Dự án hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng:Từ trồng dược liệu đến thúc đẩy liên kết ‘4 nhà’

Thứ ba - 05/11/2024 22:13 26 0
Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở Tương Dương giúp người dân và chính quyền địa phương thực hiện liên kết “4 nhà” để tăng hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế...
Dự án hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng:Từ trồng dược liệu đến thúc đẩy liên kết ‘4 nhà’
Phát huy vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia
Những ngày bước sang tháng 10 và tháng 11/2024, ông Mộng Văn Viện – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoà huyện Tương Dương cho biết, địa phương đang gấp rút hoàn thành các bước thủ tục, hồ sơ để giải ngân các nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia được thụ hưởng.
Trong số các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tiểu dự án về trồng dược liệu dưới tán rừng tại bản Coọc và bản Yên Tân.
Mô hình trồng khôi nhung tía dưới tán rừng ở bản Coọc, xã Yên Hòa (Tương Dương) từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia. Ảnh: Hoài Thu
Nói rõ hơn về hai mô hình này, ông Viện cho hay, mô hình đầu tiên về phát huy lợi thế trồng dược liệu dưới tán rừng là xuất phát từ Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Dự án này hỗ trợ toàn bộ cây giống cũng như các chi phí để xây dựng các mô hình, các vườn ươm dược liệu tại xã Yên Hoà từ năm 2022. Trong đó, mô hình trồng cây khôi nhung tía, cây ba kích tím tại các bản Yên Tân, Đình Yên, Yên Hợp.
Sau thời gian người dân thụ hưởng Dự án cho thấy mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng rất thích hợp và cho hiệu quả cao, chính quyền địa phương đã tiếp tục nhân rộng mô hình này bằng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể là Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Năm 2023, nguồn vốn này đầu tư hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý tổng kinh phí hơn 660 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 420 triệu đồng, vốn đối ứng của nhân dân là gần 240 triệu đồng thực hiện mô hình tại bản Coọc. Đến nay đã giải ngân đạt 100%. Vườn dược liệu dưới tán rừng tại bản Coọc rừng hiện đã cho thu hoạch sản phẩm lá khôi nhung tía.
Nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An tại xã Nga My, chính quyền nơi đây cũng tiếp tục nhân rộng các vườn dược liệu dưới tán rừng bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia. Cụ thể, đầu tư hỗ trợ 1 vườn ươm giống và hỗ trợ giống, phân bón cho vùng trồng dược liệu quý tại mô hình “Vườn ươm trồng và nhân giống cây Ba kích” tại bản Bay với kinh phí hơn 310 triệu đồng.
Thúc đẩy liên kết “4 nhà”
Các hoạt động của Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An tại xã Nga My, Yên Hoà (Tương Dương) đã “khơi nguồn” giúp địa phương áp dụng hiệu quả nguồn đầu tư công của các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Qua đó, giúp người dân và các cấp chính quyền nâng cao nhận thức, mở rộng liên kết, hợp tác trong trồng dược liệu dưới tán rừng, khai thác tài nguyên dược liệu theo hướng bền vững và liên kết “4 nhà”. Đó là sự hợp tác, hỗ trợ của Nhà nước, Nhà nông, Nhà doanh nghiệp và Nhà khoa học.
Tháng 8/2024, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án, “các nhà” đã tổ chức cuộc Hội thảo 4 bên trong hợp tác phát triển dược liệu xanh ở miền Tây Nghệ An.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, Ban Dân tộc tỉnh, các doanh nghiệp hợp tác và đầu tư cùng với cán bộ 3 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương. Đây là 3 địa phương có tiềm năng trồng dược liệu dưới tán rừng rất lớn. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả, bền vững, bảo tồn được nguồn gen thì cần có biện pháp, hướng đi khoa học, phù hợp, hiệu quả.
Hội thảo có 10 ý kiến đóng góp, đề xuất việc đảm bảo liên kết 4 nhà nhằm phát triển dược liệu dưới tán rừng. Trong đó các ý kiến được đề xuất nhiều là việc giúp người dân chuyển biến nhận thức về trồng dược liệu dưới tán rừng, xem đó là sinh kế bền vững và cùng thực hiện.
Tiếp đó là vấn đề bao tiêu sản phẩm, giải pháp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm từ dược liệu trồng dưới tán rừng. Sau Hội thảo kết nối "4 nhà" phát huy tác dụng, đã kết nối được các doanh nghiệp tiến hành các khảo sát thực tế tại Nghệ An để xúc tiến xây dựng vùng dược liệu của họ, đầu tiên là Công ty Đông Nam Dược Miền Trung.
Trong các hoạt động tài trợ của Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, những người tham gia, thụ hưởng còn được đi tham quan học hỏi về phát triển dược liệu ở Hà Nội và Ba Vì.
Sau khi tham quan, các cấp chính quyền và người dân huyện Tương Dương đã triển khai nhanh chóng, hiệu quả các nội dung đầu tư hỗ trợ đến từ Dự án Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây