Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi thương phẩm cá Chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm

Thứ hai - 17/01/2022 07:17 554 0
Cá Chẽm, là một loài cá có giá trị kinh tế cao và đã trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn cho các cơ sở nuôi thủy sản cả quy mô nhỏ và quy mô lớn. Để khẳng định hiệu quả cũng như giá trị kinh tế của loài cá này, Năm 2021 Trung tâm Khuyến nông Nghệ An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại Phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai với quy mô 01 ha gồm 2 hộ tham gia.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An kiểm tra mô hình nuôi cá Chẽm tại hộ Ông Hồ Đình Lộc, Phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An kiểm tra mô hình nuôi cá Chẽm tại hộ Ông Hồ Đình Lộc, Phường Mai Hùng, Thị xã Hoàng Mai
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn và được hỗ trợ kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình triển khai. Sau 8 tháng nuôi trọng lượng cá đạt 850g/con, tỷ lệ sống ước đạt 70%, năng suất đạt trên 10 tấn/ha, với giá bán tại thời điểm hiện tại là 110.000 đồng/kg. Tổng mô hình thu được 892.000.000 đ/ha/vụ; sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 192.000.000 đ/ha/vụ.
Do có sự đầu tư tích cực về thức ăn và chọn lựa con giống tốt, đảm bảo chất lượng, được kiểm tra mầm bệnh trước khi đưa vào nuôi, các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật nên trong quá trình nuôi cá sinh trưởng nhanh không xảy ra dịch bệnh. Để cho cá phát triển tốt, định kỳ 10 - 15 ngày thay khoảng 40 - 50% nước trong ao nuôi, khi cá lớn, lượng thức ăn tăng dần thì thay nước nhiều hơn, đồng thời kết hợp dùng chế phẩm sinh học đánh vào ao nuôi 1 tuần/1 lần để đáy ao luôn sạch. Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá bằng cách đo chiều dài và cân trọng lượng. Hàng ngày, người nuôi phải kiểm tra các chỉ số môi trường ao nuôi như nhiệt độ, PH, lượng ôxy hoà tan trong ao nuôi… và kiểm tra 15 ngày/lần đối với các chỉ tiêu H2S, NO2, NH3, nồng độ ôxy sinh học, nồng độ ôxy hoá học… Khi các chỉ tiêu này vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể xử lý bằng cách thay 15 - 30% nước trong ao nuôi. Lượng cho ăn trong 2 tháng đầu từ 5 – 7% trọng lượng thân, từ tháng thứ 3 trở đi cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân. Khi cho ăn cố định chỗ cho ăn và giờ cho ăn, hàm lượng đạm và cỡ thức ăn thay đổi theo từng giai đoạn. Đinh kỳ hàng tháng kiểm tra trọng lượng cá và điều chỉnh lượng thức ăn cho các lần kế tiếp. Định kỳ 1 tháng/2 lần bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tăng sức đề kháng cho cá.

Thành công từ mô hình nuôi thương phẩm cá Chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi thuỷ sản mặn lợ, giúp người nuôi hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng bệnh cá; việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản; tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm... cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thuỷ sản bền vững, các hộ nuôi được ứng dụng kết quả của dự án đã tiếp cận với phương thức nuôi mới, phù hợp với xu hướng, thấy được hiệu quả khi tham gia mô hình nuôi Chẽm trong ao/hồ theo hướng thâm canh nâng cao năng suất. Bước đầu mở rộng đến những tổ hợp tác, tổ cộng đồng, để mở rộng quy mô sản xuất, tạo vùng sản xuất tập trung có thương hiệu, kí kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để chủ động đầu ra góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người lao động trên một đơn vị diện tích.
Từ hiệu quả kinh tế đem lại, kết hợp những tác động tích cực về môi trường, xã hội cho thấy mô hình đã mở ra một hướng đi rất mới. Mô hình thành công sẽ nhân rộng ra các vùng nuôi cá biển thương phẩm tập trung giúp nông ngư dân làm chủ được quy trình nuôi, nâng cao về sản lượng và chất lượng sản phẩm, sản phẩm đạt an toàn vệ sinh. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi. Đồng thời hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã tìm kiếm được các doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết thu mua sản phẩm cho các hộ nuôi. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia xây dựng mô hình. Thành công của mô hình sẽ giúp nhân rộng diện tích nuôi cá biển tại địa phương, hướng tới việc xây dựng các tổ hợp tác sản xuất, các vùng nuôi cá biển tập trung theo quy mô lớn trên địa bàn Tỉnh Nghệ An. Vì vậy, người dân có thể mở rộng diện tích nuôi cá Chẽm mà không phải lo về thị trường đầu ra cho sản phẩm.

                             

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay7,372
  • Tháng hiện tại26,922
  • Tổng lượt truy cập15,611,506
Tin nóng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây