Nghệ An làm gì để đưa ngành hàng lúa gạo lên 'tầm cao mới'?

Thứ ba - 12/09/2023 04:40 430 0
Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất trong 31 tỉnh, thành phía Bắc. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tỉnh chưa thực sự có những bước đột phá, tạo được giá trị hàng hóa lớn, tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng.
Nghệ An làm gì để đưa ngành hàng lúa gạo lên 'tầm cao mới'?
Ông Phùng Thành Vinh cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất lúa hè thu 2023. Ảnh: Phú Hương
Báo Nghệ An phỏng vấn ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hiện trạng, những nguyên nhân tồn tại cũng như giải pháp đề ra trong thời gian tới, để có thể đưa ngành hàng sản xuất lúa gạo lên một “tầm cao mới”.
P.V: Theo ông, Nghệ An có tiềm năng như thế nào trong phát triển và nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo?
Ông Phùng Thành Vinh: Nghệ An có diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, với hơn 1,64 triệu ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa hơn 107.000 ha. Tỉnh có vị trí địa lý rất thuận lợi, là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống giao thông đa dạng với đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không kết nối và hội nhập với nền kinh tế cả nước và giao lưu với các nước trong khu vực, rất thuận tiện cho vận chuyển, tiêu thụ lúa gạo.
Bên cạnh đó, mật độ sông, suối tương đối lớn, trên địa bàn có 6 con sông trực tiếp đổ ra biển, lớn nhất là sông Cả với tổng diện tích lưu vực là 27.200 km2; 2.255 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, trong đó, có 1.061 hồ chứa nước, 487 đập dâng, 707 trạm bơm.
P.VVậy đến nay, chúng ta đã đạt được những thành tựu, kết quả như thế nào trong sản xuất lúa gạo?
Ông Phùng Thành Vinh: Mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất trên 170.000 ha lúa, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia, của tỉnh. Cùng với Thanh Hóa và Hà Nội, hiện chúng ta là 1 trong 3 tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất trong 31 tỉnh, thành phía Bắc.
Từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa gạo ngày càng đạt những kết quả đáng mừng. Năm 2015, diện tích lúa của tỉnh là 186.551 ha, năm 2022 còn 173.149 ha, giảm 14.402 ha, tuy nhiên, sản lượng đạt 995.571 tấn, tăng so với năm 2015 là 16.709 tấn, chứng tỏ năng suất lúa đã tăng lên rõ rệt.
Đặc biệt, cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển đổi mạnh. Đến nay, diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng như TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, AC5, J02, VNR 20... có giá trị cao, dễ tiêu thụ đã đạt trên 85.000 ha/năm, làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, đáp ứng định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
bna- nông dân. Ảnh- Phú Hương.jpg
Nhiều loại giống lúa mới được đưa vào sản xuất đem lại giá trị cao. Ảnh tư liệu: Phú Hương
Sau dồn điền, đổi thửa, thông qua các chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án và hoạt động tự đầu tư của người dân, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn máy nông nghiệp các loại, các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nhanh, như làm đất đạt trên 98,5%, vận chuyển 99,2%, gặt lúa 97,5%..., góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Diện tích lúa sản xuất theo liên kết tiêu thụ sản phẩm năm 2022 trên 3.800 ha.
P.VTiềm năng lớn là vậy, tuy nhiên, thời gian qua, sản xuất lúa gạo ở Nghệ An vẫn đang chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dân, hầu như ít được tiêu thụ ở các siêu thị, hệ thống phân phối lớn và đặc biệt là xuất khẩu. Thực trạng đó làm cho sản xuất lúa gạo ở Nghệ An chưa đem lại giá trị cao. Vậy theo ông, sản xuất lúa gạo ở Nghệ An hiện còn những bất cập gì?
Ông Phùng Thành Vinh: Mặc dù ngày càng hướng đến sản xuất lúa gạo chất lượng, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, sản phẩm lúa gạo của Nghệ An được tiêu thụ ở những kênh phân phối giá trị cao như các siêu thị, hệ thống phân phối lớn còn rất ít, đặc biệt, gạo xuất khẩu hầu như chưa có, giá trị sản xuất lúa gạo chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng. Nông dân sản xuất với mục đích là tự cung, tự cấp lương thực cho gia đình và phục vụ chăn nuôi là chính.
Phần lớn diện tích lúa của tỉnh vẫn đang được sản xuất theo các phương thức sản xuất thông thường, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ rất ít. Việc liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng diện tích lúa hàng năm; do đó, người dân thường gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu bán cho thương lái thu mua.
Sản xuất còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, công tác bảo quản sau thu hoạch vẫn còn khó khăn, chủ yếu bằng thủ công, phơi nắng và bằng các dụng cụ sẵn có tại hộ gia đình; tỷ lệ lúa gạo được sấy tại các hệ thống sấy còn rất thấp, chỉ mới một số ít HTX xây dựng được hệ thống sấy lúa sau thu hoạch. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 nhà máy chế biến gạo của doanh nghiệp.
bna_ Xuân Thành. Ảnh- Phú Hương.jpg
Lúa sau thu hoạch được phơi thủ công ở huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương
P.VNguyên nhân nào dẫn đến việc sản xuất lúa gạo của Nghệ An chưa thực sự đem lại giá trị cao? Do chủ trương sản xuất, tư tưởng nông dân hay điều kiện tự nhiên, thưa ông?
Ông Phùng Thành Vinh: Về điều kiện tự nhiên, Nghệ An là tỉnh nằm ở “chảo lửa” và “rốn lũ” nên điều kiện khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất ngành hàng lúa gạo nói riêng. Chất lượng đất sản xuất lúa của tỉnh không đồng đều, diện tích đất tốt và bằng phẳng chỉ tập trung ở một số huyện đồng bằng như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương,… Chính vì vậy, việc xây dựng cơ cấu giống, bố trí thời vụ của ngành Nông nghiệp đã phải thật căn cơ theo từng tuần, từng vùng để tránh và hạn chế tối đa các điều kiện thời tiết bất thuận.
Diện tích sản xuất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ. Chúng ta đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, tuy nhiên, diện tích sản xuất lúa/hộ gia đình, cá nhân rất nhỏ. Ví dụ: Xây dựng mô hình cánh đồng lớn với quy mô 50 ha thì có hơn 300 hộ nông dân tham gia. Điều này dẫn đến việc đầu tư sản xuất của các cá nhân là khác nhau, dẫn đến chất lượng lúa gạo không đồng đều và nhiều giống trên một cánh đồng. Do đó, để sản xuất một loại giống với số lượng lớn để sản xuất hàng hóa là rất khó khăn.
bna_ NĐ. Ảnh- Phú Hương.jpg
Thiên tai là một yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo tại Nghệ An. (Trong ảnh: Lúa bị đổ ngã do mưa lớn ở huyện Nam Đàn). Ảnh: Phú Hương
Từ chủ trương ưu tiên chuyển dần từ sản xuất các giống lúa năng suất sang những giống lúa vừa năng suất vừa chất lượng, diện tích lúa chất lượng ngày càng tăng; tuy nhiên, người dân vẫn chủ yếu sản xuất theo phương thức cũ, diện tích lúa được áp dụng sản xuất theo các quy trình SRI, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ chưa đáng kể, dẫn đến chưa nâng cao được chất lượng lúa gạo.
Thế nhưng, để tăng các diện tích này còn vấp phải nhiều “rào cản”; trước hết, do lao động trong nông nghiệp ngày càng có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác, sản xuất lúa chủ yếu là người lớn tuổi, khả năng tiếp thu KHCN hay áp dụng các tiêu chuẩn an toàn rất khó khăn. Đồng thời, khi sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn thì năng suất sẽ thấp hơn so với việc đi theo hướng sản lượng cao, do đó, người dân cũng khó tiếp nhận để sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Vì vậy, sản phẩm của chúng ta đưa vào hệ thống các siêu thị rất ít và giá lúa gạo thường không cao.
bna_may_cay_anh_phu_huong8616924_822021.jpg
Đưa máy cấy vào đồng ruộng ở huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu: Phú Hương
P.VThời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, Nghệ An sẽ có những giải pháp như thế nào?
Ông Phùng Thành Vinh: Nghệ An sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây màu, cây ăn quả hoặc trồng cây thức ăn chăn nuôi có hiệu quả cao hơn, chỉ sản xuất lúa gạo ở những diện tích đáp ứng các điều kiện cần thiết.
Đồng thời, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương và huy động nội lực địa phương, tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao, bao gồm hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và hệ thống các công trình điện nông thôn.
bna_hn_anh_phu_huong5935439_1452021.jpg
Mỗi năm, Nghệ An có sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn. Ảnh tư liệu: Phú Hương
Cùng với đó, tiếp tục có giải pháp tổ chức các hình thức liên kết đa dạng, bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất HTX, tổ hợp tác,… Xây dựng “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” theo hướng lúa chất lượng cao, tăng cường liên kết các tác nhân trong sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh sản xuất lúa theo quy trình SRI, tiêu chuẩn an toàn, thâm canh cao: Tăng tỷ lệ diện tích sản xuất lúa theo quy trình SRI, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn. Nâng cao chất lượng giống lúa, quản lý chặt chẽ các tổ hợp tác sản xuất - cung ứng giống lúa chất lượng cao. Đầu tư cơ giới hóa, công nghệ, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiếp tục cải thiện nhiều hơn bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp trong chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng lúa gạo hiện nay và trong tương lai.
Tăng cường hình thành chuỗi liên kết 4 nhà của ngành hàng. Về lâu dài, nông dân sẽ tham gia sản xuất theo “Cánh đồng lớn”, “Đại điền” theo hướng hữu cơ và nông dân được tổ chức vào các tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, song hành với nâng cao chất lượng lúa gạo, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hạt gạo để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển vị thế gạo Nghệ An trên thị trường.
Tuy nhiên, để ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh thực sự chuyên nghiệp, giá trị cao như mong muốn, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, các giải pháp của ngành Nông nghiệp và các địa phương, thì trước hết, chính người nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất từ sản xuất thông thường sang sản xuất hàng hóa; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
P.VXin cảm ơn ông!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây