Một trong những vùng trồng cam Vinh rộng lớn của Nghệ An đang vào độ thu hoạch hiện nay là huyện Quỳ Hợp. Chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới, gia đình chị Nguyễn Thị Lê Na, xã Minh Hợp, ngoài việc trông nom, tính toán để xuất bán lứa quả chín đầu tiên cho các đơn hàng, những người làm vườn trong gia đình chị vẫn không quên chăm sóc cho cây cam sinh thái. Năm nay là mùa cam thứ 3, trái cam Vinh đã nằm trong chỉ dẫn địa lý, được cấp tem truy xuất nguồn gốc về quá trình trồng, chăm sóc, thu hái. Theo chị Nguyễn Thị Lê Na- hộ trồng cam xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An thì: “ Sau khi quả cam của chúng tôi được cấp tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đã được đưa vào các siêu thị không chỉ trong tỉnh mà còn có mặt tại các siêu thị lớn ở TP HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Giá cả, uy tín sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều.”
Nghệ An được ghi nhận là một trong những vùng có đa dạng sinh học cao, nguồn tài nguyên sinh vật phong phú. Từ xưa đã nổi tiếng với rất nhiều đặc sản từ cây trồng, nay trở thành thương hiệu nức tiếng gần xa. Nổi bật như: Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, Gừng Kỳ Sơn; các nhãn hiệu tập thể Dứa Quỳnh Lưu, Susu Quỳnh Liên, Bơ Nghĩa Đàn, Chè Gay Anh Sơn, Cam Con Cuông, Bưởi hồng Quang Tiến... Cùng rất nhiều đặc sản cây trồng khác như: Ổi Nghĩa Đàn, Chè Tuyết San, Mận Tam Hoa Kỳ Sơn, chanh leo, Gạo Japonica Quế Phong, gạo đen Yên Thành. Nghệ An còn được biết đến với hàng loạt cây trồng dược liệu có lợi cho sức khỏe như: sâm puxailaileng, trà hoa vàng, cà gai leo, chè vằng, nhân trần, giảo cổ lam, dây thìa canh, đảng sâm, mu từn, mướp đắng rừng, hoa hòe được trồng thành hàng hóa.
Riêng với cam Vinh, từ những đặc điểm riêng về thổ nhưỡng, thời tiết đã tạo nên hương vị ngon ngọt đặc trưng, khác biệt so với các vùng, miền trong cả nước. Đó là các giống cam: Xã Đoài, V2, Vân Du, Sông Con.
Hiện toàn tỉnh có trên 6.000 ha cam, trong đó diện tích kinh doanh hơn 3.000 ha. Có nhiều vườn cam, trang trại quy mô lên đến hàng chục hecta, cho thu hoạch hàng trăm, hàng ngàn tấn quả mỗi năm.
UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án "Phát triển cây cam xứ Nghệ với thương hiệu cam Vinh thành sản phẩm hàng hóa lớn", quy mô 8.000 ha, sản lượng 160.000 tấn vào năm 2020 và 10.000 ha, sản lượng 200.000 tấn vào năm 2025. Cam Vinh được công nhận Chỉ dẫn địa lý năm 2010, đến tháng 10/2019 vừa qua, tiếp tục được mở rộng chỉ dẫn địa lý đến 60 xã thuộc 9 huyện, thị. Cây cam được đầu tư theo hướng sạch, an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng.
Bên cạnh cây trồng, đặc sản vật nuôi cũng đã được xác lập bảo hộ về sở hữu trí tuệ. Nhiều sản phẩm trở thành thương hiệu như: Dê Tân Kỳ, Mật ong Yên Thành, Mật ong Tây Hiếu, Gà Thanh Chương, Gà vườn rừng Yên Thành, Vịt bầu Quỳ Châu, Gà Phủ Diễn.
Một trong những sản phẩm chăn nuôi phát triển mạnh hiện nay là gà Thanh Chương. Chỉ tính HTX nuôi gà Thanh Chương, hiện đã liên kết 52 thành viên tham gia nuôi hàng chục nghìn con. Đặc điểm giống gà cỏ vùng đất này dễ thấy, đó là: trọng lượng vừa phải- từ 1,2kg đến 1,6kg/con; chân nhỏ, màu vàng. Gà được chăn nuôi theo hình thức thả vườn và an toàn sinh học. Quy trình chế biến, đóng gói rút chân không, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ dừng lại ở cung cấp nông sản thô ra thị trường, tỉnh Nghệ An còn chú trọng phát triển các mặt hàng chế biến, tăng giá trị nông sản. Đó là các nhóm sản phẩm chế biến từ cây trồng (sắn dây Nam Đàn, trám, nhút Thanh Chương, mật mía Làng Găng, tinh bột nghệ Hoàng Mai,. Thái Hòa, mì rau, hương vị Mạc khẻn…); đến các sản phẩm chế biến từ vật nuôi, khai thác (nước mắm Vạn Phần, Quỳnh Dị, cá thu nướng Cửa Lò; mực khô Quỳnh Lưu, tôm nõn Diễn Châu); cùng nhiều sản phẩm chế biến dược liệu có giá trị như: Trà hoa vàng,Cà gai leo, dây thìa canh, rượu mu từn, tảo xoắn…
Hiện nay, để tạo ra tảo xoắn Spilumina, chiết xuất Chlorine E6 là chất phát hiện và kìm hãm tế bào ung thư, Công ty Khoa học xanh Hidumi Pharma đã đầu tư, áp dụng công nghệ sinh học, hợp tác quốc tế cùng các chuyên gia CHLB Đức. Tảo được chế biến dưới dạng viên nang, viên nén, bánh cốm, siro; có nhiều công năng bảo vệ, tăng cường sức khỏe cho con người.
Bên cạnh sản phẩm đặc sản nuôi trồng và chế biến, Nghệ An còn có nhiều sản phẩm thủ công đặc sắc. Điển hình là các sản phẩm mây tre đan của các làng nghề với nhiều kiểu dáng, mỗi năm xuất khẩu đạt giá trị hàng triệu USD; dệt thổ cẩm Hoa Tiến với sự đa dạng mẫu mã từ trang phục quần áo đến túi xách, khăn thêu; hương trầm Quỳ Châu; hương trầm làng Quỳnh…Đây đều là những nhãn hiệu sản phẩm thủ công có tiếng từ nhiều năm nay, không chỉ ở Nghệ An.
Các sản phẩm truyền thống và đặc sản mà tỉnh Nghệ An chú trọng phát triển đang tạo ra sự lựa chọn phong phú đối với người tiêu dùng.
Để xây dựng, phát triển các sản phẩm truyền thống và đặc sản, từ năm 2015 đến nay, Sở KH và CN Nghệ An đã tham mưu cho tỉnh đồng hành, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân làm nghề thông qua Chương trình phát triển 100 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương tại Nghệ An. Sở đã hướng dẫn các huyện, thành, thị đăng kí đề xuất các sản phẩm. Đến nay đã xác định có 159 sản phẩm có thể phát triển thành hàng hóa. Trong số này, có 84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Chương trình cũng đã xây dựng nhãn hiệu cho hơn 40 sản phẩm.
Đến nay Nghệ An có 23 nhãn hiệu tập thể; 2 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý, hơn 40 sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương được tác động theo chuỗi liên kết tạo ra nguồn hàng hóa có quy mô, chất lượng, đưa lại lợi nhuận lớn; được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước. Điển hình: gà Thanh Chương doanh thu trên 7,5 tỷ đồng/năm, tăng lợi nhuận 15-20%; hương trầm Quỳ Châu doanh thu gần 30 tỷ đồng, tăng lợi nhuận 20-25%; sản phẩm trám đen Thanh Chương doanh thu đạt 2,0 tỷ đồng, lợi nhuận 25-30%; sản phẩm trà hoa vàng Quế Phong doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 30%. ( vẽ biểu đồ minh họa)
Tác động của chương trình phát triển sản phẩm truyền thống và đặc sản của Nghệ An đã tạo nên dấu ấn cho nhiều sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, làng nghề, địa phương tham gia trưng bày, triển lãm…, tại các hội chợ công thương, chợ ẩm thực. Đặc biệt vào tháng 8 năm 2018, thông qua Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc và Miền trung Tây Nguyên được tổ chức tại Nghệ An, và hội nghị kết nối cung cầu diễn ra tại TP HCM, sản phẩm đặc sản, truyền thống xứ Nghệ, đã đến tay người tiêu dùng rộng rãi hơn! Ông Nguyễn Viết Hùng- Phó Giám đốc Sở KH và CN Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới, Sở KHCN Nghệ An sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các vấn đề khoa học công nghệ, kết nối cung cầu, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến phát triển sản phẩm truyền thống và đặc sản nhiều hơn, quy mô hơn; đảm bảo giữ vững tài sản trí tuệ, thương hiệu được đánh giá, chọn lựa”
Về phía các doanh nghiệp, HTX, làng nghề sản xuất, chế biến đặc sản của Nghệ An, cần tích cực phát triển, xây dựng thương hiệu, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Qua đó, từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước, tạo dựng uy tín về chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Và đây cũng là mục tiêu vươn tới để nhà sản xuất, hộ làm nghề tăng cao giá trị thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An; làm nên nét đặc trưng về văn hóa, vùng đất, con người xứ Nghệ./.