Hàng trăm trẻ nhập viện mỗi ngày
Trong những ngày tháng 6 này, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, có rất đông phụ huynh đưa con, em mình đến khám, điều trị các loại bệnh. Dẫu bệnh viện đã cố gắng bố trí khu vực chờ thoáng mát nhưng do thời tiết mùa Hè, lượng người tập trung quá lớn nên không gian ở đây cũng nóng nực, bức bối. Bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, người nhà thêm phần vất vả, mệt mỏi hơn…
Trong số rất đông người đến bệnh viện khám có chị Nguyễn Thị M (32 tuổi, ở thành phố Vinh) và con trai là Trần Văn T (4 tuổi). Sau khám, chị M cho hay: “Cháu bình thường vẫn đi gửi trẻ. Tối về thì thấy cháu sốt, sau đó nổi ban, loét miệng, chán ăn và quấy khóc. Tiếp đó thì lòng bàn tay, chân có nổi ban bọng nước…Tôi đưa cháu đến viện khám thì được bác sĩ cho biết bị tay chân miệng và phải nhập viện điều trị. Nhiều khả năng cháu bị lây ở nhà trẻ”.
Thông tin từ Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Thời điểm này, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 600 - 700 bệnh nhân. Số bệnh nhân nhập viện chiếm 1/4 số bệnh nhân thăm khám. Có nhiều trẻ khi đến khám trong tình trạng bệnh rất nặng… Bác sĩ chuyên khoa 1 Vương Thị Minh Nguyệt - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Các bệnh thường gặp trong thời gian này là tay chân miệng, thủy đậu, các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, bệnh lý về da, bệnh về đường tiêu hóa. Nguyên nhân bệnh nhân tăng là do thời tiết mùa này tạo điều kiện cho vi rút, vi sinh vật trung gian phát triển mạnh. Ở thời điểm này, nguy cơ trẻ bị các bệnh truyền nhiễm là rất cao.
Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, vào mùa Hè, số bệnh nhân thường dao động từ 80 đến 100 người. Lúc này, Khoa đang điều trị cho 80 bệnh nhân. Trong đó có trên 30 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, ngoài ra còn có trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, viêm màng não nhiễm khuẩn, viêm não Nhật Bản, ho gà, thủy đậu, tiêu chảy do vi rút Rota.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới nêu khuyến cáo: Vào mùa Hè, các gia đình cần đặc biệt chú ý vệ sinh phòng bệnh; thực hiện việc tiêm phòng cho trẻ. Ở nhà, trường học, cần đảm bảo môi trường thoáng mát, thường xuyên vệ sinh bằng các chất dung dịch chứa clo, xà phòng. Trong ăn uống, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn phù hợp; bổ sung nước, hoa quả cho trẻ. Phòng chống các bệnh do vi rút, phụ huynh hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người, đeo khẩu trang khi đến địa điểm đông người.
Phụ huynh cũng nên mặc cho trẻ những bộ quần áo thoáng, thấm hút mồ hôi để tránh gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ. Ngoài ra, mọi gia đình cũng cần biết cách sử dụng điều hòa đúng cách, tránh dùng điều hòa quá lạnh gây ra các bệnh về đường hô hấp ở trẻ. Sau khi sử dụng điều hòa cần mở cửa để không khí lưu thông đẩy vi rút, vi khuẩn tích tụ ra ngoài.
Nguy cơ lớn từ nhiều loại dịch bệnh
Mùa Hè này, bên cạnh dịch Covid-19 vẫn đang lây lan khiến nhiều người mắc, thì ở Nghệ An các dịch bệnh nguy hiểm theo mùa lại tái xuất hiện, có thể kể đến như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, viêm não Nhật Bản…Đây chính là mối nguy, đe doạ sức khoẻ và tính mạng người dân.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti…
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10… Tại Nghệ An, hằng năm vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết. Các ổ dịch cũ thường tập trung ở các địa phương như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh và Hưng Nguyên. Năm 2020, dịch sốt xuất huyết lần đầu tiên xuất hiện tại huyện miền núi Con Cuông.
Bước vào mùa dịch sốt xuất huyết năm nay, Nghệ An đã ghi nhận 9 ca mắc sốt xuất huyết tại 2 địa phương đó là xã Nghi Quang (huyện Nghi Lộc) và phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai).
Theo đó, tại xã Nghi Quang, ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 24/5/2022 và đến nay toàn xã đã phát hiện được 7 ca mắc. Tại phường Quỳnh Dị, 01 ca mắc sốt xuất huyết đã được phát hiện vào ngày 28/5/2022.
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết tái bùng phát, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An và Trung tâm Y tế các địa phương đã và đang tăng cường công tác giám sát sớm phát hiện nguy cơ dịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân thực hiện các giải pháp phòng bệnh như lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng/bọ gậy, nằm màn chống muỗi đốt, phun hoá chất xử lý môi trường. Qua kiểm tra thực tế, thực hiện điều tra dịch tễ, giám sát môi trường tại nhiều địa phương, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An phát hiện các chỉ số véc tơ tại nhiều địa phương vượt ngưỡng cảnh báo dịch và có nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết rất lớn.
Bên cạnh sốt xuất huyết, ở tỉnh cũng đã phát hiện 01 trường hợp dương tính Viêm não Nhật Bản tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương vào ngày 25/5/2022. Trước đó vào ngày 01/5/2022, 02 trẻ mắc bệnh bạch hầu tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn cũng được phát hiện…
Tiến sĩ Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An nêu rõ: Những dịch bệnh này tuy không mới song rất nguy hiểm và dự báo sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Phòng, chống dịch bệnh không thể chủ quan; cần có sự vào cuộc của tất cả địa phương và người dân. Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát, không để bệnh dịch lan rộng ra cộng đồng. Mọi người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng./.