4 giai đoạn diễn biến bệnh đậu mùa khỉ: Triệu chứng từ nhẹ đến nặng

Thứ năm - 28/07/2022 05:50 365 0
Theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần sớm ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để ngăn chặn từ những ca bệnh đầu tiên, tránh nguy cơ lây lan thành dịch.
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã nghiệm thu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ ở người” tổ chức cuộc họp với đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ để thảo luận các nội dung, sớm trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn này.
Hiện nay, trên thế giới ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 74 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Hiện, những quốc gia xung quanh Việt Nam như: Campuchia, Singapore, Thái Lan… cũng đã ghi nhận bệnh nhân.
TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam là rất cao. Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng cần ban hành ngay hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch.
Các chuyên gia xác định có 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, ở giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 6-13 ngày (dao động từ 5-21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Ở giai đoạn khởi phát (từ 1-5 ngày), các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo đó là người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Ở giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Còn ở giai đoạn hồi phục, các triệu chứng có thể kéo dài từ 2-4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất chia thể lâm sàng của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thành 3 thể: Không triệu chứng, nhẹ và nặng. Trong đó, với thể nhẹ, các triệu chứng thường hết sau 2-4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Còn ở thể nặng, bệnh thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (như: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…) có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ hai của bệnh. Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn da với biểu hiện có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Thậm chí, bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi, viêm não hay nhiễm khuẩn huyết.
Các chuyên gia cho rằng, dựa trên triệu chứng sốt, phát ban và hạch to, bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với những bệnh như: đậu mùa, thủy đậu, Herpes lan tỏa hay tay - chân - miệng.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây