Cơ giới hóa sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm

Thứ hai - 06/11/2023 04:48 228 0
​​​​​​​Cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm kết hợp với công nghệ sinh học sẽ rút ngắn thời gian ủ phân còn 45 ngày, bằng 1/2 thời gian ủ thủ công.
Cơ giới hóa sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm

Tập huấn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm do Đại học Nông lâm Huế phối hơp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế tổ chức. Ảnh: Công Điền.

Trường Đại học Nông lâm Huế phối hợp hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) vừa tổ chức tập huấn, trình diễn công nghệ và thiết bị sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chương trình tập huấn và trình diễn được tổ chức tại Hợp tác xã Nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) với sự tham dự của các Hợp tác xã nông nghiệp, nông hộ điển hình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia đã hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rơm có ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng thành phẩm phân hữu cơ vào sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình xử lý và sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cơ giới hóa trong ủ phân hữu cơ là ý tưởng mới trong, kết hợp giữa vật lý và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng.

Để có sản phẩm phân hữu cơ từ rơm, bà con nông dân cần thực hiện các bước gồm: Chuẩn bị luống ủ từ rơm và phân bò; đảo trộn lần đầu, phun men vi sinh; đậy bạt, kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và pH của luống ủ; đảo trộn lần 2 từ sau 10 - 15 ngày tùy điều kiện nhiệt độ và độ ẩm; đậy bạt và giữ nhiệt; sau khi làm mát, khoảng 45 ngày sau đảo trộn lần đầu là sẽ được phân hữu cơ sẵn sàng cho sử dụng.

Trình diễn công nghệ và thiết bị sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm tại chương trình tập huấn. Ảnh: Công Điền.

Trình diễn công nghệ và thiết bị sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm tại chương trình tập huấn. Ảnh: Công Điền.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 47 triệu tấn rơm rạ được tạo ra từ sản xuất lúa, trong đó, chỉ khoảng 50% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây,... phần còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng.

Tại Thừa Thiên - Huế, diện tích trồng lúa hằng năm hơn 54.000ha, ước tính lượng rơm rạ thải ra khoảng 620.000 tấn. Ngoài một phần được thu gom để chăn nuôi, che phủ cây trồng, làm nấm, còn lại phần lớn được đốt và vứt bỏ trên đồng ruộng, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa, tiến hành thu gom bằng máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 50 xã, phường tham gia xử lý rác thải thành phân bón tại gia đình; xây dựng đề án và chính sách hỗ trợ cho người dân sử dụng men vi sinh trong xử lý rơm rạ, phụ phẩm trong nông nghiệp thành phân bón vi sinh, giảm tải việc chôn lấp và tiết kiệm chi phí.

Việc cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm kết hợp với công nghệ sinh học sẽ rút ngắn thời gian ủ phân còn 45 ngày, bằng một nửa thời gian so với phương thức ủ thủ công truyền thống, góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tăng thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Mỗi năm tỉnh Thừa Thiên - Huế phát sinh khoảng 620.000 tấn rơm rạ sau thu hoạch lúa nên việc đưa công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ là hết sức có ý nghĩa. Ảnh: Công Điền.

Mỗi năm tỉnh Thừa Thiên - Huế phát sinh khoảng 620.000 tấn rơm rạ sau thu hoạch lúa nên việc đưa công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ là hết sức có ý nghĩa. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ cho biết, để thay đổi thói quen, phương pháp xử lý rơm rạ truyền thống lâu nay của người dân là cả một quá trình. Tuy nhiên trong xu thế hiện nay, điều này cần phải được khuyến khích thực hiện.

"Thông qua tập huấn và trình diễn, chúng tôi đã được các chuyên gia giải đáp, làm rõ những hữu ích, hiệu quả của công nghệ, thiết bị và quy trình ứng dụng cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm. Từ đó, khuyến khích các nông hộ áp dụng công nghệ vào sản xuất phân bón hữu cơ", ông Nguyễn Ba cho hay.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế, chương trình tập huấn và trình diễn hướng đến mục tiêu thúc đẩy quá trình xử lý và sử dụng rơm rạ trở thành "nguồn tài nguyên có thể tái tạo" để phục vụ nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp tại Thừa Thiên - Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung.

 

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây