn theo nhiều cách. Tuy nhiên, IoT cũng là một công nghệ tương đối mới, có nghĩa là có những mối đe dọa bảo mật cần lưu ý. Nếu không có các biện pháp bảo vệ tại chỗ, các thiết bị IoT có thể dễ bị tấn công mạng và các mối đe dọa bảo mật khác.
            Nhờ việc tự động hóa ngôi nhà bằng cách sử dụng IoT, việc cung cấp thiết bị cho những ngôi nhà thông minh dự kiến sẽ đạt 1,8 tỷ vào năm 2025. Các thiết bị thông minh, nhà thông minh và trợ lý giọng nói đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng mỗi thiết bị như vậy có thể bị tội phạm mạng tấn công và chiếm đoạt. Dự báo, với việc gia tăng số lượng phương tiện tự lái trên đường trong năm 2023 cũng sẽ làm gia tăng số lượng các cuộc tấn công mạng.
5. Bảo mật trong làm việc từ xa
            Làm việc từ xa đã trở nên phổ biến và được chấp nhận trên toàn thế giới, đặc biệt khi ngày càng có nhiều tổ chức cho phép phần lớn lực lượng lao động của họ làm việc tại nhà.
            Làm việc từ xa đã nới lỏng quyền kiểm soát của các tổ chức, doanh nghiệp đối với việc sử dụng dữ liệu an toàn của nhân viên. Tội phạm mạng, cùng với những kẻ tham gia lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật (Social engineering) đã lợi dụng kẽ hở này, sử dụng các phương pháp tấn công ngày càng tinh vi để tấn công mạng.
            Quản lý xác thực an toàn và quyền truy cập hợp pháp vào dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp là những phương pháp chính để đảm bảo an toàn cho làm việc từ xa.
            Như đã đề cập ở trên, tấn công phi kỹ thuật là một hình thức tấn công đang được các tổ chức, doanh nghiệp chú ý và cũng đang phát triển nhanh chóng. Đây là hình thức tấn công mà đối tượng tấn công tác động trực tiếp đến tâm lý con người (kỹ năng xã hội) để đánh cắp thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức. Đối tượng tấn công có thể mạo danh là nhân viên, kỹ thuật viên, công an, hay các nhà nghiên cứu... và đề nghị bạn cung cấp thông tin xác thực để thực hiện một công việc nào đó.
            Nhóm tin tặc sẽ đặt câu hỏi để thu thập thông tin từ người dùng, nếu không thể thu thập đủ thông tin từ một nguồn đối tượng tấn công, chúng có thể liên hệ với một nguồn khác cùng tổ chức và dựa vào những thông tin đánh cắp trước đó để tăng thêm độ tin cậy. Trong những năm qua, xu hướng một người dùng bị tấn công bởi các phương thức khác nhau như qua email lừa đảo, tin nhắn SMS và phương tiện truyền thông xã hội đang ngày một gia tăng.
6. Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng
            Hiện nay, các hình thức lừa đảo qua mạng internet có xu hướng gia tăng mạnh mẽ và ngày càng tinh vi. Các vụ tấn công, lừa đảo trên không gian mạng đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người sử dụng.
            Khách hàng đang sở hữu các tài khoản ngân hàng, ví điện tử… hay các sản phẩm công nghệ như: máy tính cá nhân, điện thoại… có kết nối internet đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm an ninh mạng.
            Khi thói quen của người tiêu dùng chuyển từ offline sang online nhiều hơn thì cũng đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng nhiều hơn. Vì vậy, xu hướng bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro trên không gian mạng đang ngày càng được các tổ chức, cá nhân quan tâm.
            Việc bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng giúp giảm thiểu các mối đe dọa và tổn thất tài chính từ các cuộc tấn công mạng. Các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm sẽ được bồi thường khi bị mất cắp tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, bị đánh cắp dữ liệu, tài khoản kỹ thuật số, bị trộm cắp thông tin cá nhân trên môi trường mạng gây tổn hại về tài chính, uy tín, danh dự.
7. Bảo mật Zero Trust
            Mô hình bảo mật Zero Trust có nghĩa là không nên tin bất kỳ thứ gì bên trong và ngoài hệ thống mạng đang được sử dụng và chỉ nên áp dụng các biện pháp bảo mật tại nơi nào cần đến, phân chia thành ngăn và bảo vệ những hệ thống, dữ liệu quan trọng. Nói cách khác, mục đích của Zero Trust là bảo đảm ngay cả khi một tài sản bị xâm phạm, điều này cũng không làm tổn hại đến cả tổ chức, doanh nghiệp.
            Mặc dù cách tiếp cận Zero Trust sẽ không ngăn chặn tội phạm mạng đánh cắp thông tin. Tuy nhiên, Zero Trust sẽ làm chậm quá trình đánh cắp thông tin và khiến những tên tội phạm mạng phải cố gắng nhiều hơn để truy cập dữ liệu, đặc biệt là các loại dữ liệu nhạy cảm nhất, thường sẽ yêu cầu mức độ xác thực cao không chỉ dựa vào tên người dùng và mật khẩu.
            Việc áp dụng các giải pháp bảo mật Zero Trust sẽ được mở rộng trên nhiều tổ chức tư nhân và chính phủ hơn nữa để chống lại bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng. Với nhiều tổ chức thống nhất cách tiếp cận của họ để giải quyết các rủi ro an ninh mạng, việc áp dụng chiến lược Zero Trust có thể mang lại khả năng cải thiện tình hình bảo mật tổng thể của tổ chức, doanh nghiệp.
            Theo nhận định của công ty nghiên cứu Gartner, việc áp dụng Zero Trust sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, sẽ tăng 31% trong năm 2023 và thay thế hoàn toàn mạng riêng ảo (VPN) vào năm 2025.
8. Trí tuệ nhân tạo
            Trí tuệ nhân tạo (AI) là một thuật ngữ rộng bao gồm nhiều loại công nghệ, từ các thuật toán đơn giản đến các hệ thống phức tạp hơn. Nói một cách đơn giản, AI là một hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ thường đòi hỏi trí thông minh của con người, chẳng hạn như hiểu ngôn ngữ tự nhiên và nhận dạng các đối tượng.
            Tuy nhiên, AI không ngừng phát triển và ngày càng trở nên tinh vi hơn. Thế hệ AI mới nhất có khả năng thực hiện nhiều hơn những tác vụ đơn giản. Những hệ thống này có thể học hỏi và cải thiện theo thời gian, khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn.
            AI đã được sử dụng thành công trong việc tăng cường bảo mật và cải thiện an ninh mạng cho các tổ chức, doanh nghiệp như sử dụng AI giúp phát hiện, quản lý lỗ hổng bảo mật và phản ứng với các mối đe doạ nhanh hơn nhiều so với khả năng của con người.
            Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng AI để tự động hóa các tác vụ. Điều này có thể giải phóng thời gian cho các chuyên gia bảo mật để họ có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn. Nó cũng có thể giúp giảm thiểu khả năng xảy ra lỗi của con người, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra vi phạm dữ liệu.
            Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Research And Markets, thị trường toàn cầu cho AI trong an ninh mạng ước đạt 14,1 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 41,94 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,36% trong giai đoạn dự báo 2022-2027. Năm 2023, AI sẽ được sử dụng phổ biến hơn nữa trong an ninh mạng, đặc biệt là trong giám sát, phân tích tài nguyên và mối đe dọa cũng như khả năng phản ứng nhanh.
9. Công cụ phát hiện tấn công mạng
            Mỗi cuộc tấn công mạng đều có khả năng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vì các biện pháp bảo vệ không được áp dụng hoặc hiện không khả dụng. Việc rò rỉ dữ liệu có thể tiêu tốn hàng triệu USD và số tiền này phụ thuộc trực tiếp vào loại tấn công và thời gian của nó, cũng như tổn thất về danh tiếng, lòng trung thành của khách hàng và chính khách hàng. Bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào lưu trữ dữ liệu trên mạng đều có thể bị tấn công.
            Cách duy nhất để các tổ chức, doanh nghiệp có thể ngăn chặn một cuộc tấn công hoặc giảm tác động của nó là xác định hoạt động bất thường trên toàn bộ hệ sinh thái người dùng, ứng dụng và cơ sở hạ tầng của họ. Đó là lý do tại sao các nhà cung cấp các giải pháp bảo mật sẽ ngày càng sử dụng nhiều hơn các công nghệ như AI và học máy (ML) để giúp phát hiện sớm các cuộc tấn công mạng.
            Gartner dự đoán rằng, chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ bảo mật thông tin và quản lý rủi ro được dự báo sẽ tăng 11,3%, đạt hơn 188,3 tỷ USD vào năm 2023. Bảo mật đám mây là hạng mục được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong hai năm tới.
10. Thuê ngoài các dịch vụ an ninh mạng
            Khi các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên tinh vi, nhiều tổ chức, doanh nghiệp cần sự trợ giúp của các nhà cung cấp giải pháp bảo mật chuyên nghiệp để đảm bảo mức độ bảo mật cao. Do đó, xu hướng bảo vệ tổ chức, doanh nghiệp bằng các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật chuyên nghiệp sẽ nở rộ trong năm 2023 cũng như những năm tới.
            Những nhà cung ứng dịch vụ bảo mật chuyên nghiệp đều là những doanh nghiệp hàng đầu, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và công nghệ phong phú giúp theo dõi các mối đe dọa bảo mật, cập nhật hệ thống và giảm thiểu các lỗ hổng với chi phí phải chăng.
            Họ cung cấp các lớp bảo mật phù hợp, bao gồm bản vá phần mềm, bảo mật hệ thống tên miền (DNS), tường lửa, phần mềm chống phần mềm độc hại, chống lừa đảo, trình quản lý thông tin xác thực,… để bảo vệ thông tin bí mật cho khách hàng. Các nhà cung cấp này cũng sẽ thực hiện giám sát tài sản và mạng 24/7 bằng cách sử dụng nhiều công cụ chuyên dụng như AI để xác định các điểm bất thường và tránh sự gián đoạn ngoài ý muốn.
 

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây