Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ cần tận dụng hiệu quả các kênh thương mại điện tử để mở rộng tệp khách hàng, gia tăng doanh thu.
Nhiều nhà mua hàng quốc tế tìm đến Hawa Expo 2024 tìm kiếm nguồn cung gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy
Phân tán rủi ro, tăng doanh số
Chia sẻ tại “Hội thảo thương mại điện tử xuyên biên giới – cơ hội tăng trưởng toàn cầu cho xuất khẩu sản phẩm gỗ, nội thất Việt Nam” ngày 8/3, bà Dương Minh Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, với vị thế là nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
“Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nội thất vào thị trường Mỹ.
Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả, năng suất hơn”, Phó Chủ tịch HAWA nhận định.
Cũng theo bà Tuệ, thời gian qua phân khúc thị trường xuất khẩu truyền thống đã và đang gặp nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong khi đó, doanh số thương mại điện tử (TMĐT) hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc.
Bà Tuệ cho rằng, trong bối cảnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp ngành gỗ cần phải tìm kiếm các nguồn bán hàng giao dịch khác nhau, tăng mức độ nhận diện và tiếp cận đa dạng tệp khách hàng để có thể phân tán rủi ro, tăng doanh số cho doanh nghiệp. “Việc tham gia các sàn TMĐT là một hướng đi mới cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Hiện một số doanh nghiệp đã tham gia bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử như Wayfair, Amazon, Amass và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan”, bà Tuệ thông tin.
Nhiều doanh nghiệp gỗ đã có nhiều giải pháp nâng cao mẫu mã sản phẩm, đa dạng kênh bán hàng
Xuất khẩu Việt Nam qua thương mại điện tử dự kiến tăng trưởng 20%/năm
Theo bà Nguyễn Thanh Yến My, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam, TMĐT toàn cầu vẫn không ngừng tăng trưởng và đang là xu thế, hình thức xuất khẩu mới giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng mạnh mẽ. “Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về TMĐT cao nhất và là mảnh đất màu mỡ cho TMĐT xuyên biên giới. Nó là “bể cơ hội” cho tất cả các doanh nghiệp”, bà Yến My nói.
Ước tính, giai đoạn 2020 - 2027 tốc độ tăng trưởng tổng hợp của TMĐT bán lẻ xuyên biên giới toàn cầu tăng 28,4%. Đáng chú ý, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến nhanh nhất trên quy mô toàn cầu; trong đó xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng trên 20%/năm.
Ở lĩnh vực đồ gỗ và nội thất, bà Nguyễn Thanh Yến My cho biết, tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thương mại điện tử ngành nội thất dự báo sẽ tăng mạnh trong 4 năm tới và có thể đạt 118,6 tỷ USD vào năm 2027.
Qua khảo sát cho thấy, sau dịch COVID-19, nhu cầu chăm sóc, trang trí nhà cửa và khu vực làm việc tại nhà của người Mỹ tăng lên. Các sản phẩm nội thất như sản phẩm quà tặng cá nhân từ gỗ, sản phẩm gỗ; kệ sách, kệ giày, kệ nhà bếp, phòng tắm, tủ quần áo, bàn làm việc… gấp gọn đang bán rất tốt trên sàn thương mại điện tử.
“Việt Nam có rất nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ có kinh nghiệm gia công; nguồn nguyên vật liệu đa dạng và chất lượng cao; lao động có tay nghề khéo léo. Bên cạnh đó, hàng hoá từ Việt Nam dễ dàng nhập khẩu vào các khu vực thị trường rộng lớn nhờ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, nếu tận dụng tốt lợi thế trên thì hiệu quả xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể
Các nhà sản xuất nên tận dụng cơ hội, đặc biệt khi bán hàng trên sàn TMĐT cần ưu tiên các sản phẩm có thể tháo rời, lắp ráp dễ dàng, kích thước gọn, dễ đóng gói, dễ vận chuyển và tiết kiệm chi phí”, bà Yến My lưu ý.
Ông Jimmy Wang, quản lý cấp cao về tìm kiếm nhà cung ứng Wayfair cho biết, thời gian qua, rất nhiều nhà cung ứng Trung Quốc mua đồ nội thất Việt Nam và bán ra toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới.
“Vậy tại sao các nhà sản xuất Việt Nam không tận dụng lợi thế của mình để bán hàng trực tiếp cho khách hàng bằng TMĐT xuyên biên giới”, ông Jimmy Wang nói và thông tin thêm, một trong những vấn đề mà người mua hàng online gặp phải là tâm lý thiếu tự tin do không thể chạm, cảm nhận sản phẩm.
Vì vậy, để bán hàng online hiệu quả, theo ông Jimmy Wang, người bán phải ưu tiên sự thoải mái, tích cực tư vấn cho khách hàng về sản phẩm họ muốn mua. Ngoài ra, dịch vụ khách hàng và giao hàng cũng là vấn đề người mua quan tâm.
“Hiện các sàn thương mại điện tử đã cung cấp rất nhiều dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ việc đăng sản phẩm online, đóng gói, vận chuyển, đổi trả hàng hóa”, đại diện Wayfair cho hay.
Tác giả bài viết: NPV
Ý kiến bạn đọc