Một số bệnh đường hô hấp thường mắc phải
- Viêm đường hô hấp trên: Là đường hô hấp từ mũi, hầu, họng cho đến thanh quản. Viêm đường hô hấp trên (dân gian thường gọi là cảm lạnh) do virus trú tại đường hô hấp gây ra. Triệu chứng thường gặp là ho (ho khan hoặc ho có đờm), đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, buồn nôn hay nôn. Nếu được chăm sóc tốt, đa số người bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
- Viêm đường hô hấp dưới: Là đường hô hấp từ phế quản, khí quản phải và trái, các tiểu phế quản và phổi (gồm nhiều phế nang). Viêm đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản, viêm phổi thường do các loại vi khuẩn như Pneumococcus, Hemophilus influenza… gây ra. Triệu chứng là ho, khò khè, khó thở, mệt mỏi, kém ăn… Đây là bệnh nặng có thể gây các biến chứng như viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, dễ dẫn đến tử vong và cần được điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
Thời gian này cũng là lúc các bệnh hen suyễn dễ tái phát do những người bị bệnh này nhạy cảm với thời tiết thay đổi, các mùi hương khói hoặc mùi thức ăn lạ. Nên tuân thủ điều trị dự phòng hen theo hướng dẫn của các bác sĩ để tránh tái phát cơn hen.
Làm gì để phòng và chữa bệnh?
Trước hết phải giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, khi ra khỏi nhà phải mang khẩu trang và mặc kín. Đặc biệt không tắm lâu, ướt mưa dễ dẫn tới cảm lạnh.
Khi đã bị bệnh, đối với trẻ nhỏ, ngay khi bị bệnh về đường hô hấp nên theo dõi và đưa trẻ đi khám kịp thời, nhất là khi có những dấu hiệu bệnh chuyển nặng hơn như bỏ ăn, bỏ bú, thở nhanh, co lõm, ho nhiều, rên rỉ, khò khè, khàn mất tiếng, sốt cao, co giật…
Không tự ý mua thuốc hay sử dụng theo đơn cũ vì mỗi bệnh cần những loại thuốc khác nhau, nếu sử dụng không thích hợp có thể làm bệnh nặng thêm, kể cả với một số thuốc ho hóa dược, thuốc xịt mũi.
Các bà mẹ có thể dùng một số thảo dược hữu ích để giúp thuyên giảm cơn ho do bệnh lý hô hấp trong ngày Tết nhanh chóng cho cả gia đình, đặc biệt ưu tiên cho trẻ nhỏ vì tính an toàn như sau:
- Cam hấp cách thủy: Chọn một quả cam sạch, cắt đầu quả cam, cho vào chút muối trắng sạch, hấp cách thủy cho cam chín đều, bóc vỏ ép lấy nước uống. Cơn ho sẽ thuyên giảm nhanh chóng sau một vài ngày.
- Lá hẹ hấp đường phèn: Chọn ít lá hẹ và lượng đường phèn vừa đủ. Cho tất cả vào bát hấp cách thủy sau đó chắt lấy nước uống. Theo kinh nghiệm dân gian, lá hẹ có tác dụng kháng khuẩn, giảm đờm và giảm ho rất tốt.
- Chiết xuất lá thường xuân: Thường xuân là thảo dược chữa trị ho và viêm đường hô hấp phổ biến ở châu Âu. Các nhà khoa học tại Đức đã nghiên cứu tác dụng của chiết xuất lá thường xuân trên hàng chục nghìn bệnh nhân qua hơn 60 năm. Những nghiên cứu này cho thấy thường xuân có tác dụng giảm ho, long đờm hiệu quả, tính an toàn trên bệnh nhân ở mọi lứa tuổi bao gồm trẻ sơ sinh và khả năng dung nạp tốt, hiếm gây ra tác dụng phụ.