Ngày 18 tháng 9 năm 2007, miền Tây Nghệ An đã chính thức được Ủy ban UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới trên phạm vi 9 huyện (Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong) với tổng diện tích 1,3 triệu ha.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho nguồn tài nguồn tài nguyên ĐDSH của Việt Nam nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng đã và đang bị suy giảm. Nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích và nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng dưới sức ép ngày càng tăng từ các hoạt động của con người.
- Đa dạng sinh học ở miền Tây Nghệ An
Giá trị nổi bật của miền Tây Nghệ An nói chung là có tính ĐDSH rất cao đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới. Tính ĐDSH tập trung chủ yếu ở các khu rừng đặc dụng: Vườn quốc gia Pù Mát, các khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt.
Theo kết quả điều tra, các chuyên gia cho rằng đặc điểm ĐDSH miền Tây Nghệ An như sau:
+ Về kiểu hệ sinh thái: Miền Tây Nghệ An là nơi có nhiều sinh cảnh sống đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước, suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực còn lại của miền Bắc có một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt Lào.
Ở vùng này có đại diện của hầu hết các cảnh quan nhiệt đới, từ rừng già nguyên sinh đến các trảng cỏ, cây bụi. Đa dạng hệ sinh thái tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên, là điểm thu hút khách du lịch như: Thác khe Kèm, thác Sao Va, Hang Bua, hang thẩm Ồm, … tạo lợi thế địa phương trong lĩnh vực thủy điện như Bản Vẽ, Hủa Na, khe Bố với công suất lớn.
Vườn quốc gia Pù Mát tiêu biểu cho khu vực miền Tây có đầy đủ 4/5 lớp quần hệ, đó là lớp quần hệ rừng kín, lớp quần hệ rừng thưa, lớp quần hệ cây bụi và lớp quần hệ cây thảo. Về thực vật có gần 2.500 loài thực vật bậc cao, trong đó có 69 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt, chiếm 2,77% tổng số loài của khu hệ; Về động vật khu hệ có hơn 1.000 loài động vật, với 132 loài thú, 324 loài chim cùng với nhiều loài lưỡng cư, bò sát, cá và côn trùng khác. Trong đó có 61 loài động vật quý hiếm nằm trong danh lục IUCN (2008), tiêu biểu là các loài Voi (Elephas maximus), Hổ (Panthera tigris), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina), Mang trường sơn (Muntiacus truongsonensis);
+ Tính mới của khu hệ: Miền Tây Nghệ An là nơi giao thoa của hệ thống động thực vật Nam và Bắc Trường Sơn. Nơi đây trong những cánh rừng nguyên sinh vẫn đang còn nhiều loài động thực vật đang chờ các nhà khoa học khám phá và phát hiện. Đây là nơi từng phát hiện các loài thú mới cho thế giới hồi cuối thập niên 80, 90 thế kỷ trước, như: Sao La (Pseudoryx nghetinhensis), Vượn đen má trắng (Nomascus (Hylobates) leucogenys), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Mang trường sơn (Muntiacus truongsonensis), Thỏ vằn trường sơn (Nesolagus sp.).
Yếu tố đặc hữu của khu hệ chim và thú ở khu vực cũng cao, có tới 12 loài (cho Việt Nam và Lào) trong số đó có những loài đặc trưng như Voọc xám (Semnopithecus phayrei), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Mang Trường sơn (Muntiacus truongsonensis), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Vượn Má vàng (Hylobates leucogenys), Thỏ vằn (Nesolagus sp.), Cầy vằn (Chrotogale (Hemigalus owstoni), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui).
ĐDSH có vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Đó là cơ sở của sự sống còn và thịnh vượng của loài người và sự bền vững của thiên nhiên trên trái đất.
2. Thực trạng công tác bảo tồn ĐDSH
Hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho tính ĐDSH miền Tây đang có chiều hướng suy giảm. Các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đã ảnh hưởng làm thay đổi thế cân bằng tự nhiên, suy giảm tính ĐDSH, ảnh hưởng chất lượng và suy giảm trữ lượng tài nguyên. Cụ thể: Các hoạt khai thác gỗ, khai thác tre nứa bất hợp pháp, ngoài ra tre nứa còn dùng cho sản xuất giấy; Đánh bắt cá vẫn xảy ra, thậm chí có cả hiện tượng đánh cá bằng mìn, điện, thả chất độc trên sông suối làm ô nhiễm, phá huỷ môi trường sống bằng hình thức huỷ diệt trong các khu rừng đặc dụng. Hiện tượng phát nương, làm rẫy, dẫn đến cháy rừng trong những mùa khô nóng đã tác động đến rừng, đe doạ làm mất nơi cư trú của nhiều loài. Các hoạt động khai thác lâm sản như: lấy trầm, lấy măng, cây thuốc, mật ong, làm ảnh hưởng lớn tới rừng, tác động đến vùng sống của các loài động vật. Các hoạt động này đã dẫn đến tỷ lệ rừng bị thay đổi và suy thoái môi trường sống gia tăng. Tình trạng săn bắn, đánh bẫy các loài động vật, gây suy giảm số lượng cá thể một số loài, đe doạ tuyệt chủng một số loài khác là mối nguy cơ nghiêm trọng nhất đối với tài nguyên ĐDSH của Nghệ An.
Để khắc phục tình trạng trên Chính phủ Việt Nam nói chung và UBND tỉnh Nghệ An nói riêng đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên ĐDSH của khu vực. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra sự cần thiết phải giải quyết mối mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Thực tế công tác bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn nhiều tồn tại, cụ thể như: Thiếu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết: hành lang ĐDSH nối liền khu BTTN Xuân Liên (Thanh Hóa) – khu BTTN Pù Hoạt – khu BTTN Pù Huống – VQG Pù Mát và VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh) thành một dải. Tuy nhiên, trên thực tế hành lang ĐDSH chưa được quy hoạch phân định cụ thể, hệ thống các khu bảo tồncó tính liên kết yếu nên hạn chế đến các hoạt động bảo tồn trên phạm vi toàn vùng; Ranh giới các khu rừng đặc dụng phần lớn chưa được phân định rõ ràng trên thực địa, các hoạt động xâm lấn, vi phạm trong các khu bảo tồn còn xẩy ra. Nguồn ngân sách cho bảo tồn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, các khu bảo tồn thuộc địa phương quản lý có nguồn ngân sách rất hạn chế cho các hoạt động bảo tồn, chưa có chính sách cụ thể để xã hội hóa công tác bảo tồn; Một số chính sách về khu bảo tồn còn thiếu, như chính sách đầu tư, quản lý vùng đệm; Năng lực cán bộ hạn chế, nhất là cán bộ nghiên cứu khoa học về bảo tồn, các hướng dẫn viên phục vụ giáo dục môi trường...
3. Bảo tồn với phát triển bền vững Đa dạng sinh học ở miền Tây Nghệ An
Thực hiện mục đích bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học ở miền Tây Nghệ An. Khu vực này đã được phân thành 3 phân khu chức năng như sau:
- Vùng lõi: Diện tích 241.985 ha, bao gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt thuộc các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
- Vùng đệm: Diện tích 503.270 ha, dân số 200.926 người, thuộc các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương.
- Vùng chuyển tiếp: Diện tích khoảng 558.030 ha, dân số 272.896 người, thuộc địa giới hành chính các huyện: Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ.
Việc phân chia thành 3 khu chức năng là cơ sở để thực hiện các chính sách quản lý, biện pháp tác động khác nhau nhưng đồng thời có sự hỗ trợ nhau giữa các phân khu, hay đúng hơn là “điều phối liên ngành” trong thực hiện các chức năng chung khu DTSQ: Chức năng bảo tồn: Đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền; Chức năng phát triển: Thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững môi trường và thực nghiệm bảo tồn nghiên cứu khoa học; Chức năng trợ giúp: Nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
Vì vậy cần Xây dựng và đồng bộ cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của 9 huyện và 3 vùng lõi phục vụ quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên;
- Triển khai xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển khu DTSQ miền Tây Nghệ An“ là dự án trọng điểm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, trong đó hợp phần Bảo tồn ĐDSH là một hợp phần chính của dự án.
- Triển khai thực hiện các nội dung thuộc “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh” thực hiện trên địa bàn miền Tây;
- Sưu tầm, biên soạn tài liệu và tổ chức tuyên truyền công tác bảo tồn ĐDSH và thu hút đầu tư phát triển khu DTSQ; áp dụng công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh; Áp dụng quản lý rừng bền vững (Chứng chỉ rừng) cho cả rừng tự nhiên và rừng sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn; Ứng dụng công nghệ viễn thám vào việc quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; khuyến khích xây dựng mô hình trình diễn, phổ cập, nhân rộng các ứng dụng khoa học, công nghệ về phát triển rừng, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường bền vững....
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội: Trồng, chế biến cac loại dược liệu quý, hiếm; bảo tồn quỹ gen các giống cây tròng, vật nuôi quý hiếm của khu vực.... lấy con người ở thế cân bằng với thiên theo quan điểm phát triển bền vững hay “Bảo tồn để phát triển và Phát triển để bảo tồn”.
Ngày nay bảo tồn ĐDSH đang được quan tâm không chỉ ở phạm vi riêng lẽ của từng quốc gia mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Bởi vì bảo tồn tài nguyên ĐDSH gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia cũng như hạn chế các tác động của sự thay đổi khí hậu.
Mục tiêu của bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững đều hướng tới sự thoả mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của con người về tất cả các mặt, bảo tồn trong tư thế mở, nhằm chia sẻ lợi ích, hướng tới sự hài hòa, thân thiện giữa con người và thiên nhiên, đồng thời là công cụ phục vụ bảo tồn ĐDSH của địa phương./.