Nghệ An đang ở đâu trên 'bản đồ' thị trường xuất khẩu gạo?

Thứ ba - 12/09/2023 11:46 232 0
Hơn 1 tháng nay, cả thế giới lo ngại trước vấn đề đảm bảo an ninh lương thực khi Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, Nga rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen,… Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, vậy Nghệ An đang ở đâu trong thị trường xuất khẩu gạo hiện nay?
Nghệ An đang ở đâu trên 'bản đồ' thị trường xuất khẩu gạo?
Nghịch lý dư cung nhưng phải nhập gạo nơi khác về xuất khẩu
bna_lúa ngonn.jpg
Mỗi năm Nghệ An có sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn lúa. Ảnh: Thanh Phúc
Gieo cấy 3 mẫu ruộng, gia đình ông Phan Xuân Toàn (thôn 5, xã Nam Giang, Nam Đàn) là một trong những hộ sản xuất lúa nhiều nhất xã. Đất sản xuất lúa là ông thuê, mượn của các hộ khác không có điều kiện làm ruộng. Mỗi năm gieo cấy 2 vụ, với năng suất 3 – 3,7 tạ/sào, ông thu về trên 20 tấn lúa.
“Chỉ vài sào là cấy các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thịnh, thơm lài, nếp để làm lương thực cho gia đình, còn lại là các giống lúa lai năng suất cao, bán cho thương lái các nơi. Sản lượng nhiều nên chủ yếu bán lúa tươi tại ruộng để đỡ công phơi. Giá lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái”, ông Toàn cho biết.
Cũng là một trong những hộ trồng lúa nhiều ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương), mỗi năm, anh Võ Văn Đại xuống giống gần 2 mẫu ruộng. Giống lúa chủ yếu là Sông Lam 9, Khang dân và một số giống ngắn ngày khác. Sản lượng 2 vụ lúa mỗi năm xấp xỉ 12-13 tấn thì chỉ khoảng 1 tấn để ăn, còn lại để chăn nuôi, nấu rượu và bán cho thương lái hoặc bán lẻ cho người dân trong vùng.
Là doanh nghiệp sản xuất và chế biến lúa gạo, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa (Vĩnh Thành, Yên Thành) hiện có 175ha canh tác lúa và 5.000ha liên kết với các hộ dân sản xuất lúa ở Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam. Theo đó, sản lượng mỗi năm lên đến 15.000 tấn. Nhiều bộ giống lúa chất lượng cao được công ty đưa vào sản xuất, được người tiêu dùng trong nước đón nhận như: AC5, Thảo dược Vĩnh Hoà 1, VH6… Tuy nhiên, đến nay, thị trường tiêu thụ lúa gạo của công ty vẫn chỉ gói gọn trong nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và xuất sang Lào một lượng nhỏ.
Bà Phan Thị Hào, Phó Giám đốc Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa cho biết: “Do kiểm soát tốt từ khâu chọn giống, giám sát quy trình chăm sóc và công ty đầu tư hệ thống lò sấy với công suất 100 tấn/ngày nên chất lượng gạo của công ty rất đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, đến nay, lúa gạo của công ty vẫn chỉ tiêu thụ trong nước, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc”.
bna_bán lúa tại ruộng.jpg
Bà con bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái ngay sau khi thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc
Yên Thành được coi là “vựa lúa” của tỉnh, hàng năm, riêng diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân của huyện Yên Thành đạt khoảng hơn 12.700 ha; năng suất thường xuyên đạt mức 72- 73 tạ/ha. Huyện đã đưa vào các giống lúa tiến bộ, diện tích lúa lai hơn 5.000 ha, còn lại là diện tích các giống lúa chất lượng cao gần 7.500 ha, chủ yếu là giống Thái xuyên, TBR225,… Với sản lượng xấp xỉ 180.000 tấn/năm, lượng lúa gạo của người dân một phần phục vụ cho lương thực, phần lớn bán lẻ ra thị trường trong nước thông qua các tư thương thu mua.
Diễn Châu cũng là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh về diện tích, năng suất và sản lượng lúa. Nhiều năm nay, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh gia tăng giá trị theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao trong sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm như: CS6, ADI 28, QP5, VNR 20, Cozy, TBR225, Long Hương 8117, Phú Ưu 978,... Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân.
bna_thu hoạch lúa ở Nam Giang, ảnh T.P.jpg
Năng suất cao, sản lượng lớn, song chỉ một số lượng nhỏ được doanh nghiệp bao tiêu, còn lại lượng lúa gạo dư thừa hàng năm bà con chủ yếu bán cho tư thương, bán lẻ cho các hộ có nhu cầu hoặc phục vụ chăn nuôi. Ảnh: Thanh Phúc
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Diện tích canh tác lúa toàn huyện trên 9.000 ha; trong đó có 7.650 ha lúa lai, chiếm 85% tổng diện tích lúa cả vụ, 1.350 ha gieo cấy các giống lúa thuần, đều là những giống lúa cơm gạo ngon, như: BC15, VNR20, Thiên ưu 8, TBR 225, Bắc thơm 7 và BT09. Năng suất lúa bình quân đạt 74,5 tạ/ha, sản lượng 67.050 tấn/vụ. Năng suất cao, sản lượng lớn, song chỉ một số lượng nhỏ (300ha/9000ha) được doanh nghiệp bao tiêu, còn lại lượng lúa gạo dư thừa hàng năm bà con chủ yếu bán cho tư thương, bán lẻ cho các hộ có nhu cầu hoặc phục vụ chăn nuôi.
Hiện toàn tỉnh có 170.000 ha đất sản xuất lúa 2 vụ/năm, sản lượng lúa hàng năm đạt trên dưới 1,1 triệu tấn. Trong đó, khoảng 1/3 sản lượng phục vụ lương thực của người dân, số lúa còn lại được bán cho các thương lái hoặc bán lẻ ra ngoài thị trường để phục vụ chế biến bún bánh, miến gạo hoặc thức ăn gia súc. Theo khảo sát, trong số 170.000 ha sản xuất lúa, chủ yếu gieo cấy các loại lúa lai, giống lúa ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao như: lúa Thái xuyên, Nhị ưu, VT 404… Hiện nay, giống lúa chất lượng cao vẫn còn ít, mới chỉ đủ để phục vụ nhu cầu lương thực của người dân, chưa đủ sản lượng để cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, chưa có nhiều diện tích lúa mang thương hiệu gạo xứ Nghệ, các giống lúa đặc sản, đặc hữu của địa phương để hướng đến xuất khẩu.
bna_lúa nhật.jpg
Ở những cánh đồng của Nghệ An, các giống lúa đặc sản còn khá ít. Ảnh: CSCC
Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vilaconic, chuyên xuất khẩu gạo ở Nghi Phú (TP.Vinh) cho biết: “Mỗi năm công ty chúng tôi xuất sang thị trường 43 nước với sản lượng khoảng 70.000 tấn gạo. Tất cả số gạo này đều nhập từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long về, gia công, đóng gói và xuất khẩu”.
Với góc nhìn của một thương nhân có kinh nghiệm về xuất khẩu khẩu gạo, bà Nguyễn Thị Duyên lý giải: Sở dĩ Nghệ An chưa có gạo xuất khẩu là do, hiện, sản xuất lúa ở tỉnh ta vẫn chỉ có 1 vụ mùa chính là lúa đông xuân, còn vụ hè thu chủ yếu là giống ngắn ngày, chất lượng gạo không cao và sản lượng ít, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Thứ hai, cơ cấu giống lúa ở Nghệ An vẫn đang là các giống lúa lai, lúa ngắn ngày, năng suất, sản lượng cao nhưng chất lượng, phẩm cấp gạo chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thêm vào đó, chi phí Logistics ở Nghệ An khá cao, đẩy giá thành gạo thương phẩm lên cao hơn mặt bằng chung. Đó chính là “rào cản” khiến Nghệ An vẫn chưa nằm trong vùng quy hoạch lúa gạo xuất khẩu của cả nước.
bna_đóng gói 3.jpg
Mỗi năm, riêng công ty cổ phần Vilaconic nhập gạo từ các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long về và xuất khẩu khoảng 70.000 tấn gạo sang 43 quốc gia. Ảnh: Thanh Phúc
Theo thống kê từ phòng xuất nhập khẩu, Sở Công thương, 7 tháng đầu năm 2023, Nghệ An xuất khẩu 28.592 tấn gạo, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu là 17,23 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (7 tháng đầu năm 2022 là 15.247 tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu là 10,72 triệu USD). Hiện nay, Nghệ An có 6 thương nhân được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, toàn bộ gạo xuất khẩu lại được các thương nhân Nghệ An lấy nguồn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tăng cường liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo
bna_liên kết sản xuất lúa ở Thanh Chương. Ảnh Thanh Phúc.JPG
Nhiều mô hình cánh đồng liên kết xuất hiện, đưa giống mới vào sản xuất và tuân thủ kỹ thuật chăm sóc để nâng chất lượng lúa gạo. Ảnh: Thanh Phúc
Trong 2 năm nay, nhiều hợp tác xã ở Nghệ An đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao; một số tập đoàn lớn cũng đã tổ chức, hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu gạo Nghệ An ở một số địa phương. Chính mô hình liên kết này đã khơi mở hướng đi về việc đưa các bộ giống chất lượng cao vào gieo trồng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tuân thủ các nguyên tắc về canh tác cải tiến nhằm đảm bảo chất lượng lúa gạo.
Với tiềm năng về đất đai, về kỹ thuật canh tác, năng suất lúa hàng năm đạt cao và sản lượng lúa dư thừa khá lớn, do đó, Nghệ An hoàn toàn có khả năng để hình thành các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Bà Phan Thị Hào, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hoà cho biết: “Việc xây dựng các cánh đồng lúa gạo xuất khẩu hoàn toàn có triển vọng. Khi lúa gạo Nghệ An vươn tới xuất khẩu thì giá thành sẽ cao, thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân tăng thu nhập, sống được bằng đồng ruộng và sẽ gắn bó với đồng ruộng”.
bna_kiểm tra gạo.jpg
Gạo xuất khẩu phải đảm bảo các tiêu chí khắt khe: Phẩm cấp cao, hàm lượng dinh dưỡng, độ thơm, dẻo và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng gạo trước khi đóng gói xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Vilaconic. Ảnh: Thanh Phúc
Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn về gạo xuất khẩu thì ngành chức năng phải đồng hành, hỗ trợ, làm “bà đỡ” cho nông dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi từ sản xuất lúa truyền thống sang áp dụng kỹ thuật canh tác mới, đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; đưa các bộ giống lúa chất lượng, thơm ngon để tạo ra hạt lúa đảm bảo chất lượng, từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu hạt gạo trên đồng đất Nghệ An. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường.
Ứng dụng công nghệ số cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho các diện tích lúa chất lượng cao. Đồng thời, tăng diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp bao tiêu thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất, chú trọng đầu tư khâu bảo quản lúa được thu hoạch nhằm duy trì chất lượng lúa gạo ở mức cao nhất.
bna_kt gạo ở vilaconic.jpg
Nghệ An đang khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thị trường. Ảnh: Thanh Phúc
Mới đây, ngày 26/7/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 6128/UBND-KT về việc thực hiện quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cơ chế chính sách để khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thị trường; Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế.
Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng lúa gạo đảm bảo các tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu và xây dựng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân, tạo điều kiện mở rộng sản xuất. Cùng với đó, tạo điều kiện, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân nắm bắt thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tác giả bài viết: PVTH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây