Vi nhựa – những mảnh nhựa có kích thước dưới 5mm – đang âm thầm len lỏi vào chuỗi thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á, biến những món ăn tưởng chừng vô hại thành nguồn đưa "phụ gia độc hại" vào cơ thể con người. Các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam hiện đang được cảnh báo là những nước có mức tiêu thụ vi nhựa cao nhất thế giới.
Một nghiên cứu công bố năm 2024 do CNA dẫn lại ngày 7-7 cho thấy, gần 94% cá lấy mẫu tại vịnh Jakarta (Indonesia) có chứa vi nhựa. Qua kính hiển vi, những đốm đen li ti – là mảnh nhựa siêu nhỏ – được tìm thấy trong cá đánh bắt tại đây. Những món ăn truyền thống như cá nướng, vốn là biểu tượng của bữa cơm gia đình, giờ có thể mang theo mối nguy hại tiềm ẩn không ai ngờ tới.
Không chỉ dừng ở Indonesia, Đông Nam Á hiện được coi là “điểm nóng toàn cầu” về ô nhiễm nhựa, với 6/10 quốc gia xả rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới nằm trong khu vực này. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 80% rác thải nhựa dưới biển có nguồn gốc từ đất liền, chủ yếu là bao bì nhựa dùng một lần. Năm 2020, thế giới tiêu thụ khoảng 855 tỷ bao bì nhựa, trong đó một nửa đến từ các nước Đông Nam Á.
Theo một nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ), trung bình mỗi tháng, người Indonesia "ăn" khoảng 15g vi nhựa – tương đương 3 chiếc thẻ tín dụng. Malaysia xếp thứ hai với 12g, tiếp theo là Philippines và Việt Nam với khoảng 11g mỗi người. Nghiên cứu đăng trên tạp chí
Environmental Science & Technology và được báo SCMP dẫn lại ngày 5-6 cũng chỉ ra rằng chính việc tiêu thụ nhiều hải sản khiến các nước này đứng đầu thế giới về mức độ hấp thụ vi nhựa.
Ông Deo Florence L. Onda – Phó giáo sư tại Viện Khoa học biển, Đại học Philippines Diliman – cảnh báo rằng chỉ một vết xước nhỏ trên bao bì nhựa cũng có thể sinh ra vô số hạt vi nhựa. “Người dân Đông Nam Á rất phụ thuộc vào thực phẩm được đóng gói bằng nhựa, và điều này khiến họ tiếp xúc với vi nhựa một cách vô thức hằng ngày” – ông Onda cho biết.
Một nguyên nhân cốt lõi dẫn tới tình trạng này là hệ thống quản lý và xử lý rác thải nhựa còn nhiều bất cập. Tại Indonesia, tổ chức môi trường Ecoton năm 2022 đã phát hiện vi nhựa trong gần như toàn bộ 68 con sông được khảo sát. Trong khi đó, ở Philippines, các nhà máy xử lý nước thải không bị bắt buộc phải lọc bỏ vi nhựa. Đô thị hóa nhanh chóng và thiếu cơ sở hạ tầng thu gom rác đã khiến tình trạng xả rác bừa bãi ra sông ngòi, kênh rạch trở nên phổ biến.
Ngay cả rác đã được thu gom cũng chưa chắc an toàn. Tại các bãi rác lớn như Bantar Gebang ở Jakarta – nơi chứa hơn 45 triệu tấn rác và đang đối mặt với nguy cơ quá tải – nhựa vẫn tiếp tục phân rã thành vi nhựa rồi trôi ra môi trường. Nhiều quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Philippines vẫn đang nhập khẩu rác nhựa từ các nước phát triển để phục vụ ngành tái chế, tuy nhiên không phải loại nhựa nào cũng được xử lý đúng cách, tạo thêm gánh nặng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tác động của vi nhựa đến sức khỏe con người ngày càng rõ nét. Theo bác sĩ John Paul Ner, một số hạt vi nhựa siêu nhỏ có thể thâm nhập vào máu, vượt qua hàng rào máu não, gây rối loạn nhận thức, làm tăng nguy cơ mất trí nhớ gấp 36 lần. Nghiên cứu trên chuột cho thấy chỉ sau ba tuần tiếp xúc, chúng đã có dấu hiệu sa sút trí tuệ.
Không dừng lại ở hệ thần kinh, vi nhựa còn xuất hiện trong mảng xơ vữa động mạch của hơn một nửa số bệnh nhân tim – khiến nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ tăng gấp 5 lần. Bác sĩ Pukovisa Prawiroharjo (Đại học Indonesia) cho biết, vi nhựa có thể gây tắc nghẽn động mạch hoặc làm rối loạn lưu thông máu.
Một phát hiện khác gây sốc là một số vi nhựa siêu nhỏ có thể vượt qua nhau thai, khiến thai nhi tiếp xúc sớm với hạt nhựa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính trong tương lai.
Thực trạng “ăn nhựa mỗi ngày” của người Đông Nam Á đã không còn là cảnh báo xa vời, mà là một nguy cơ hiện hữu. Từ hạt vi nhựa trong bữa ăn đến tác động âm thầm lên sức khỏe, vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của chính phủ, doanh nghiệp và người dân để xây dựng hệ thống quản lý rác hiệu quả, giảm thiểu rác thải nhựa, và bảo vệ tương lai môi trường – cũng như chính bản thân mỗi người./.
Xuân Hồng (TH)