Khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế:
Năm 2023, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường, giá cả vật tư đầu vào tăng, đầu ra giảm… Nhưng, ngành NN&PTNT vẫn đạt và vượt mức hầu hết các chỉ tiêu đề ra, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và của tỉnh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.
Cùng với đó là gắn sản xuất với thị trường, sản xuất với chế biến, sản xuất với chuỗi giá trị gia tăng. Đây là điều rất quan trọng mà ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện.
Kết thúc năm 2023, ngành NN&PTNT đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt, với lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu trên 562 triệu USD và có thêm một số mặt hàng mới bước vào nhóm xuất khẩu hàng trăm triệu USD.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) nông, lâm, ngư nghiệp đạt 41.559 tỉ đồng, tăng 4,54% so với năm 2022. Trong đó: Nông nghiệp tăng 4,2%, lâm nghiệp tăng 6,67%, thuỷ sản tăng 5,3%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) 10/KH 10 xã, đạt chuẩn NTM nâng cao 35/KH 20 xã, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 6/KH6 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM; luỹ kế đến 31/12/2023 toàn tỉnh đạt 319/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 77,62% tổng số xã, trong đó có 88/319 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12/319 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, số chỉ tiêu bình quân đạt 17/KH 17 chỉ tiêu/xã. Cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng: nông nghiệp 77,03% (trong đó tỉ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đạt 48%), lâm nghiệp 6,92%, ngư nghiệp 16,03%. Cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi tiếp tục chuyển đổi mạnh theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, hải sản cả năm lần đầu tiên đạt tren 562 triệu USD. Độ che phủ rừng đạt 58,78%. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 344.225 ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm đạt 1.220,983 tấn/KH 1.200.000 tấn, tăng 1,14% so với năm 2022. Tổng đàn trâu, bò 793 ngàn con, tăng 1,86% so với năm 2022. Tổng đàn lợn các năm đạt 1.002.783/KH 970.000 con, tăng 3,37% so với năm 2023. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện kết hợp với nguyên liệu bản địa ở mỗi địa phương và được ứng dụng công nghệ mới để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, có bao bì mẫu mã đẹp. Đến nay toàn tỉnh đã có 405 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có nhiều cơ sở sản xuất xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, có kiểm soát từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Những nội dung cần làm, cần lan toả:
Năm 2024 và cả những năm tiếp theo được dự báo có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với những năm đã qua, đặc biệt là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với phương châm lấy người dân là trung tâm, phát triển nền nông nghiệp là nền tảng và phát triển nông thôn làm động lực. Từ đó, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung thiết thực sau đây:
Thứ nhất: Lan toả mạnh mẽ việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa gia trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản… Muốn vậy phải kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến từ sơ chế đến chế biến sâu, dịch vụ thương mại hàng hoá nông sản, du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, phát triển mạnh kinh tế tập thể.
Tư duy thị trường, tích hợp đa giá trị phải được cụ thể hoá trong từng chiến lược, đề án, dự án, quy hoạch, chương trình hợp tác trong nước và quốc tế… Tư duy tích hợp đa giá trị phải trở thành “việc cần làm” thường xuyên của người đứng đầu các cơ sở sản xuất, nó phải trở thành nếp nghĩ, thói quen mỗi khi trao đổi công việc hàng ngày giữa người đứng đầu với người tổ chức thực hiện triển khai sản xuất để tìm ra phương án tổ chức sản xuất tối ưu nhất, đem lại giá trị kinh tế cao nhất.
Thứ hai: Cố gắng thực hiện nghiêm túc mục tiêu “chuẩn hoá” các khâu được áp dụng trong sản xuất. Chuẩn hoá từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hoá quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hoá vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hoá quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và sự an toàn thực phẩm. Chuẩn hoá quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch.
Thứ ba: Thực hiện tư duy kiến tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Thiết kế chính sách phải phù hợp với cơ chế thị trường, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của xã hội và đối tượng thụ hưởng; đồng thời phục vụ mục tiêu hợp tác, liên kết và hình thành chuỗi ngành hàng. Triển khai chủ trương tri thức hoá nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Thứ tư: Huy động sự vào cuộc của các cơ quan, trường học, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài ngành nông nghiệp, các cơ quan truyền thông tham gia tuyên truyền, tập huấn cho nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ thuật sản xuất nông nghiẹp theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Thứ năm: Triển khai chiến lược khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ… về với làng quê nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin… Đó là những cơ sở nền tảng để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp hiệu quả, bền vững.