Nhận diện những khiếm khuyết
Chiều 04/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định và ngành chức năng về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4.
Trước đó, vào chiều 3/10 và sáng 4/10, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc về nội dung nói trên tại Chi cục Thủy sản Bình Định, Ban quản lý Cảng cá Bình Định và các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị trong những ngày tới đây Bình Định tăng cường công tác quản lý tàu cá ra vào cản. Ảnh: V.Đ.T.
Bắt đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị thành viên của đoàn công tác không nói đến những gì Bình Định đã làm được trong chống đánh bắt hải sản vi phạm IUU, mà nói thẳng ra những mặt còn khiếm khuyết. Từ đó, các lãnh đạo tỉnh Bình Định có mặt tại buổi làm việc như ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nắm bắt, chỉ đạo cho các ngành chức năng lập tức khắc phục, bởi ngày 10/10 tới đây Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4.
Về công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, thành viên trong đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng dù Bình Định đã làm khá tốt, nhưng hiện vẫn còn 1 số tàu cá của ngư dân trong tỉnh không có giấy phép khai thác, không có giấy đăng ký nhưng vẫn xuất nhập bến tại Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn). Trước khi EC sang kiểm tra, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp “xóa” tình trạng này.
Thứ đến, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập bến bốc dỡ sản phẩm tại các cảng cá Bình Định đã làm tốt, nhưng lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát không đủ, ngành chức năng tỉnh này cần bổ sung lực lượng.
Đoàn công tác cũng đã phát hiện việc ghi nhật ký khai thác của các tàu cá Bình Định còn chệch choạc, vị trí đánh bắt và mẻ lưới đánh bắt còn vênh nhau, chưa đúng theo quy định. Nhiều tàu cá biển số bị mờ nhìn không rõ, đoàn công tác cũng đã đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng làm việc với chủ tàu đề nghị sơn lại.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác chống khai thác vi phạm IUU tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Đoàn kiểm tra còn nêu bật 1 vấn đề khá nghiêm trọng mà Bình Định cần làm rõ trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang làm việc và có khả năng cao họ sẽ làm rõ vấn đề này. Đó là có thể Đoàn Thanh tra của EC sẽ truy vết lại lô hàng hơn 200 tấn cá kiếm nhập về bằng đường biển.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế thuộc Cục Kiểm ngư cho biết: Trước đó, trong đợt kiểm tra lần 3, đoàn công tác của EC đã phát hiện lô hàng này của 1 doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi đoàn công tác của EC truy lô hàng này xuất khẩu đi đâu thì doanh nghiệp khai là xuất ngược về Đài Loan (Trung Quốc). Đoàn công tác yêu cầu chứng minh, doanh nghiệp đưa ra 1 vận đơn có số những container, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện số container không đúng như lời khai của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Nhung, về vụ việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra doanh nghiệp này. Lúc này, doanh nghiệp lại khai báo là lô hàng cá kiếm nhập khẩu nói trên đã được xuất đi thị trường châu Âu bằng hồ sơ chứng nhận do ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa cấp. Sau đó ngành chức năng Khánh Hòa cho biết tất cả những giấy chứng nhận được cấp dựa trên các giấy chứng nhận nguyên liệu do Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cấp.
“Khi chúng tôi về Cảng cá Tam Quan để kiểm tra hồ sơ lô cá kiếm này thì Ban quản lý cảng cá cho rằng toàn bộ hồ sơ nói trên đã bị mất. Lô hàng này nhập khẩu có số thông quan đầy đủ, giờ chỉ còn khâu chế biến và xuất khẩu. Về nguyên tắc khi hàng xuất đi châu Âu thì phải có giấy chứng nhận khai thác, nhưng lô hàng này không có giấy chứng nhận ấy dẫn tới vi phạm”, bà Nhung cho biết.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác chống khai thác vi phạm IUU tại Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Không được đối phó, dối trá
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Cảng cá Tam Quan thừa nhận có cấp giấy chứng nhận SC cho lô hàng cá kiếm nói trên. Ông Khải hứa là ngay trong đêm 4/10 sẽ về tìm lại hồ sơ lô cá kiếm nói trên để cung cấp cho đoàn công tác.
Nghe ông Khải thừa nhận, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo cho Ban quản lý Cảng cá Tam Quan không được dối trá, nếu làm sai thì phải nhận sai, bởi đoàn công tác của EC rất tinh tế, không thể qua mắt được họ.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, trong đợt kiểm tra lần này Bình Định sẽ là địa phương nằm trong "tầm ngắm" của đoàn công tác EC, bởi tỉnh này có lực lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn, có sản lượng đánh bắt lớn.
Do đó, ông Hùng đề nghị ngành chức năng Bình Định lập tức rà soát toàn bộ số hồ sơ những lô sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, phải đảm bảo tất cả đều có giấy phép khai thác, bởi theo khuyến nghị của EC thì đây là hành vi nghiêm trọng.
Ông Hùng đặt câu hỏi Bình Định có gần 3.300 tàu cá khai thác xa bờ, còn 34 con tàu không đi khai thác nhưng liệu những tàu này có thực sự không còn tham gia khai thác hay không, cần phải làm rõ, lập danh sách cụ thể. Riêng về vụ cá kiếm, ông Hùng đề nghị Cảng cá Tam Quan phải tìm cho ra hồ sơ để làm việc với EC.
"Về các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn cần phải lưu ý các lô hàng xuất khẩu đi châu Âu hồ sơ phải thật đầy đủ, vấn đề này EC sẽ kiểm tra rất kỹ", ông Hùng nhắc nhở.
Ông Phạm Anh Tuấn (bên trái), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp cho ngành chức năng tỉnh này khắc phục những khiếm khuyết. Ảnh: V.Đ.T.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp cho ngành chức năng tỉnh này khắc phục những khiếm khuyết để khi Đoàn Thanh tra của EC sang thì mọi việc ổn thỏa. Ông Tuấn chỉ đạo ngành chức năng Bình Định phải tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác, nhanh chóng xử lý những khiếm khuyết trong công tác chống khai thác hải sản vi phạm IUU một cách khoa học, không được dối trá.
“Từ giờ, cả hệ thống chính trị của tỉnh phải tập trung cao độ mọi nguồn lực, vì ngày EC sang kiểm tra đã rất gần, làm việc cả những ngày nghỉ cuối tuần để xử lý dứt điểm những tồn tại. Đặc biệt là không làm theo kiểu đối phó, dối trá. Những ngày này, chúng tôi mong đoàn công tác lưu lại Bình Định để chỉ ra những khiếm khuyết, nhất là công tác truy xuất nguồn gốc để ngành chức năng khắc phục”, ông Tuấn đề nghị.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị trong những ngày tới đây Bình Định tăng cường công tác quản lý tàu cá ra vào cảng; khuyến cáo ngư dân tuân thủ ghi nhật ký khai thác, bởi đây là cái gốc của vấn đề truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt.
Đặc biệt là Bình Định phải xử lý nghiêm các tàu khai thác vi phạm vùng biển bị nước ngoài bắt giữ trong năm 2023. Bởi, theo Thứ trưởng, vấn đề xử lý tàu cá vi phạm được EC rất quan tâm. Nếu xử lý không nghiêm Việt Nam khó có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU.
"Tôi đề nghị đoàn công tác do ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư chủ trì, qua ngày 5/10 ngồi lại với ngành chức năng tỉnh Bình Định, rà soát tất cả các nội dung, chỉ ra những khiếm khuyết trong công tác chống khai thác hải sản vi phạm IUU để khắc phục. Kết quả những cuộc làm việc phải báo cáo lại”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Tác giả bài viết: PVTH
Ý kiến bạn đọc