Sản phẩm OCOP Nghệ An nhiều nhưng chưa tinh

Thứ tư - 24/07/2024 22:32 226 0
Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước với 567 sản phẩm được chứng nhận OCOP, dù khoác lên chiếc áo mỹ miều nhưng chưa thể quẳng gánh lo đi.
Sản phẩm OCOP Nghệ An nhiều nhưng chưa tinh
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam có những chỉ đạo sâu sát tại Hội thảo lần này. Ảnh: Ngọc Linh.
Nghệ An đã tổ chức Hội thảo “Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo.
Nghệ An vốn dĩ đất rộng, người đông, điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Tận dụng lợi thế trời ban, địa phương này đã xây dựng thành công nhiều vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công tác chế biến và xuất khẩu, điển hình như vùng cao su, mía tại các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Anh Sơn; vùng trồng chè tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương; vùng cây ăn quả có múi tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn…
Đây cũng được xem là tiền đề, nền móng để lan tỏa mạnh mẽ “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”, sau 6 năm triển khai quả ngọt đã hình thành với 567 sản phẩm đứng chứng thực OCOP (529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5), con số này giúp Nghệ An vươn lên đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Hà Nội.
Nghệ An có số sản phẩm OCOP nhiều thứ 2 cả nước. Ảnh: Ngọc Linh.
Nghệ An có số sản phẩm OCOP nhiều thứ 2 cả nước. Ảnh: Ngọc Linh.
Điểm tích cực là Nghệ An đang “nuôi dưỡng” các sản phẩm đặc trưng dưới dạng hình thành chuỗi liên kết, đan xen “đánh thức” vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý (cam Vinh, gừng Kỳ Sơn, gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu…). Nhờ đó, hàng năm doanh thu của các sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên tăng khoảng 8%.
Để củng cố và phát triển thương hiệu nhất thiết phải đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền. Những năm qua Nghệ An rất chú trọng đến nội dung này, bằng chứng có 94 gần sản phẩm OCOP đã hiện diện trên hệ thống của các chuỗi cung ứng hàng đầu như BigC, MM Mega Market, Lotte, Bách hóa Xanh, Aeon, Maxi Mart,…
Đáng nói, một số sản phẩm OCOP chế biến từ nông sản đã tìm được thị trường xuất khẩu ổn định, đơn cử như mặt hàng chè búp được ưu chuộng tại các nước Tây Á; hay như nước mắm đang tiêu thụ tốt tại thị trường Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra còn có một số sản phẩm đã xuất khẩu đến thị trường khó tính như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ở chiều ngược lại, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Nghệ An đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Số lượng sản phẩm “khoác áo” OCOP tuy nhiều nhưng thiếu chiều sâu, cơ bản chưa tạo được sức cạnh tranh cần thiết.
Sản phẩm của HTX Đức Phong được đánh giá cao cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Ảnh: Ngọc Linh.
Sản phẩm của HTX Đức Phong được đánh giá cao cả về mẫu mã lẫn chất lượng. Ảnh: Ngọc Linh.
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, đánh giá sản phẩm OCOP của Nghệ An “nhiều nhưng chưa tinh”. Hầu hết chủ thể sản xuất ở tầm quy mô nhỏ, đây là rào cản lớn trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa.
Thứ nữa, số lượng hợp tác xã tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên ngành “thưa thớt” như sao hôm… Từ đây có thể thấy việc phát liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP là thách thức không nhỏ với địa phương này trong thời gian tới.
Các chuyên gia khẳng định Nghệ An cần tạo bước đột phá cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Ngọc Linh. 
Các chuyên gia khẳng định Nghệ An cần tạo bước đột phá cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Ngọc Linh. 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Nghệ An đã đạt được một số điểm nhấn trong quá trình thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thể hiện qua số lượng OCOP đứng tốp đầu cả nước.
Điều kiện địa hình của Nghệ An phân thành 4 vùng riêng biệt, địa phương đã tận dụng được lợi thế này để xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng của từng vùng miền. Đan xen với kết quả là những mặt hạn chế. Khía cạnh nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, Bộ sẽ có trách nhiệm báo cáo, tham mưu. Vấn đề nào thuộc về địa phương, tỉnh, huyện phải chủ động nắm bắt để có hướng tháo gỡ.

“Sản phẩm OCOP là gì? có giá trị ra sao? chúng ta phải hiểu rõ bản chất để triển khai đúng trọng tâm, đúng hướng. Chương trình là đòn bẩy phát triển kinh tế nông thôn, là trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Muốn phát triển bền vững nhất thiết phải tạo ra chuỗi liên kết giá trị theo hướng “tự nguyện”, các chủ thể cần chủ động tham gia chứ không nên đặt nặng vào việc thụ hưởng chính sách”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam định hướng.

Tác giả bài viết: NPV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây