Nghệ An thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thứ ba - 20/09/2022 23:05 404 0
Chiều 19/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh họp để nghe và cho ý kiến dự thảo đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030.
​​​​​​​ Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền - Nguồn Báo Nghệ An
​​​​​​​ Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền - Nguồn Báo Nghệ An
 
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nền tảng để đảm bảo sức khoẻ, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, là xu thế phát triển tất yếu. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Nghệ An có diện tích đất nông nghiệp lớn, sản phẩm đa dạng, có tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ; hiện nay trên địa bàn đã có Tập đoàn TH và một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả. Tuy nhiên, sản phẩm có khả năng phát triển sản xuất hữu cơ còn phân tán, nhỏ lẻ. Môi trường đất, nước cần phải xử lý, chi phí cao. Chi phí giá thành cao, mẫu mã không đẹp, năng suất thấp hơn sản xuất thông thường; sự phân biệt sản phẩm chưa được quản lý, khó phân biệt. Trong khi đó, chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ...
Thực hiện Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 13/1/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.
Dự thảo đề án đã gửi xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, 21 huyện thành phố, thị xã. Trên cơ sở góp ý của các sở ngành, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu hoàn thiện đề án.Theo đó, có 7 sản phẩm chủ lực triển khai thực hiện gồm: lúa gạo, trái cây (cam, bưởi, dứa); nguyên liệu phục vụ chế biến (chè, mía); thịt (lợn, gia cầm); sữa bò tươi, gỗ và sản phẩm từ gỗ; tôm, cá. Cơ sở lựa chọn: ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương; đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Ưu tiên các sản phẩm truyền thống, bản địa có giá trị đặc sản, các sản phẩm đã đạt các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, OCOP…
Kinh phí ngân sách hỗ trợ thực hiện đề án ước tính cần khoảng trên 265 tỷ đồng.
 
Tại cuộc họp, ý kiến các đại biểu cho rằng việc xây dựng đề án là cần thiết, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, không nên hỗ trợ về giá, mà nên hỗ trợ xúc tiến thương mại tạo cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm. Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay sản xuất hữu cơ đang gặp khó khăn do thay đổi tư duy canh tác; lựa chọn, cải tạo các vùng sản xuất hữu cơ, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, vấn đề đầu ra, kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm khó khăn, giá thành sản phẩm cao.
 
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh đề án phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và các chính sách ưu tiên. Việc phát triển sản xuất sạch, thân thiện với môi trường đang là xu hướng hiện nay. Đề án cần bổ sung nhóm sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; rà soát lại các chỉ tiêu để tiệm cận với mức bình quân cả nước...
Đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện đề án trên cơ sở góp ý của các sở ngành, trình UBND tỉnh ban hành./.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây