NỮ VƯƠNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ
Danh hiệu này dành cho hai chị em sinh đôi Trưng Trắc, Trưng Nhị (16-43). Mùa Xuân năm 40, hai bà Trưng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi Thái thú Tô Định, lật nhào ách đô hộ của nhà Đông Hán và xưng vương, nắm quyền được 3 năm.
NỮ HOÀNG ĐẾ DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ
Lý Chiêu Hoàng (1218-1278), tên húy là Phật Kim hay Chiêu Thánh, trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam khi tháng 11/1224, bà được vua cha (Lý Huệ Tông) truyền ngôi. Bà lên cầm quyền với niên hiệu Thiên Chương Hữu Đạo, đến tháng 1/1226 thì nhường lại ngôi cho chồng (Trần Cảnh), lập ra nhà Trần.
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN
DÂNG KẾ SÁCH DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC
Trước cảnh vương triều và xã hội suy biến, Tả cung Quý phi Nguyễn Bích Châu (?-1377), hiệu Phù Dung là người phụ nữ đầu tiên đã viết nhiều bài biểu và tự thảo “kê minh thập sách” (10 kế sách như tiếng gà báo sáng) dâng lên vua Trần Duệ Tông trong các năm 1373-1376 để cố vấn, giúp việc dựng nước, trị nước và giữ nước.
NGƯỜI LÀM CÔ GIÁO CỦA NHIỀU VUA NHẤT
Rất thông tuệ và giỏi văn thơ, bà Nguyễn Nhược Thị Bích (1830-1909), quê Ninh Thuận, được tiến cử vào cung, trở thành cô giáo của 3 vị vua nhà Nguyễn: Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh (dạy Kiến Phúc, Đồng Khánh khi còn là hoàng tử và dạy Hàm Nghi cả khi đã lên ngôi). Bà được phong nhiều tước vị cao quý (Tài nhân, Mỹ nhân, Quý nhân, Tiệp dư, rồi Lễ tần) và là tác giả công trình Hạnh thục ca nổi tiếng gồm 1.036 câu thơ lục bát chữ Nôm về những sự kiện ở triều đình Huế từ khi người Pháp vào Việt Nam.
NGƯỜI PHỤ NỮ DUY NHẤT
THAM GIA BAN SOẠN THẢO HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN
Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được soạn thảo và thông qua vào năm 1946. Khởi đầu tiến trình này, ngày 2/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, các đại biểu đã nhất trí bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người, trong đó có 10 người nam và 1 người nữ [duy nhất] là bà Nguyễn Thị Thục Viên (1903-1984).
NHỮNG PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN LÀM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Trong Quốc hội khóa I, có khá đầy đủ thành phần xã hội tham gia, nhưng phụ nữ chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 2,5%. Có tất cả 10 phụ nữ đầu tiên trở thành đại biểu Quốc hội qua cuộc bầu cử ngày 6/1/1946 là các bà: Bùi Thị Diệm, Ngô Thị Huệ, Vũ Thị Khôi, Cao Thị Khương, Trịnh Thị Miếng, Trương Thị Mỹ, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Thục Viên và Lê Thị Xuyến.
NGƯỜI PHỤ NỮ LÀM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NHIỀU KHÓA NHẤT
Đó là bà Nguyễn Thị Thập (1908-1996), tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, quê Tiền Giang. Năm 1946, bà đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I. Tiếp theo, bà liên tục đắc cử đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, trở thành đại biểu Quốc hội của cả 6 khóa với tổng thời gian 35 năm (1946-1981).
NỮ CHIẾN SĨ CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN
Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt Nam. Chị sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng. Năm 1929, thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng ở Việt Nam, Trung Quốc… Năm 1935, vào học trường Đại học Phương Đông tại Liên Xô, cùng với Lê Hồng Phong là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Năm 1936, về nước hoạt động, bị giặc Pháp bắt năm 1940 và tử hình ngày 28/8/1941.
NỮ BÍ THƯ THÀNH ỦY TRẺ NHẤT
Nguyễn Thị Minh Khai còn là bí thư thành ủy trẻ nhất. Cuối năm 1936, chị trở thành Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ khi mới 26 tuổi và được bầu làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng phụ cận ngày nay).
CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
Cương vị này thuộc về bà Lê Thị Xuyến (1909-1996), quê Quảng Nam. Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra mắt quốc dân tại Hà Nội, bà được bầu làm Hội trưởng lâm thời. Cuối tháng 4/1950, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đầu tiên, nhiệm kỳ 1950-1956.
NGƯỜI LÀM CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP
PHỤ NỮ VIỆT NAM LÂU NHẤT
Không chỉ là đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất, bà Nguyễn Thị Thập còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lâu nhất. Bà lần đầu được bầu vào vị trí này năm 1956, tái đắc cử liên tiếp nhiều nhiệm kỳ và giữ chức đến năm 1974, tổng cộng 18 năm.
NỮ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ĐẦU TIÊN
Đó là bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh năm 1927 tại Sa Đéc (nay thuộc Đồng Tháp), quê gốc Quảng Nam, cháu ngoại của chí sĩ ái quốc Phan Châu Trinh. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời (năm 1968), bà đảm nhận cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và giữ chức suốt thời gian Chính phủ này tồn tại (1968-1976).
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN THỜI HIỆN ĐẠI
GIỮ CHỨC VỤ QUAN TRỌNG NHẤT
Đồng chí Nguyễn Thị Định (1920-1992), quê Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, là người khởi xướng và lãnh đạo xuất sắc phong trào đồng khởi 1959-1960. Bà trải giữ nhiều vị trí chủ chốt trong quân đội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và năm 1987 trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
NỮ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TRẺ NHẤT
Chị Võ Thị Sáu (1933-1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5/1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ trung thành. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và hành quyết. Năm 1993, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trân trọng truy tặng chị Huân chương Chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
NỮ ANH HÙNG ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI HIỆN ĐẠI
Nguyễn Thị Chiên (1930-2016) trong kháng chiến chống Pháp đã xây dựng và chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Kiến Xương - Thái Bình) quê nhà. Hoạt động hiệu quả, táo bạo, dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”, bà được tặng nhiều huân, huy chương chiến công và năm 1952 được phong tặng là nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam hiện đại.
NỮ SĨ QUAN TÌNH BÁO GIỎI NHẤT
Danh hiệu trên dành cho Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân (1916-1995), tên thật là Đinh Thị Mậu (Vân là tên chồng), quê Nam Định, người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong thời chống Mỹ. Năm 1954, được Bộ Quốc phòng đặc phái vào miền Nam hoạt động. Thông minh, linh lợi, kiên trung, xây dựng được mạng lưới tình báo vững chắc, đã cung cấp cho Trung ương Đảng nhiều tin tức kịp thời về những cuộc càn quét của Mỹ - ngụy vào đầu não kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho các kế hoạch tấn công của quân đội ta từ Tết Mậu Thân 1968 đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng năm 1975.
NỮ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI HIỆN ĐẠI
Không chỉ là phụ nữ đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất, bà Nguyễn Thị Định còn là nữ tướng đầu tiên của quân đội hiện đại. Từ năm 1970, bà là Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam và năm 1974 được phong hàm cấp Thiếu tướng.
NGƯỜI PHỤ NỮ VÁC ĐẠN NẶNG NHẤT TRONG CHIẾN TRANH
Là một nữ dân quân can đảm, mưu trí, ngày 4/4/1965, chị Ngô Thị Tuyển (sinh năm 1946) đã vác hai hòm đạn nặng tới 98kg - hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể (khoảng 42kg), vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) quê nhà chống sự oanh kích của máy bay Mỹ.
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ NHIỀU NGƯỜI THÂN LÀ LIỆT SĨ NHẤT
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) sống tại xóm Rừng ở xã Điện Thắng Trung (Điện Bàn - Quảng Nam) là một phụ nữ có nhiều người thân hy sinh vì nước nhất. Từ năm 1948 đến 1975, trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chồng, 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại (nữ) của bà đã trở thành liệt sĩ (tiếc nhất là con trai cả - anh Lê Tự Chuyển, một chiến sĩ biệt động - lại hy sinh đúng vào sáng 30/4/1975, ngay trước giờ phút chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ và Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!).
CẶP MẸ CHỒNG VÀ CON DÂU
CÓ NHIỀU NGƯỜI THÂN LÀ LIỆT SĨ NHẤT
Mẹ chồng Huỳnh Thị Khiết và con dâu Lê Thị Phát sống ở xã Hòa Thắng (Bắc Bình - Bình Thuận) là cặp mẹ chồng con dâu có nhiều người thân hy sinh vì nước nhất. Mẹ có 4 người con là liệt sĩ, còn con dâu mẹ có chồng và 4 người con là liệt sĩ.
NỮ TIẾN SĨ ĐẦU TIÊN VÀ TRẺ NHẤT
Vinh dự này thuộc về bà Nguyễn Thị Duệ (1574-?), còn mang tên khác là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, quê Hải Dương. Là người thông minh, hiếu học, nhưng luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, nên bà phải giả trai để đi thi. Khi 20 tuổi, đời vua Mạc Kính Cung, bà lấy tên là Nguyễn Du, dự khoa thi Hội năm Giáp Ngọ 1594, đỗ thủ khoa tiến sĩ. Thấy vị tiến sĩ trẻ xuất sắc này có hình dáng khác lạ, xinh đẹp kiểu con gái, vua Mạc liền xét hỏi và sự thật được làm rõ. Bà không bị khép tội mà còn được khen ngợi. Bà vào cung dạy các phi tần và sau được vua lấy làm vợ, ban tên là Tinh Phi (Sao Sa), hiệu Diệu Huyền, biệt danh “Bà chúa Sao”.
NỮ TIẾN SĨ, GIÁO SƯ TOÁN HỌC ĐẦU TIÊN
Bà Hoàng Xuân Sính, sinh năm 1933, quê Hà Tĩnh, giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nữ tiến sĩ, giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1975, tại trường Đại học Paris VII (Pháp), bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học; sau đó về nước công tác và được phong học hàm giáo sư.
NỮ GIÁO SƯ NGÔN NGỮ HỌC ĐẦU TIÊN
Đó là bà Hoàng Thị Châu, sinh năm 1934 tại Phú Yên, lớn lên ở Thừa Thiên-Huế, công tác tại khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Lomonosov (Liên Xô) năm 1962, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học Humboldt (Đức) năm 1980; về nước nghiên cứu, giảng dạy, được phong học hàm phó giáo sư năm 1984 và giáo sư ngôn ngữ học năm 1991.
NỮ TIẾN SĨ, PHÓ GIÁO SƯ TOÁN HỌC TRẺ NHẤT
Danh hiệu kép trên thuộc về nhà toán học Phan Thị Hà Dương (con gái giáo sư toán học nổi tiếng Phan Đình Diệu). Tháng 1/1999, khi chưa đầy 26 tuổi, chị đã bảo vệ thành công đặc biệt luận án tiến sĩ toán-tin học của mình tại trường Đại học Paris VII (Pháp) - được hội đồng chấm luận án của trường xếp loại rất xuất sắc (très honorable). Liền ngay năm đó, chị tham dự và đỗ đầu trong hơn 100 thí sinh thi tuyển vào cương vị phó giáo sư của Đại học này.
NỮ GIÁO SƯ TRẺ NHẤT
Kỷ lục này hiện dành cho cô Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1974, quê Hà Nội, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Là một sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sau khi ra trường cô được giữ lại làm giảng viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rồi được cử đi làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Miyazaki (Nhật Bản) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2007. Cô từng nhận nhiều giải thưởng khoa học danh giá và được phong học hàm giáo sư nông nghiệp (ngành Thú y) năm 2018 khi đang ở tuổi 44.
NỮ SĨ TÀI HOA, ĐỘC ĐÁO
VÀ SÁNG TÁC NHIỀU THƠ CHỮ NÔM NHẤT
Nhà thơ nữ tài hoa, độc đáo và sáng tác nhiều thơ chữ Nôm nhất là Hồ Xuân Hương (1772-1822), quê Nghệ An. Là tác giả của hơn 50 bài thơ Nôm vừa trữ tình vừa sắc sảo, mới lạ, lại đa nghĩa và mang tính hài hước, châm biếm sâu cay, bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.
NỮ THUYỀN TRƯỞNG ĐẦU TIÊN
Chị Nguyễn Thị Hồng, quê Tiền Giang, vốn theo nghề sư phạm (tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 1979). Năm 1982, được cô ruột (bà Đặng Thị Tám) thuyết phục đi tàu thủy, chị đi thử, say mê rồi chuyển nghề luôn. Gần 20 năm đi biển với rất nhiều khó khăn nhưng chị chưa bao giờ chùn bước. Nghị lực của chị càng được khẳng định rõ qua việc dũng cảm đối đầu với Cơn bão số 5 năm 1997 (Cơn bão Linda): trong đêm tối, gió cấp 12-13, sóng lên cao 9-10 m, chị vẫn vững vàng điều khiển con tàu khỏi bị sóng đánh nát vào ghềnh đá, đồng thời cùng các thủy thủ gấp gáp tìm kiếm những người bị nạn trên biển và suốt 5 giờ vật lộn cùng sóng gió đã cứu sống được 36 người. Chị được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ngày 13/10/1998, chị được Bộ Thủy sản cấp bằng Thuyền trưởng biển hạng 5. Ngày 24/1/1999, chị được kết nạp vào Câu lạc bộ Thuyền trưởng và trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam.
NGƯỜI PHỤ NỮ THỰC HIỆN NHIỀU CA MỔ TIM NHẤT
Đó là nữ bác sĩ Phan Kim Phương. Tháng 8/2000, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động với thành tích thực hiện 3.987 ca trong 10.000 ca phẫu thuật tim của cả Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tỷ lệ thực hiện khoảng 40% số ca phẫu thuật tim của Viện vẫn được chị duy trì thường xuyên.
NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐẾN NAM CỰC
Nữ phóng viên Hoàng Thị Minh Hồng, sinh năm 1973, quê Hà Nội, là đại diện duy nhất của Việt Nam trong đoàn gồm 35 bạn trẻ (tuổi 16-24) đến từ 25 nước trên thế giới tham gia chuyến đi thám hiểm mang tên “Thách thức Nam Cực 1997”. Chị trở thành người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực và cắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lên vùng băng giá này vào tháng 11/1997.
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN THẮNG KIỆN
TRONG VIỆC BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU Ở NƯỚC NGOÀI
Danh hiệu trên thuộc về bà Phạm Thị Tỏ, tên thường gọi là Hai Tỏ, sinh năm 1940, quê Bến Tre, Giám đốc Công ty Kẹo dừa Bến Tre. Đầu năm 1998, bà tình cờ phát hiện một cơ sở ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) làm giả thương hiệu kẹo dừa của mình, nên bí mật sang tận nơi tìm hiểu cách thức làm giả rồi tiến hành thủ tục khởi kiện cơ sở ấy. Tiến trình kiện tụng diễn ra từ tháng 8/1998 đến tháng 5/1999 với kết cục chính quyền đảo Hải Nam phải chính thức công nhận bà thắng kiện và nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre của công ty bà được đăng ký độc quyền tại đây.
NỮ TỔNG BIÊN TẬP ĐẦU TIÊN
Kỷ lục này dành cho nữ sĩ Nguyễn Ngọc Khuê (1864-1922), bút danh là Sương Nguyệt Anh, quê Bến Tre, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918 bà lên Sài Gòn làm Tổng Biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.
NỮ TỔNG BIÊN TẬP BÁO TRẺ NHẤT
Đó là bà Vũ Kim Hạnh, sinh năm 1951. Bà nhậm chức Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ khi mới 32 tuổi và giữ cương vị này suốt 9 năm (1983-1992).
NHÀ BÁO NỮ CÓ ẢNH TRẺ EM ĐĂNG BÁO NHIỀU NHẤT
Danh hiệu trên dành cho nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Thị Phước, sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, chị đã có hơn 20.000 bức ảnh các loại chụp tổng cộng hàng vạn em bé, được đăng trên gần 300 tờ báo, tạp chí ở trung ương và địa phương. Đặc biệt, chị còn từng cùng nhà điêu khắc, họa sĩ Nguyễn Phép tạo dựng nên 10 bức tranh ghép ảnh hoành tráng nhất có tổng diện tích hơn 300m2 (gấp 5 lần diện tích căn nhà của chị) mà trong tranh sử dụng hơn 20.000 ảnh chân dung trẻ em lớn nhỏ khác nhau.
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN MỞ MỤC
GIẢI ĐÁP TÂM LÝ TRÊN BÁO CHÍ
Người tiên phong trong lĩnh vực này là nữ văn sĩ Tùng Long (1915-2006), tên thật Lê Thị Bạch Vân, quê Đà Nẵng. Bà lập nghiệp bằng nghề viết văn tại Sài Gòn và khá thành công ở thể loại tiểu thuyết tâm lý xã hội. Sau năm 1954, bà chuyên trách mục “Gỡ rối tơ lòng” cho báo Sài Gòn mới, “Tâm tình cởi mở” cho báo Tiếng vang, tạo nên tiền lệ giải đáp thắc mắc về tâm lý, tình cảm của phụ nữ trên báo chí Việt Nam.
NỮ ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH ĐẦU TIÊN
Danh hiệu này thuộc về nữ đạo diễn Bạch Diệp (1929-2013), tên thật Nguyễn Thị Thanh Tâm, quê Hà Nội. Năm 1959, là nữ sinh duy nhất theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Tốt nghiệp năm 1963, về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu tháng 10/1992. Trong sự nghiệp đạo diễn, đã làm 15 phim nhựa và ngay từ bộ phim đầu tay Trần Quốc Toản ra quân, bà đã nhận được Giải thưởng Bông sen Bạc trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II.
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN LÀM NGHỀ NHIẾP ẢNH
Người phụ nữ tiên phong trong nghề nhiếp ảnh là bà Nguyễn Thị Phụng (1915-2009), tên thường gọi Phụng Ký, quê Quảng Nam. Mới 10 tuổi, bà đã theo cha học nghề vẽ và chụp ảnh. Năm 13 tuổi, bà về làm nghề tại Nhà ảnh Lê Văn Tư ở Đà Nẵng. Năm 1940, bà mở Tiệm ảnh Phụng Ký ở đường Đồng Khánh, Đà Nẵng. Thời ấy, tiệm ảnh của bà rất đông khách do bà có kỹ thuật làm ảnh rất tinh tế, hiện đại - không chỉ chụp hình mà bà còn ghép hình nghệ thuật, sử dụng nghệ thuật vẽ trực tiếp vào phim các hình ảnh như mây, gió, trăng, hoa… rồi mới phóng in ảnh, vì thế, thoạt nhìn, bức ảnh trông như một bức tranh.
NGƯỜI PHỤ NỮ THỂ HIỆN NHIỀU ĐIỆU CƯỜI
TRÊN SÂN KHẤU NHẤT
Kỳ tích trên là của nghệ sĩ Đàm Liên, tên thật Đàm Thị Liên, sinh năm 1945. Từ 13 tuổi đã tham gia diễn tuồng, đến nay trải qua hơn 50 vai diễn với hàng vạn lần ra sân khấu ở cả trong và ngoài nước, rất được khán giả ngưỡng mộ. Đặc biệt, bà là người thể hiện thành công tới 36 điệu cười trên sân khấu - công trình đầy sáng tạo này được Bộ Văn hóa khen thưởng và [Viện] Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lưu giữ. Bà được Nhà nước phong là Nghệ sĩ nhân dân (năm 1993) và tặng nhiều huân huy chương, danh hiệu cao quý. Bà cũng được công chúng coi là “Nữ hoàng của nghệ thuật tuồng Việt Nam”.
NỮ NGHỆ SĨ CÓ HỌC VỊ NGHỆ THUẬT CAO NHẤT
Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết, tên thật Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh năm 1945, quê An Giang, đang là nữ nghệ sĩ duy nhất đỗ tiến sĩ nghệ thuật học. Bà vốn có năng khiếu ngâm thơ, ca hát, sớm bước vào con đường nghệ thuật và thành công vang dội trong cả vai trò diễn viên, người dẫn chương trình lẫn soạn giả cải lương. Năm 1990, tốt nghiệp cử nhân ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, bà làm tiếp nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Điện ảnh và Sân khấu Sofia (Bulgaria) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh quốc. Năm 1998, bà đạt học vị tiến sĩ nghệ thuật học khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu cổ truyền của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ XXI”.
NGƯỜI PHỤ NỮ TRẺ NHẤT
ĐƯỢC PHONG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN
Kỷ lục này dành cho nghệ sĩ Lê Khanh, tên thật Trần Mai Khanh, sinh năm 1963, quê Hà Nội. Tham gia biểu diễn nghệ thuật từ lúc 7 tuổi, chị chính thức là diễn viên chuyên nghiệp từ năm 15 tuổi, tham gia đóng nhiều phim và đoạt những giải thưởng xuất sắc. Năm 2001, khi mới 38 tuổi, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐƯỢC PHONG TẶNG
DANH HIỆU VIỆN SĨ THÔNG TẤN CỦA VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC, VĂN CHƯƠNG VÀ NGHỆ THUẬT CHÂU ÂU
Đó là nữ bác sĩ, tiến sĩ nha khoa, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002), tên thật Phùng Thị Cúc, quê Thừa Thiên-Huế. Xuất thân từ nghề y, bà đến với nghệ thuật điêu khắc khá muộn (từ năm 1959) nhưng nhanh chóng thành công bởi những tác phẩm điêu khắc đa dạng, ấn tượng, sống động và quyết liệt. Bà để lại sự nghiệp điêu khắc nổi tiếng với tổng cộng 36 tượng đài và hơn 300 tác phẩm khác, thực hiện trên đủ loại chất liệu: ximăng, đất nung, đồng, nhôm, vàng, bạc, đá, ngọc, gỗ, vải, giấy… và cả mảnh xác máy bay B52! Năm 1993, bà được Viện Hàn lâm Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật châu Âu phong là viện sĩ thông tấn của Viện này.
NỮ VÕ SƯ CAO TUỔI NHẤT
Danh hiệu trên thuộc về nữ võ sư Phạm Cô Gia (1900-2005), quê Sài Gòn. Thông minh và say mê võ thuật, bà học võ từ lúc 9 tuổi, chỉ trong 5 năm đã thuần thục những môn kinh khí và quyền thuật của dòng họ Phạm. Từ 18 tuổi, bắt đầu đứng lớp dạy võ tại Võ đường Phạm Tăng Đại. Trong kháng chiến, từng tham gia các đội biệt động. Hòa bình lập lại, bà tiếp tục dạy võ ở nhiều nơi, được Ủy ban Thể dục Thể thao trao Huy chương “Vì sự nghiệp Thể dục thể thao” và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tặng Huy chương Danh dự. Năm 2001, khi đã qua 100 tuổi, bà vẫn miệt mài luyện tập và đào tạo võ sinh.
CÔ GÁI BẮN CUNG BẰNG CHÂN GIỎI NHẤT
Cung nỏ là vũ khí cổ truyền và thường chỉ bắn bằng tay. Nhưng em Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1985, quê Thành phố Hồ Chí Minh lại có thể bắn cung bằng chân. Năm 12 tuổi, em trúng tuyển vào Trường Xiếc Việt Nam, đến với môn nghệ thuật bắn cung bằng nhiều phương thức và ở nhiều tư thế. Ngày 12/8/1999, em đã lập kỷ lục thế giới về người bắn cung bằng chân giỏi nhất: bắn chính giữa mục tiêu cách xa 5m.
NỮ KỲ THỦ CỜ TƯỚNG
ĐẠT NHIỀU THÀNH TÍCH NHẤT
Kỷ lục này dành cho vận động viên cờ tướng Lê Thị Hương, sinh năm 1961. Năm 1992, lần đầu tiên giải cờ tướng quốc gia được tổ chức, chị tham gia và giành chức vô địch. Tại Giải Cờ tướng Vô địch châu Á tổ chức ở Trung Quốc năm 1994, chị là nữ vận động viên duy nhất đạt đặc cấp Quốc tế Đại sư. Tính đến nay, chị đã giành hàng chục chức vô địch cờ tướng quốc gia và quốc tế. Chị cũng là nhà nữ vô địch cờ tướng nhiều tuổi nhất (lúc đoạt ngôi vô địch quốc gia lần thứ 7 năm 2000, chị đã 39 tuổi).
NỮ CẦU THỦ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC
NHẬN DANH HIỆU QUẢ BÓNG VÀNG VIỆT NAM
Vinh dự trên thuộc về thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng của Đội bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Chị được bình chọn và trao tặng Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2002 - giải thưởng hàng năm dành cho cầu thủ xuất sắc nhất.
NỮ CUARƠ ĐOẠT HUY CHƯƠNG VÀNG THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN
Đó là cuarơ Nguyễn Thị Tường Vân, thuộc Đội Sunimex, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/1997, chị khoác áo Đội tuyển Việt Nam tham dự Giải Vô địch Đua xe đạp nghiệp dư thế giới (ở Bảng B) tổ chức tại Ipoh (Malaysia) và đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng cá nhân đường trường 60 km.
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ NỤ CƯỜI NỔI TIẾNG NHẤT
Danh hiệu trên dành cho chị Võ Thị Thắng (1945-2014), quê Long An. Chị tham gia cách mạng từ năm 1961 - khi đang theo học tại trường Nữ sinh Gia Long ở Sài Gòn. Ngày 27/7/1968, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa ra xét xử và kết án 20 năm tù khổ sai, lúc được hỏi ý kiến lần cuối trước tòa án, chị phát biểu: “Tôi sợ chính quyền các ông không đủ thời gian tồn tại để thi hành bản án của tôi”. Nói xong, chị cười rất tươi và ngạo nghễ. “Nụ cười chiến thắng” của chị trước kẻ thù trở thành biểu tượng đẹp và bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
NGƯỜI PHỤ NỮ CÓ NHIỀU CON NUÔI NHẤT
Kỷ lục này thuộc về chị Huỳnh Tiểu Hương, còn có tên là Huỳnh Thị Mận, sinh năm 1968, quê An Giang. Chịu nhiều bất hạnh tuổi thơ, đồng cảm với những cảnh ngộ không may, chị dồn hết tình cảm cho những đứa trẻ mồ côi, tàn tật và không người chăm sóc, dạy dỗ. Ngày 7/12/2001, chị thành lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương tại Thành phố Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng ban đầu khoảng 30 em nhỏ. Hiện nay, chị đã là bà mẹ nuôi tận tâm của hàng trăm đứa con.
NGƯỜI PHỤ NỮ SỐNG THỌ NHẤT
Đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết (người có 7 con trai và 1 cháu nội đích tôn hy sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ), cư ngụ tại ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Cụ sinh năm 1892 và qua đời lúc 4 giờ 30 phút ngày 18/6/2011, hưởng thọ 119 tuổi.
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN
ĐƯỢC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG SAO VÀNG
Không những là đại biểu Quốc hội nhiều khóa nhất và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lâu nhất, bà Nguyễn Thị Thập còn là người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Bà đón nhận vinh dự này vào năm 1985.
HỘI PHỤ NỮ RỘNG LỚN NHẤT
Danh hiệu này thuộc về Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ nước ta, được thành lập ngày 20/10/1930. Phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nếu tán thành Điều lệ Hội, tham gia các hoạt động của Hội thì đều được công nhận là hội viên. Hội phân thành 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn (còn gọi là cấp cơ sở) và đại hội phụ nữ các cấp tổ chức 5 năm một lần.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TOÀN QUỐC LẦN ĐẦU TIÊN
Đó là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc diễn ra trong các ngày 18-29/4/1950 tại Chiến khu Việt Bắc. Tham dự Đại hội có 345 đại biểu, với 168 đại biểu chính thức đại diện cho 5 triệu hội viên và 10 triệu phụ nữ Việt Nam (trong đó có cả phụ nữ Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Tân Đảo).
DANH HIỆU CAO QUÝ NHẤT DÀNH CHO CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM
Để ghi nhớ công ơn của các bà mẹ, ngày 29/8/1994, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Danh hiệu cao quý nhất này do nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong và truy tặng những người phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Mỗi bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ được cấp 1 bằng khen kèm theo theo 1 huy chương, trợ cấp tiền một lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Việc tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ.
ĐỘI NỮ DU KÍCH ĐÔNG NHẤT
Kỷ lục trên dành cho Đội du kích Hoàng Ngân, thành lập và hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai (1945-1954). Năm 1950, Tỉnh ủy Hưng Yên ra Nghị quyết xây dựng đội nữ du kích mang tên chị Phạm Thị Vân (tức Hoàng Ngân). Tính đến tháng 7/1952, lực lượng của đội nữ du kích này đã phát triển lên tới 7.300 đội viên.
ĐỘI NỮ ĐẶC CÔNG THỦY DUY NHẤT
Đặc công thủy là lực lượng bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ, hoạt động thủy chiến và thường chỉ là nam giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam từng có một đại đội đặc công thủy mà thành viên toàn là nữ: Đội nữ đặc công thủy Bến Tre, ra đời năm 1960, độc lập tác chiến hoặc phối hợp với các tổ nam đặc công, làm nên nhiều chiến tích vang dội dọc miền duyên hải Đông Nam Bộ thời chống Mỹ.
ĐỘI NỮ DÂN QUÂN ĐẦU TIÊN
ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
Vinh dự này thuộc về Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình). Thành lập ngày 21/11/1967 với 37 nữ dân quân (sau đó tăng lên 93 người) tuổi đời mới 16-22, Đại đội kiên cường đánh trả những trận oanh kích của giặc, bắn cháy hàng trăm máy bay và 3 tàu khu trục Mỹ. Năm 1970, Đại đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
CÂU LẠC BỘ THƠ NỮ ĐẦU TIÊN
Đó là Câu lạc bộ Nhà thơ nữ Thành phố đặt trụ sở tại Nhà văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Được thành lập ngày 8/3/1993 với 9 hội viên, đến nay đã kết nạp tổng cộng hàng ngàn hội viên, đây là nơi tụ họp, giao lưu, sinh hoạt của những nhà thơ nữ thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
CÂU LẠC BỘ NHIẾP ẢNH NỮ ĐẦU TIÊN
Kỷ lục này thuộc về Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hải Âu, được thành lập năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, với cả 8 hội viên đều là nữ, do nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ làm Chủ nhiệm. Tính đến năm 2002, Hải Âu đã có 15 hội viên, trong đó 8 chị được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế (AFIAP) và 4 chị được phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc quốc tế (EFIAP). Các hội viên Hải Âu cũng đã giành được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh lớn ở trong nước và trên thế giới.
ĐỘI BÓNG ĐÁ NỮ ĐẦU TIÊN
So với bóng đá nam, bóng đá nữ Việt Nam ra đời muộn hơn một phần tư thế kỷ. Đầu tiên là Đội bóng đá nữ Cái Vồn, được thành lập năm 1933 tại Cần Thơ bởi ông Phan Khắc Sửu - một kỹ sư nông học mới tu nghiệp ở Pháp về. Đội bóng thu hút gần 30 chị em phụ nữ tham gia, phần nhiều cư ngụ tại làng Mỹ Thuận và các làng khác trong tổng An Trường (nay là huyện Bình Minh - Vĩnh Long). Đội bóng đã giao lưu, thi đấu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giành được nhiều giải thưởng, bằng khen cho cá nhân và toàn đội. Đội cũng từng lên Sài Gòn thi đấu giao hữu tại sân Mayer với một... đội bóng nam hạng hai (Đội Paul Bert), kết quả hòa 2 - 2!
GIẢI VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ NỮ
ĐƯỢC TỔ CHỨC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Giải vô địch bóng đá nữ toàn quốc là giải bóng đá hàng năm do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức cho các đội bóng đá nữ ở Việt Nam. Giải được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
ĐỘI TUYỂN ĐẦU TIÊN ĐOẠT CHỨC
VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ NỮ TOÀN QUỐC
Đội bóng đá nữ Hà Nội đón nhận vinh dự này - đoạt Huy chương Vàng sau khi đá bại Đội bóng đá nữ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998. Đội Hà Nội còn giữ được kỷ lục vô địch trong liên tiếp 3 năm sau (1999-2000-2001).
CUỘC THI HOA HẬU ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Vào đầu năm 1863, Sài Gòn mới có chừng 60 người Pháp mà trong đó 1/4 là nữ. Khi ấy, một số sĩ quan hải quân Pháp nảy ra ý tưởng tổ chức tại đây một cuộc thi hoa hậu. Thế là tháng 12/1864, cuộc thi hoa hậu lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Cuộc thi quy tụ nhiều thí sinh, nhưng phần lớn lại là các cô gái Pháp và người ngoại quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Các thí sinh phải có tuổi đời 18-20, chưa kết hôn và xuất thân từ gia đình công chức, làm việc cho Chính quyền Bảo hộ Pháp. Cuộc thi chính gồm 3 phần liên quan mật thiết đến trang phục: váy đầm, áo dài và đồ tắm. Về sau, do công chúng dị ứng với việc thí sinh biểu diễn đồ tắm nên Ban Tổ chức phải bỏ phần thi này... Một thương nhân người Hoa đã chớp lấy cơ hội để đưa 20 cô gái Trung Quốc đang sống ở Singapore giả làm Hoa kiều Sài Gòn tham gia cuộc thi. Kết quả là trong số đó đã có một cô đoạt vương miện Hoa hậu, còn danh hiệu Á hậu thì thuộc về cô gái con của một phú thương cũng người Hoa nhưng sống ở Chợ Lớn.
CUỘC THI HOA HẬU DO NGƯỜI VIỆT TỔ CHỨC
ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM
Sau cuộc thi hoa hậu do người Pháp tổ chức chưa đầy một năm, vào năm 1865, một số công chức Việt Nam cũng đứng ra tổ chức cuộc thi có tên gọi “Miss Sài Gòn” dành cho các cô gái Việt Nam. Cuộc thi được thông báo rộng rãi khắp Sài Gòn và các vùng lân cận. Gần 100 thiếu nữ đã ghi danh tham gia. Ban Tổ chức tuyên bố mọi thí sinh chỉ thi các phần với trang phục áo dài truyền thống, không thi với trang phục khác... Người đoạt vương miện Hoa hậu là cô Ba, con gái thầy Thông chánh tỉnh Trà Vinh. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng thấy.
CUỘC THI HOA HẬU ĐẦU TIÊN
SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, báo Tiền phong đã tổ chức cuộc thi hoa hậu toàn quốc lần đầu tiên vào năm 1988. Đông đảo thí sinh khắp cả nước tham dự và từ cuộc thi này, công chúng Việt Nam bắt đầu làm quen với trang phục dự thi áo tắm... Chung kết cuộc thi chỉ diễn ra trong một buổi chiều tại Nhà văn hoá Thanh niên (Hà Nội). Cô sinh viên ngoại ngữ Bùi Bích Phương, sinh năm 1971, cao 1,58 m, số đo các vòng 87-58-88, quê Hà Nội, đã đoạt vương miện Hoa hậu.
CUỘC THI HOA HẬU QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Đó là cuộc thi hoa hậu quốc tế diễn ra năm 1957 tại Sài Gòn. Tuy mang danh nghĩa là cuộc thi tầm cỡ quốc tế nhưng thực chất chỉ có thí sinh các nước Campuchia, Lào, Ấn Độ, Hồng Kông tham dự cùng 48 thiếu nữ Việt Nam. Thời bấy trang phục áo tắm chưa được công chúng chấp nhận nên trong cuộc thi chỉ có trang phục áo dài truyền thống. Kết quả, danh hiệu Hoa hậu Việt Nam thuộc về cô Vũ Thị Thu Minh, còn danh hiệu Hoa hậu Quốc tế thuộc về cô Nari của Campuchia.
VĂN BẢN PHÁP LÝ ĐẦU TIÊN
ĐƯA QUYỀN PHỤ NỮ NGANG BẰNG VỚI NAM GIỚI
Kỷ lục trên dành cho Hiến pháp 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam. Văn bản pháp lý tối cao này được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946, gồm có “Lời nói đầu” và 7 chương với tổng cộng 70 điều, trong đó ngay tại Điều 1 đã quy định rõ: “... Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
TỜ BÁO DÀNH CHO NỮ GIỚI ĐẦU TIÊN
Đó là tờ Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) xuất bản thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn trong nửa đầu năm 1918, chuyên về phụ nữ. Báo do một người Pháp là Henri Blaquière làm Chủ nhiệm, bà Sương Nguyệt Anh người Việt làm Tổng Biên tập. Mỗi tờ gồm 18 trang (trong đó 8 trang dành cho phần quảng cáo) và có giá là 40 xu. Báo ra số đầu ngày 1/2 và đình bản ngày 19/7/1918.
TỜ BÁO PHỤ NỮ QUY MÔ NHẤT
Danh hiệu này thuộc về báo Phụ nữ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thành lập ngày 8/3/1948 và hiện nay vẫn liên tục phát triển, vững mạnh với tòa soạn đặt tại 47 Hàng Chuối (Hà Nội). Là diễn đàn thông tin cơ bản và rộng rãi của phụ nữ, báo luôn được hàng chục triệu độc giả đón đọc và lượng phát hành mỗi số báo thường không dưới 100.000 bản.
NHÀ XUẤT BẢN DUY NHẤT DÀNH CHO NỮ GIỚI
Kỷ lục trên là của Nhà xuất bản Phụ nữ, hiện đặt tại nhà số 39 phố Hàng Chuối (Hà Nội). Mỗi năm, tại đây xuất bản hàng trăm nghìn bản ấn phẩm về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng chủ yếu dành cho nữ giới.
TRƯỜNG HỌC DÀNH RIÊNG CHO NỮ GIỚI ĐẦU TIÊN
Đó là trường Nữ sinh Gia Long. Ra đời tại Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc, trường mang tên Collège des Jeunes Filles Indigènes, còn gọi là Nữ học đường Gia Long, thành lập theo Quyết định ngày 6/11/1913 và khánh thành ngày 19/10/1915. Ban đầu, có 42 nữ sinh phải mặc đồng phục áo dài màu tím nên còn được gọi là trường Áo tím. Trường liên tục được nâng cấp về trình độ, quy mô đào tạo và cơ sở vật chất. Từ năm 1917-1922, có thêm khu nội trú cho nữ sinh ở trên lầu, bệnh xá, lớp nữ công gia chánh, phòng giặt và nhà bếp. Đến năm học 1950-1951, lần đầu tiên trường đặt dưới quyền quản lý của một nữ hiệu trưởng người Việt, đồng thời chương trình giáo dục Pháp được thay thế bằng chương trình giáo dục Việt Nam. Sau năm 1975, đổi tên trường thành Nguyễn Thị Minh Khai và bắt đầu nhận học sinh nam vào học. Đây cũng là trường phổ thông trung học rộng nhất Thành phố Hồ Chí Minh, nằm bên đường Điện Biên Phủ, Quận 3, với tổng diện tích 23.836m2.
BỆNH VIỆN PHỤ SẢN QUY MÔ NHẤT
Kỷ lục này thuộc về Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nằm bên đường Cống Quỳnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1932, ông Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa, thường gọi là “chú Hỏa”) - một Hoa kiều giàu có bậc nhất Sài Gòn - đã ủng hộ tài chính và hiến 19.123m2 đất để xây bệnh viện phụ sản. Chính quyền Pháp đặt tên là Maternité Indochinoise (Bảo sanh viện Đông Dương); có 130 giường bệnh, do một nữ hộ sinh Đông Dương quản lý. Năm 1937, bệnh viện mới được xây xong. Trải qua nhiều thăng trầm, từ năm 1978 chính thức mang tên Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Hiện nay, bệnh viện có trên 800 giường bệnh, hơn 1.000 bác sỹ, y tá, cán bộ, nhân viên; trở thành một chuyên khoa đầu ngành về sản phụ khoa - sơ sinh - kế hoạch hóa gia đình, đào tạo, huấn luyện và chỉ đạo tuyến cho 32 tỉnh thành phía Nam. Bệnh viện còn đi tiên phong trong hàng loạt kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại. Ngày 30/4/1998, 3 em bé đầu tiên của Việt Nam ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của Bệnh viện (đến nay, đã có hơn 5.000 em bé được sinh ra như vậy tại đây và Bệnh viện Từ Dũ trở thành trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm lớn nhất châu Á). Bệnh viện cũng có sự phát triển vượt bậc ở kỹ thuật nội soi trong phụ khoa, chăm sóc sơ sinh, chẩn đoán di truyền và chẩn đoán tiền sản. Những kỳ tích của Bệnh viện được Nhà nước ghi nhận, khen thưởng xứng đáng và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1985 và 2003.
VIỆN BẢO TÀNG PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN
Kỷ lục trên dành cho [Viện] Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, đặt tại nhà số 202 đường Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Được thành lập ngày 29/4/1985 với tiền thân là Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ, hiện nay nơi đây đang quản lý và trưng bày trên 16.000 hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến phụ nữ miền Nam. Có một hội trường 800 chỗ ngồi, một phòng chiếu phim, một thư viện (gần 10.000 đầu sách) và một kho lưu giữ hàng chục ngàn hiện vật, tranh ảnh quý hiếm. Khu trưng bày gồm ba tầng, có diện tích 3.162m2, với 8 phòng trưng bày rộng thoáng sắp xếp theo các chuyên đề.
VIỆN BẢO TÀNG PHỤ NỮ QUY MÔ NHẤT
Đó là [Viện] Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đặt tại nhà số 36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, trưng bày hơn 25.000 tài liệu, hiện vật tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam qua các thời đại và ở hầu hết mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký Quyết định thành lập ngày 10/1/1987, [Viện] Bảo tàng này được khởi công xây dựng vào tháng 7/1991 và khánh thành ngày 20/10/1995, gồm 2 khối nhà lớn liên kết cùng nhau: khối hoạt động theo chức năng bảo tàng (gồm có hệ thống kho lưu giữ, bảo quản hiện vật, phim ảnh và hệ thống trưng bày cố định, triển lãm nhất thời với tổng diện tích 2.000m2) và khối hoạt động theo chức năng trung tâm văn hóa (gồm hệ thống các hội trường, lớp học, câu lạc bộ tổ chức giao lưu, nâng cao kiến thức, năng lực... cho phụ nữ, với tổng diện tích gần 2.500m2). Đây không chỉ là nơi nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, trưng bày những di sản quý giá của phụ nữ Việt Nam mà còn là trung tâm hoạt động, giao lưu văn hóa của phụ nữ nước ta và phụ nữ quốc tế vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ, hòa bình và phát triển.