Nghệ An: Tăng trưởng kinh tế cao trong 9 tháng đầu năm
Chủ nhật - 27/10/2024 22:53390
9 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Nghệ An ước đạt 8,30%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 16 của cả nước; cao hơn so với mức tăng 6,22% của cùng kỳ 9 tháng năm 2023. Thành quả này phản ánh nỗ lực mới của Nghệ An trong năm nay.
9 tháng đầu năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng với sự quan tâm của Trung ương, vai trò lãnh đạo sát sao của Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, chung tay vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả tích cực. Những thành quả về giao thông, hạ tầng, cao tốc Bắc - Nam (đoạn Diễn Châu -Bãi Vọt hoàn thành vào 30/6/2024) đã và đang kết nối với các tỉnh phía Bắc nhanh chóng và kết nối với các trung tâm phát triển, trung tâm hành chính, các khu công nghiệp làm cho điều kiện tự nhiên xã hội của Nghệ An ngày một thuận lợi, hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đường ven biển, Quốc lộ 1A cùng với hệ thống cảng biển ở Nghệ An đang được quan tâm đầu tư xây dựng...
Cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đưa vào sử dụng từ 30/6/2024. Ảnh: Trân Châu
Trong các chỉ số tăng trưởng 9 tháng đầu năm của Nghệ An, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao nhất với mức tăng 13,47%, đóng góp 51,71% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm; trong đó, ngành công nghiệp tăng 15,83% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,83 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt 6,65%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; trong đó, bán buôn và bán lẻ tăng 12,61% so với cùng kỳ, đóng góp 0,83 điểm phần trăm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01% so với cùng kỳ năm trước. Ngành Công Thương Nghệ An đã tập trung phối hợp thực hiện thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, 9 tháng đầu năm phối hợp thu hút được 51/65 dự án lĩnh vực công thương với một số dự án FDI như: Dự án Công ty TNHH Công nghệ Well King (Việt Nam), Dự án điện tử King Conn Nghệ An, Công ty TNHH Leader Tech Việt Nam, Dự án Cung ứng dịch vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp, Nhà đầu tư Pan Ai Jun…, góp phần vào thu hút đầu tư chung của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động các tổ chỉ đạo tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nhiều nhà máy mới đang xây dựng tại Khu công nghiệp VSIP giai đoạn 2 ở huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Trân Châu
9 tháng đầu năm, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Thiết bị, linh kiện điện tử tăng 84,4%; Hàng dệt may tăng 30,1% (gia tăng đơn hàng xuất khẩu); Tôn thép các loại tăng 29,2%; Giày dép các loại tăng 88,1%. Một số nhà máy mới đi vào hoạt động, ổn định công suất như: Công ty TNHH Giày Andromeda Việt Nam; Cyppes Việt Nam; Viet Glory và Apex; Dây điện và cáp điện tăng 74,5% do các nhà máy mở rộng hoạt động. Mặt hàng gạo tăng 75% do nguồn cung gạo trên thế giới thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, xuất khẩu của Nghệ An tăng mạnh chứng tỏ niềm tin của đối tác vào thị trường Nghệ An và doanh nghiệp Nghệ An đã tốt hơn. Nghệ An đang trở thành trung tâm sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu như điện tử, dệt may. Nắm chắc nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, các ngành thuế, tài chính, ngân hàng Nghệ An cũng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra. Đối với ngành Tài chính, đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác đôn đốc thu ngân sách, phối hợp với các ngành, huyện, thị thường xuyên cập nhật tình hình thu ngân sách và thu nợ thuế, chỉ đạo các ngành trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Công tác thu ngân sách 9 tháng trên địa bàn tỉnh đã vượt tiến độ dự toán Hội đồng nhân dân nhân dân tỉnh giao, đạt 104, 8%, bằng 143,2% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt kịch bản đề ra. Thu nợ thuế giảm mạnh. Ngành Tài chính cũng tham mưu đắc lực cho Ban cán sự đảng các chương trình kinh tế lớn của tỉnh, các chủ trương đầu tư, các đề án mới. Ngân hàng Nhà nước Nghệ An (NHNN) trong năm 2023- 2024 đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, giúp các tổ chức tín dụng liên tiếp hạ lãi suất huy động để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay. Năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế... Kết quả, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác đảm bảo cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận với nguồn tín dụng với chi phí phù hợp. NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành Ngân hàng trên địa bàn tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh như cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường Vinh - Cửa Lò, đường Bình Minh… Các đơn vị triển khai kịp thời, có trách nhiệm các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi: chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; gói tín dụng cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; các Chương trình mục tiêu Quốc gia... Song song với đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán. Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết: Đến thời điểm 30/9/2024, ngành Ngân hàng Nghệ An tiếp tục dẫn đầu về kết quả hoạt động trong khu vực Bắc Trung Bộ với nguồn vốn huy động đạt 254.772,9 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 22.428,5 tỷ đồng, bằng 9,7%; tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 305.185 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 18.963 tỷ đồng, bằng 6,6%. Nợ xấu của toàn địa bàn chiếm 1,6% tổng dư nợ; hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn, đóng góp có hiệu quả vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà. Một điểm sáng nữa là thu hút đầu tư: Nghệ An liên tiếp trong hai năm lọt Top 10 về thu hút đầu tư cả nước. Một số dự án nổi bật có số vốn hàng trăm triệu USD đã đi vào hoạt động, như Công ty TNHH Luxshare ICT (Nghệ An), có tổng vốn đầu tư 290 triệu Đô la Mỹ, tạo việc làm cho gần 12.000 người, Công ty TNHH Công nghệ EVERWIN Precision (Việt Nam) có tổng vốn đầu tư 309,68 triệu Đô la Mỹ (2 dự án) đã tạo đà cho các dự án vệ tinh tiếp theo. Ngoài ra, còn có các dự án chuẩn bị đi vào hoạt động năm 2025: Công ty TNHH Công nghệ LUXCASE (Việt Nam), đầu tư 473 triệu USD vào ngành nghề điện tử, cơ khí chính xác, tạo việc làm cho khoảng 1.000 người; Dự án của Công ty TNHH Công nghệ Luxshare (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, lĩnh vực điện tử, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 1.500 người; Dự án Công ty TNHH KHKT Luxvisions (Nghệ An), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD vào ngành nghề lắp ráp điện tử, tạo việc làm cho khoảng 1.500 người... Ở Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, nhiều dự án lớn cũng đang tập trung đầu tư nhà xưởng và đi vào hoạt động như Nhà máy Sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy, dự án Goertek, Juteng… Trên các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển HTX, phát triển doanh nghiệp mới, chuyển đổi số… Nghệ An đều đạt được những thành tựu quan trọng.