Các cây thuốc mang tên Rắn

Thứ bảy - 22/02/2025 06:12 9 0
Hầu hết các bộ phận từ cơ thể rắn đều có tác dụng y dược tích cực, chế được thành thuốc bồi bổ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh ở người. Hơn nữa, do ảnh hưởng sâu rộng, đa dạng tới lĩnh vực ngôn ngữ nên hình tượng rắn (xà) còn thấy trong tên hiệu của những vị thuốc và nhiều loài thực vật, đặc biệt là các cây thuốc giá trị.

CÂY BẠCH HOA XÀ
Cây bạch hoa xà (tên khoa học: Plumbago zeylanica, họ Đuôi công) còn có các tên là bạch tuyết hoa, cây đuôi công. Đây là loài cây nhỏ, sống dai, cao 30-60 cm, có gốc dạng thân rễ và thân nhẵn. Lá mọc so le, có hình trứng với đầu nhọn, mép nguyên và mặt dưới hơi trắng nhạt. Hoa màu trắng, đài hoa có lông dính và rất dài.
Cây mọc hoang ở nhiều nơi, lá và rễ được thu hái về để làm thuốc (dưới dạng tươi hoặc khô), chữa trị mụn nhọt, ghẻ lở, đau khớp, viêm nhiễm. Lấy rễ, lá giã nhỏ, đắp sẽ hết sưng đau. Sắc rễ lấy nước đặc, bôi trị bệnh ngoài da. Dù vậy, bạch hoa xà có độc tính cao và có thể gây bỏng da, nên cần cẩn thận khi dùng (đặc biệt không dùng cho phụ nữ đang mang thai).
CÂY LƯỠI RẮN
Cây lưỡi rắn (tên khoa học: Hedyotis corymbosa, thuộc họ Cà phê) còn gọi là cỏ lưỡi rắn, cây nọc rắn, bòi vòi ngù, vỏ chu, cóc mẩn, bạch hoa xà thiệt thảo, cây xương cá, vương thái tô, nọc sởi. Cây thảo nhỏ, mọc thẳng, cao 15-30 cm, phân nhiều nhánh. Thân non hơi vuông, màu lục nâu, có 4 cánh, sau tròn lại. Lá nhỏ hình dài hoặc hình trụ xoan dài, mọc đối, không cuống hoặc cuống rất ngắn. Rễ hình trụ, có củ.
Cây mọc hoang ở khắp nơi, thấy nhiều tại miền Bắc và miền Trung, có tác dụng y dược nổi bật với khả năng thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh viêm nhiễm. Sau khi thu hái, cây được rửa sạch, thái khúc, phơi khô hoặc sao vàng để chế thuốc, đặc trị viêm gan, đau lưng và các triệu chứng tiêu hóa kém. Là dược liệu có tính mát, vị ngọt xen chút đắng, hàn nhẹ, cây lưỡi rắn có công dụng hoạt huyết tán ứ, giải độc, giảm đau, tiêu viêm, sắc thành thuốc uống chữa lở ngứa, ung nhọt, vàng da, u phổi, rắn cắn, sốt rét, viêm thận cấp, ho do viêm phổi, amidan cấp, viêm gan, sởi độc…
CÂY SỐNG RẮN
Cây sống rắn (tên khoa học: Albizia myriophylla, thuộc họ Dâu) có các tên khác là cây sóng rắn, sóng rắn nhiều lá, cam thảo cây. Cây bụi, cao 2-4 m, mọc dựa vào cây to và vươn cao. Thân cành màu nâu, khi chặt có nước chảy ra. Lá kép lông chim 2 lần. Hoa màu trắng mọc thành chùm ở đầu cành. Quả mỏng, chứa 4-9 hạt.
Cây có nhiều loài (như sống rắn dài, sống rắn sừng nhỏ…), thường mọc ven rừng và cũng được nhiều nơi trồng làm dược liệu. Cây sau khi thu hái được rửa sạch, chặt nhỏ, phơi sấy khô hoặc sao vàng, sắc làm thuốc uống. Cây sống rắn có vị ngọt như cam thảo, tính mát, không độc; tác dụng can nhiệt, thoái tâm hỏa, lương huyết, giải độc, trừ ung nhọt mề đay, tiêu cam sát trùng, giải khát trừ phiền, trẻ em nứt môi, sài đẹn. Rễ còn dùng để giải khát và nhuận tràng, gỗ và quả làm thuốc trị ho. Thường sử dụng dưới dạng sắc nước uống, liều lượng 8-20 g mỗi ngày.
CÂY THUỐC RẮN
Cây thuốc rắn (tên khoa học: Aglaonema tenuipes, thuộc họ Ráy) là loại cây nhỏ, cao 1-1,5 m, đường kính thân 1,5-3 cm. Lá dài 3,5-5 cm, phiến xoan thon dài hình lưỡi nhọn, cuống dài bằng già nửa phiến, màu xanh đậm. Hoa nở ở nách lá, màu vàng.
Cây thường mọc hoang tại các khu rừng đại thụ rậm. Gọi là cây thuốc rắn vì khi bị rắn độc cắn, người ta có thể cứu chữa bằng cách nhai lá cây, nuốt lấy nước, còn bã đắp lên vết cắn. Cả thân và lá cây tươi nấu uống chữa trị dịch tả. Cây thuốc rắn còn là thuốc đặc trị phù nề, thũng độc do bị viêm gan siêu vi hoặc chữa tả, lỵ; u, mụn nhọt, trĩ - bằng cách đốt cả thân, lá và quả cho cháy vàng, đem tán nhuyễn, hòa với mật ong vò vẽ, đắp lên vết loét, vết sưng.
CÂY TÙNG XÀ
Cây tùng xà (tên khoa học: Sabina chinensis, thuộc họ Hoàng đàn) mang các tên khác là bách xà, viên bách. Cây lớn, thân gỗ mọc thẳng, cao 20-25 m. Lá lúc còn non hình kim, khi trưởng thành dạng vảy lợp sít nhau.
Cây mọc nhiều ở trung du và miền núi, nhưng cũng được trồng ở một số khu vực đồng bằng miền xuôi. Cành, lá, vỏ, thân cây đều có thể dùng chế thuốc đặc trị bệnh hô hấp, cảm mạo, phong hàn, phong thấp, đau nhức khớp xương, mụn nhọt, mề đay, độc sơ khởi.
CÂY XÀ CÔ
Cây xà cô (tên khoa học: Balanophora sp, thuộc họ Dương đài) còn có các tên khác là cỏ ngọt núi, hoa gió đất, củ gió đất, nấm tỏa dương, sâm tỏa dương, cây không lá, là một loại cây thảo sống ký sinh trên rễ cây khác (thường là cây gỗ lớn trong các khu rừng ẩm nhiệt đới). Cây có thân nạc mềm, màu đỏ nâu, không có lá, và phát triển thành củ hoặc cụm hoa với chiều dài 10-15 cm.
Cây có nhiều ở vùng rừng núi nước ta với 3 loài chính (Balanophora laxiflora, Balanophora latisepala Balanophora fungosa). Thu hái về, dùng dưới dạng sắc uống riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác, hoặc dạng ngâm rượu, chúng có tác dụng tăng lực, kích thích ngon miệng, chữa trị rối loạn tiêu hóa, đau mỏi chân tay, được coi là một loại thuốc phục hồi, bồi bổ sức khỏe cho bệnh nhân sau khi bệnh nặng và phụ nữ sau khi sinh.
CÂY XÀ MẪU
Cây xà mẫu (tên khoa học: Duchesnea indica, thuộc họ Hoa hồng) còn mang các tên khác là xà bào thảo, dâu núi, dâu đất, dâu tây dại. Cây thảo, sống dai, có chồi dài và lông. Lá chét 3, phiến lá dài 1,5-4 cm và rộng 1-3 cm, có lông ở cả 2 mặt, mép lá có răng hoặc không. Quả xốp, màu đỏ, không mùi vị, chứa các hạt nhỏ đen bóng.
Cây mọc hoang nơi rợp mát, dọc bờ sông suối ở vùng rừng núi và trung du miền Bắc (từ Quảng Trị trở ra). Được thu hái về để dùng chế thuốc (dưới dạng tươi hoặc khô), xà mẫu mang vị ngọt, chua, tính hơi hàn; tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán kết. Dùng dưới dạng sắc uống hoặc bôi xoa, nó là thuốc chữa trị sưng amidan, bạch đới, viêm ruột, lỵ, bỏng lửa, bỏng nước, rắn độc cắn, mụn nhọt, ghẻ lở, mề đay, ngứa da.
CÂY XÀ SÀNG
Cây xà sàng (tên khoa học: Cnidium monnieri, thuộc họ Hoa tán) còn gọi bằng tên khác là giần sàng. Cây thảo, cao 25-65 cm, thân thẳng đứng hoặc xiên lên trên, phân nhiều nhánh, trên bề mặt có gân và xù xì. Lá kép lông chim 2 lần, cuống lá dài 3-8 cm, thùy lá rộng khoảng 1,5 mm. Hoa mọc thành chùm màu trắng hình sao năm cánh. Quả treo, hình bầu dục, kích thước nhỏ (dài 2-4 mm, rộng khoảng 2 mm).
Cây mọc hoang nhiều ven đường, trên đồng và vùng ngập nước ven sông. Quả xà sàng được thu hái về, phơi sấy khô để chế thuốc (gọi là “xà sàng tử”). Xà sàng tử có vị cay, tính ấm; tác dụng táo thấp sát trùng, khu phong tán hàn, ôn thận tráng dương. Dùng sắc nước uống trị liệt dương, tử cung lạnh, tiết dịch âm đạo ẩm lạnh, đau thắt lưng; sắc nước đặc bôi chữa nấm, chàm, ghẻ lở, hắc lào. Y dược hiện đại còn bào chế được từ xà sàng các loại thuốc giúp tăng cường trí nhớ; chống ngứa da, loãng xương, xơ vữa động mạch và ung thư.
CÂY XÀ THẢO
Cây xà thảo (tên khoa học: Ophipogon japonicus, thuộc họ Thiên môn đông) có các tên khác là xà thảo lá dài, cây mạch môn, mạch môn đông, tóc tiên, cây lan tiêu. Cây thân thảo, sống dai, cao 10-40 cm, với rễ chùm phát triển từ rễ gốc. Trên rễ có những chỗ phát triển thành “củ mầm”. Lá hẹp, dài như lá lúa mạch. Hoa nhỏ, mọc thành chùm, đa số có màu xanh nhạt và một số khác màu trắng nhạt. Quả mọng hình cầu, đường kính khoảng 6 mm, màu tím đen nhạt, chứa 1-2 hạt.
Cây có nguồn gốc Nhật Bản, du nhập vào Việt Nam đã lâu, được trồng làm cảnh và dược liệu. Khi xà thảo được 2-3 năm tuổi trở lên, người ta thu hái củ mầm (rễ củ) của chúng, rửa sạch, phơi sấy khô để làm thuốc. Xà thảo mang vị cam, hơi đắng, tính hàn; có tác dụng dưỡng vị sinh tân, nhuận phế thanh tâm. Dùng sắc nước uống, nó chữa trị phế nhiệt, ho khan, ho lao, tân dịch thương tổn, tâm phiền mất ngủ, tiêu khát, táo bón. Y dược hiện đại cũng bào chế được từ xà thảo các loại thuốc chữa những bệnh về da, máu, gan, thận và ung thư.
CÂY XƯƠNG RẮN
Cây xương rắn (tên khoa học: Euphorbia milii, thuộc họ Thầu dầu) có các tên khác là cây hồng kích, xương rồng tàu, xương rồng bát tiên. Cây bụi nhỏ, cao 75-100 cm, phân cành nhiều nhánh, có nhựa trắng. Thân bò ngang hoặc hơi đứng, màu xám, gai rất nhọn, dài thẳng và có gốc lớn. Lá hình ngọn giáo nhưng đầu tròn và thuôn dần ở gốc thành cuống không rõ. Hoa to tròn, mọc thành cụm, màu sắc khác nhau.
Cây mọc hoang và cũng được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh, làm hàng rào, làm thuốc. Thân, nhựa, lá, hoa đều có tác dụng chữa một số bệnh, đặc biệt là các bệnh về da. Hoa dùng chế thuốc đặc trị xuất huyết tử cung. Nhựa, lá và thân chữa mụn nhọt, viêm mủ da, vết bỏng, viêm gan, phù thũng, chướng bụng, thủy độc.
DÂY BẠCH XÀ
Dây bạch xà (tên khoa học: Polypodium subauriculatum, thuộc họ Dương xỉ) còn mang các tên khác là ráng đa túc tai nhỏ, ráng gân có tai. Cây có thân rễ bò rất dài, màu mốc trắng, phủ vảy nhỏ. Lá thưa với cuống vàng và phiến lá dài 20-60 cm, mép lá nguyên hoặc có răng.
Cây thường mọc trên núi đá ở nhiều nơi. Thân rễ rửa sạch, phơi sấy khô, đem sắc nước uống có tác dụng giải sốt hạ nhiệt, trở thành thuốc làm hạ nhiệt nhanh và chữa được các chứng ban trái.
DÂY HẮC XÀ
Dây hắc xà (tên khoa học: Davallia orientalis, thuộc họ Vảy lợp) còn có tên khác là vảy lợp hung. Cây có thân rễ dày, mọc bò, phủ nhiều vảy xếp lớp màu nâu đỏ hình tam giác hoặc ngọn giáo rộng. Lá kép lông chim 3-4 lần, có rãnh, cuống dài 15-40 cm.
Cây mọc hoang nơi đất đá rừng núi. Thân rễ thường được thu hái về, rửa sạch, dùng tươi hoặc sấy khô rồi đem sắc thành nước uống để giải độc, trị sốt, kinh giật. Ngoài ra, cũng có thể dùng phối hợp với bạch xà, hoàng xà để chữa trị khi bị rắn độc cắn.
DÂY HOÀNG XÀ
Dây hoàng xà (tên khoa học: Davallia denticulata, thuộc họ Vảy lợp) được gọi với các tên khác là huỳnh xà, cây vảy lợp, ráng đà hoa có răng. Thân rễ dày, mọc bò. Lá kép lông chim 4 lần, phiến lá dài 30-50 cm hình tam giác nhọn hoặc tam giác trái xoan, cuống lá dài đến 40 cm và màu nâu hồng.
Cây mọc hoang ký sinh trên thân cây khác hoặc trên đá, trong những khu rừng ẩm đồi núi ở các tỉnh thành Nam Bộ (từ Khánh Hòa trở vào). Thân rễ thu hái về, rửa sạch, dùng phố hợp với hắc xà, bạch xà để đặc trị ban trái ở trẻ em và chữa rắn độc cắn.
DÂY MƯỚP RẮN
Dây mướp rắn (tên khoa học: Trichosanthes cucumerina anguina, thuộc họ Bầu bí) còn gọi là mướp hổ, mướp tây, mướp Ấn Độ. Thân dây leo, ưa mọc bò trên các nhánh cây khác hoặc trên giàn, hàng rào. Quả rất dài, mọc uốn lượn như hình dáng con rắn.
Cây có nguồn gốc Ấn Độ, du nhập vào nước ta đã lâu và hiện được trồng ở nhiều nơi làm thực phẩm và dược liệu. Mướp rắn có vị ngọt nhạt, tính mát, giàu khoáng chất và sinh tố, là thực phẩm hữu ích cho những người bị nóng nhiệt, cầu táo, tiểu vàng, ho viêm họng. Quả mướp rắn mềm, ít xơ, dễ ăn, thích hợp với người cao tuổi và trẻ em, đồng thời ít năng lượng nên cũng hợp với người cần giảm cân. Nấu canh mướp rắn ăn thường xuyên sẽ chữa trị hiệu quả được ho viêm họng, táo bón và tiểu đường.
 

Tác giả bài viết: Lâm Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây