MÙA TẨY GIUN – TÌM HIỂU VỀ BỆNH GIUN TRUYỀN QUA ĐẤT
Nước ta có nhiều loại bệnh giun sán lưu hành với tỷ lệ cao, đặc biệt là các bệnh giun truyền qua đất (Soil-transmitted helminthiases) như giun đũa, giun tóc và giun móc. Gọi giun truyền qua đất vì chúng có một giaiđoạn sống ở ngoại cảnh, sau đó xâm nhập vào người để gây bệnh.
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm giun. Theo ước tính, tỷ lệ nhiễm giun của trẻ em Việt Nam chiếm khoảng 44%, trong đó chủ yếu nhiễm các loại giun đũa, giun kim, giun móc, giun tóc. Do các bé nhỏ rất hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, thường hay chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất. Tất cả những điều này đã tạo một cơ hội vô cùng thuận lợi cho những vị khách không mời đến ký sinh trên cơ thể của bé.
Khi đã vào được cơ thể trẻ, giun sẽ tranh giành những chất dinh dưỡng của trẻ, lâu dần làm cho trẻ xanh xao, chậm tăng trưởng thể chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Một số loại giun có thể gây ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Trong vài tình huống nguy hiểm hơn, giun có thể gây ra những biến chứng như giun chui ống mật, giun chui ống tụy, tắc ruột, viêm nhiễm tiết niệu – sinh dục. Vì vậy, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe các bé.
Trong thời tiết nóng ẩm giao mùa này, thuận lợi cho sự phát triển của các loại giun, chúng ta nên tẩy giun cho cả trẻ em và người lớn. Lưu ý cần phải tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Phụ nữ có thai và trẻ dưới 2 tuổi không được xổ giun. Để ngăn chặn việc tái nhiễm giun, nhà vệ sinh nên cọ rửa hàng ngày, quần áo, khăn, màn phải được thay và giặt hàng ngày.
Một số hiểu biết về giun truyền qua đất:
Đặc điểm giun truyền qua đất
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trên toàn cầu có khoảng 2 tỷ người ở trong diện có nguy cơ bị mắc bệnh giun truyền qua đất và có khoảng hơn 1 tỷ người thường xuyên bị nhiễm bệnh. Các loại giun truyền qua đất chủ yếu là giun đũa, giun tóc và giun móc. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 250 triệu người bị nhiễm giun đũa (Ascaris lumbricoides) với các dấu hiệu có liên quan đã làm cho 60 ngàn người bị tử vong mỗi năm. Đối với giun tóc (Trichuris trichiura), có khoảng 46 triệu người bị nhiễm với các dấu hiệu có liên quan đã gây tử vong cho 10 ngàn người mỗi năm. Đối với giun móc (Ancylostoma duodenale, Necator americanus), có khoảng 151 người bị nhiễm với các dấu hiệu có liên quan đã làm cho 65 ngàn người tử vong hàng năm.
Tình trạng nhiễm bệnh giun truyền qua đất có liên quan đến sự nghèo đói và điều kiện sống thấp kém, việc vệ sinh và khả năng cung cấp nước sinh hoạt không bảo đảm, khí hậu và độ sạch của đất bị ô nhiễm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường có nhiều hạn chế, sự hiểu biết về y tế của cộng đồng người dân còn thấp...
Vì bệnh giun truyền qua đất khá phổ biến nên các biểu hiện của bệnh thường được người dân biết đến như giun móc gây thiếu máu và là một trong các yếu tố chính gây thiếu máu thiếu sắt, nhiễm giun truyền qua đất gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm phát triển về thể lực và tinh thần, tăng nguy cơ bị nhiễm các bệnh khác. Đặc điểm các loại giun truyền qua đất thường tập trung cao ở một quần thể dân cư, trong đó có số đông người chỉ nhiễm ít giun; ngược lại có một tỷ lệ thấp hơn lại bị nhiễm rất nhiều giun. Qua một số điều tra tại thực địa ghi nhận có khoảng 70% số lượng giun ký sinh ở khoảng 15-35% số người dân trong cộng đồng. Thực tế cho thấy mặc dù nhóm người dân bị nhiễm giun nặng chỉ là thiểu số nhưng đối tượng này lại gánh chịu hầu hết các hậu quả của bệnh và đây cũng chính là nguồn lây nhiễm chính trong cộng đồng. Tác hại của bệnh giun truyền qua đất cũng đã được người dân hiểu rõ như bệnh làm giảm khả năng lao động và sự tập trung tư tưởng; trẻ em bị nhiễm bệnh sẽ giảm khả năng phát triển trí tuệ và có thời gian phải nghỉ học nhiều. Ngoài ra, tình trạng nhiễm giun cũng sẽ làm tăng tỷ lệ nhiễm các bệnh khác, tăng tỷ lệ tử vong ở những bà mẹ và thai nhi.
Cách phòng bệnh giun truyền qua đất
Công tác phòng chống các bệnh giun truyền qua đất (Geohelminth) ở các nước đang phát triển gặp rất nhiều khó khăn do vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thấp kém; người dân thiếu sự giáo dục về y tế, khả năng cung cấp hệ thống nước sạch không bảo đảm yêu cầu; nông dân ở một số nơi còn có phong tục tập quán sử dụng phân người trong canh tác, vẫn còn tình trạng phóng uế bừa bãi; sử dụng hố xí không hợp vệ sinh và không đúng quy cách nên làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi mầm bệnh trong đất.
Một số các yếu tố khác như mưa, gió, gia súc, gia cầm, các loại động vật chân đốt... cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát tán mầm bệnh giun truyền qua đất. Sự lan truyền mầm bệnh có khả năng xảy ra vào cả hai mùa mưa và mùa khô.
Ngoài ra, trứng giun trên mặt đất có thể bị mưa cuốn trôi đến những chỗ thấp hơn, tập trung ở những vũng nước trên mặt đất, lắng đọng trong một lớp bùn mịn giữa một lớp che phủ bảo vệ mỏng của chất keo đất sét và một lớp hạt thô hơn của mùn cát. Đồng thời khả năng phát tán của trứng giun ra môi trường bên ngoài rất lớn vì trứng giun cùng với bụi đất nhờ gió thổi vào mọi xó xỉnh, đồ vật ở trong nhà và nhiều chỗ trong môi trường sống đều có thể bị nhiễm trứng giun. Trứng giun cũng có khả năng tồn tại lâu ở trong đất và môi trường sống. Các nhà khoa học đã nghiên cứu qua 15 năm quan sát có chu kỳ ghi nhận trứng giun đũa chôn ở gần mặt đất tại một điểm nghiên cứu ở công viên, sau thời gian 9 năm một số trứng giun đã di chuyển tới độ sâu 20 cm và còn có khả năng sống đến 2%; ở độ sâu 10 cm trứng giun còn có khả năng sống từ 5,9% đến 7,6%. Sau 15 năm, một số trứng giun vẫn còn khả năng lây nhiễm bệnh cho động vật thực nghiệm. Trong các điều kiện thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm; trứng giun đũa có thể sống ở ngoại cảnh từ 5 đến 6 năm và chúng vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh. Một nghiên cứu khác tại Anh ghi nhận trứng giun tóc có thể phát hiện ở độ sâu 60 cm so với mặt đất nhưng nói chung các loại trứng giun truyền qua đất ở độ sâu hơn 20 cm đều ít có khả năng tồn tại, sống sót.
Một vấn đề khác cũng cần được ghi nhận là trứng giun có thể tồn tại lâu ở ngoại cảnh do tác động của con người làm tăng mức độ ô nhiễm mầm bệnh giun truyền qua đất ở ngoại cảnh như trứng giun có nhiều ở các loại thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả... Ở những loại thực phẩm muối như dưa muối, hành muối, cà muối... trứng giun vẫn có khả năng sống được và gây lây nhiễm bệnh.
Mục tiêu trước mắt của công tác phòng chống bệnh giun truyền qua đất tại nước ta là làm giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm giun trong cộng đồng. Biện pháp thực hiện có hiệu quả nhất là kết hợp hài hòa các biện pháp tổng hợp về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
Hướng dẫn học sinh rửa tay để phòng chống giun truyền qua đất (ảnh internet)
Biện pháp vệ sinh cá nhân được thực hiện bằng cách tăng cường giáo dục ý thức vệ sinh cá nhân cho tất cả mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục để đưa giáo dục vệ sinh vào giáo dục học đường phổ cập. Chú ý đến vấn đề giáo dục vệ sinh bàn tay, vệ sinh ăn uống, vệ sinh phóng uế... để mọi người dân trong cộng đồng tự nhận thức được vấn đề cần thiết phải rửa tay trước khi ăn, nâng cao ý thức vệ sinh, không ăn các loại thực phẩm tươi sống, chưa rửa kỹ, không được nấu chín và không bảo đảm vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, không nên cho trẻ mặc quần thủng đáy; giáo dục và hướng dẫn trẻ không được phóng uế bừa bãi chất thải phân ra vườn, sân, lề đường, hè phố...
Biện pháp vệ sinh môi trường rất quan trọng, đặt biệt ở các nước đang phát triển thuộc khu vực nhiệt đới trong điều kiện đời sống thu nhập kinh kế của người dân thấp, trình độ văn văn hóa kém; có tập quán sinh hoạt tập trung lâu đời, lạc hậu... Vì vậy cần phải có biện pháp tích cực tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng người dân tăng cường quản lý, xử lý nguồn phân thải và bảo vệ nguồn nước sạch. Phải sử dụng các loại hố xí đúng quy cách, hợp vệ sinh, có thể diệt được mầm bệnh giun sán truyền qua đất. Ngoài ra, cần có các biện pháp bảo đảm vệ sinh nguồn nước. Giếng nước phải được xây dựng xa các hố hí, xa chuồng chăn nuôi gia súc, không bị rò rỉ, thấm nước. Nếu nguồn nước chưa sạch, cần có bể lọc hỗ trợ. Nên uống nước đun sôi để diệt các mầm bệnh và giun sán truyền qua nước uống. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là trình độ văn hóa thấp kém, phong tục tập quán còn lạc hậu tồn tại trong cộng đồng người dân là một rào cản khá lớn đối với công tác phòng chống các bệnh giun truyền qua đất nói riêng và các bệnh giun sán nói chung. Để giáo dục tập quán vệ sinh cho người dân, cần kết hợp biện pháp tuyên truyền giáo dục với biện pháp hành chính theo những quy định, quy ước về lĩnh vực xã hội, văn hóa, kinh tế... của địa phương. Đối tượng trẻ em là đối tượng cần đặc biệt quan tâm để xây dựng một tập quán mới, có tính khoa học, bảo đảm vệ sinh cho thế hệ trẻ ngày nay và cho cả thế hệ tương lai.
Tác giả bài viết: BS. Nguyễn Võ Hinh