Chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại thiên tai những tháng cuối năm 2022

Thứ ba - 20/09/2022 22:55 410 0
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Trận mưa lũ kéo dài suốt từ ngày 15 đến sáng 18/9 đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang.
Trận mưa lũ kéo dài suốt từ ngày 15 đến sáng 18/9 đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai do đó công tác phòng, chống thiên tai phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Để từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo, đảm bảo an toàn hoạt động phòng, chống thiên tai trong điều kiện thường xuyên xảy ra thời gian tới.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa có công văn chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành địa phương đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Tuy nhiên, thiên tai vẫn gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu quan tâm hơn nữa đến công tác phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai, tổ chức theo dõi, nắm sát tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc, triển khai công tác theo nhiệm vụ, địa bàn được phân công.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin nhận định, dự báo, cảnh báo thiên tai tới các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương có liên quan và nhân dân biết để chủ động triển khai ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11 năm 2022; mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại Trung Bộ, Tây Nguyên.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, Biển Đông sắp bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão năm nay. Trong một tháng tới trên khu vực này có khả năng xuất hiện 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Thời gian xảy ra bão/áp thấp nhiệt đới tập trung chủ yếu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Dự báo bão dồn dập, kết hợp với không khí lạnh có thể đến sớm nên các tỉnh miền Trung có thể đón mưa dồn dập trong các tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 10 và tháng 11, kéo theo đó là nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất như từng xảy ra năm 2020.
Trước đó, trong tháng 8, trên Biển Đông xuất hiện 2 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, cao hơn hẳn so với trung bình nhiều năm. Trong đó hai cơn bão đều đổ bộ vào đất liền nước ta. Cơn bão số 2 (MULAN) đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh ngày 11/8; cơn bão số 03 (MA-ON) đổ bộ vào khu vực biên giới Quảng Ninh-Trung Quốc ngày 25/8.
Mưa lũ kéo dài gây thiệt hại gần 50 tỷ đồng tại Hà Giang
Với địa hình núi cao hiểm trở, mưa lũ lớn luôn gây thiệt hại lớn đối với Hà Giang, nhất là các huyện vùng sâu nơi đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Trận mưa lũ kéo dài suốt từ ngày 15 đến sáng 18/9 đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra gần 50 tỷ đồng.
Thống kê ban đầu cho thấy, toàn tỉnh có 23 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 161 nhà bị ngập, đổ tường, tốc mái, đất đá sạt vào nhà. Hơn 800 ha diện tích lúa, ngô, lạc, cây ăn quả bị thiệt hại do ngập úng, gãy đổ. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã bị sạt lở thuộc các huyện Quang Bình, Xín Mần, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì với khối lượng hàng chục nghìn m3 đất đá; 2 trường học tại huyện Hoàng Su Phì bị thiệt hại nặng. 
Lan Anh

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây