Một số lưu ý chăm sóc lúa Xuân giai đoạn đẻ nhánh

Thứ tư - 12/04/2023 04:50 286 0
Vụ xuân là vụ sản xuất lúa chính trong năm góp phần quan trọng đóng góp vào tổng sản lượng lúa cả năm. Năm nay, thời tiết từ đầu vụ gieo cấy đã gặp rét đậm kéo dài. Có những thời điểm nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 15 độ C gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mạ giai đoạn đầu.
Người dân xã Hưng đạo- Hưng Nguyên đang xuống đồng chăm sóc lúa Xuân giai đoạn đẻ nhánh
Người dân xã Hưng đạo- Hưng Nguyên đang xuống đồng chăm sóc lúa Xuân giai đoạn đẻ nhánh
Đặc biệt, hầu hết thói quen của người dân Nghệ An hiện nay phần lớn là gieo thẳng và gieo sớm hơn lịch thời vụ của Sở nông nghiệp chỉ đạo nên lúa xuân năm nay đầu vụ phát triển kém, diện tích phải dặm lại khá nhiều. Hiện nay hầu hết diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh kém hơn các năm trước nên tâm lý người dân hết sức lo lắng vì  đây là thời kỳ quyết định đến số lá và số bông trên  khóm là tiền đề cho năng suất lúa cao hay thấp.
Cây lúa có 2 loại nhánh là nhánh vô hiệu và nhánh hữu hiệu. Chỉ có nhánh hữu hiệu mới là nhánh cho bông. Nhánh hữu hiệu là những nhánh đẻ sớm, có từ 4 lá trở lên, còn nhánh vô hiệu là những nhánh đẻ sau, dinh dưỡng kém, và chỉ có từ 3 lá trở xuống. Nhánh vô hiệu xuất hiện nhiều chủ yếu do bà con bón phân chưa tập trung, chia lượng phân đạm bón thành nhiều lần. Nếu trên đồng ruộng có nhiều nhánh vô hiệu, ruộng lúa sẽ rậm rạp, nhiều sâu bệnh, bên cạnh đó nhánh vô hiệu sẽ sử dụng dinh dưỡng, gây lãng phí và ảnh hưởng đến năng suất của ruộng lúa. Vì vậy, Để giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và tăng tỷ lệ nhánh hữu hiệu nhằm đạt năng suất cao nhất thì ngay từ đầu vụ cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau đây:
1.Cấy dặm: Tiến hành dặm những khoảng lúa chết do rét hoặc khoảng mất trống để đảm bảo mật độ.

2.Chế độ dinh dưỡng:Bà con cần thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng phân bón: đó là lựa chọn đúng loại phân; bón đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách. Thời kỳ lúa đẻ nhánh, nhu cầu về đạm lớn, tuy nhiên phải bón cân đối giữa đạm và kali để giúp lúa cứng cây, chống chịu tốt
Tất cả các trà lúa đều phải bón thúc sớm, tập trung, không bón phân nhiều lần đặc biệt là bón đạm muộn làm cho lúa đẻ nhánh lai rai, sinh ra nhiều nhánh vô hiệu. Nên bón phân chuyên dùng cho cây lúa, để bổ sung các chất dinh dưỡng cân đối, cần thiết phù hợp với giai đoạn này của cây lúa giúp lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và hạn chế sâu bệnh hại.
Nếu là giống lúa lai lượng bón phải cao hơn lúa thuần chất lượng từ 1,3-1,4 lần, chân đất trũng lầy thụt, đất tốt lượng đạm bón phải giảm và tăng lượng lân, kali; ruộng hay mất nước, đất cát pha bà con nên chia lượng phân trên thành 2 lần để bón cho phù hợp.
Thời điểm bón thúc đẻ nhánh vụ Xuân là khi cây lúa đã bén rễ hồi xanh thường sau cấy 12 – 15 ngày và có lá mới. Tuy nhiên thời điểm bón còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Trong vụ Xuân chỉ bón khi nhiệt độ ngoài trời trên 180 C, trời ấm thì khả năng hấp thụ phân bón của cây lúa sẽ cao nhất. Sau khi bón, biện pháp làm cỏ sục bùn sẽ rất tốt cho lúa, vì sau đợt rét đậm rét hại kéo dài từ trước đến sau Tết như năm nay, nhiều diện tích lúa có hiện tượng bó rễ, đẻ nhánh kém, cỏ mọc nhiều. Nếu không làm cỏ sục bùn, bộ rễ bị bó phát triển kém, dinh dưỡng không đảm bảo cho lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung. Làm cỏ sục bùn còn giúp cho ruộng lúa thông thoáng,rễ phát triển nhanh và hấp thu dinh dưỡng tốt hơngiúp cho việc hòa phân và vùi sâu phân vào đất, hạn chế sự bay hơi, rửa trôi các loại phân vô cơ khi bón cho cây, giúp cây lúa sử dụng nguồn dinh dưỡng sớm, kích thích đẻ nhiều nhánh.Lưu ý không nên bón đạm khi nhiệt độ xuống dưới 15°C.
3.Chế độ nước tưới:

Từ sau khi cấy đến lúa đẻ nhánh rộ, luôn duy trì mực nước trong ruộng 2-3cm giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh và tạo điệu kiện thuận lợi cho cây lúa đẻ nhánh, đồng thời cũng chống rét cho lúa. Khi lúa đạt số nhánh tối đa, rút cạn nước, phơi khô mặt ruộng từ 5- 7 ngày, sau đó đưa nước vào nhằm hạn chế quá trình đẻ nhánh của cây lúa.
4.Thường xuyên thăm đồng:

Bên cạnh các biện pháp chăm sóc bón phân, thì công tác thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh cũng rất quan trọng. Bà con cần chú ý phòng trừ một số đối tượng như ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, bệnh nghẹt rễ vàng lá, bệnh đạo ôn…..Ốc bươu vàng gây hại ở hầu hết các chân đất, nhất là ở vùng sâu trũng. Nên tổ chức bắt, thu gom diệt trứng và ốc. Những ruộng có mật độ ốc cao, gây hại nhiều, có thể sử dụng thuốc để diệt trừ theo hướng dẫn. Khi phun phải giữ mực nước săm sắp mặt ruộng, nếu mực nước trong ruộng lớn, hiệu quả của thuốc sẽ không cao. Đối với bệnh nghẹt rễ, vàng lá chủ yếu xuất hiện trên ruộng sâu, trũng nước, sau các đợt rét ….nếu bệnh xuất hiện cần dừng bón đạm, dùng lân và vôi bón với lượng 20-25 kg/sào kết hợp làm cỏ sục bùn kỹ, phun phân bón qua lá bổ sung dinh dưỡng kịp thời, khi cây ra rễ trắng, có lá mới thì mới tiến hành chăm bón bổ sung. Ngoài ra còn một số đối tượng sâu bệnh khác như dòi đục nõn, sâu cuốn lá, sâu đục thân bướm 2 chấm nếu xuất hiện ở giai đoạn lúa đẻ nhánh với số lượng ít thì chưa đáng lo ngại, vì giai đoạn này cây lúa có khả năng bù trừ, ra lá mới, nhánh mới. tuy nhiên nếu xuất hiện với mật độ cao, cần tiến hành phun trừ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật địa phương.
Trên đây là một số lưu ý trong chăm sóc lúa Xuân giai đoạn đẻ nhánh vụ nhằm giúp ruộng lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh hại là cơ sở để có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao trong sản xuất lúa hiện nay để thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp nhưnhiều năm trở lại đây./

Tác giả bài viết: Kim Ly - Trung tâm Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây