Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản, ổn định và duy trì hoạt động nuôi trồng thủy sản, vừa qua Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2022 trong nuôi trồng thủy sản.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như mưa giông, bão, lũ…thời tiết thay đổi cực đoan gây nhiều bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Theo đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai một số nội dung, cụ thể như sau:
Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, ứng phó hiệu quả với mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường truyền tải thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, các bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III và cơ quan quản lý địa phương đến người nuôi để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản; hóa chất xử lý môi trường… phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau cơn bão.
Đặc biệt, cần cử cán bộ bám sát địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi các biện pháp phòng chống trước khi có mưa bão: Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai như lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh…; thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở… đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến; bố trí khu neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng, khi cần thiết di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người khi có thiên tai.
Biện pháp khắc phục sau mưa bão: Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao, chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép; di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn; bổ sung vitaminC hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu nước bị ô nhiễm thì cần sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan. Nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban bí thư về quán triệt đến các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai; công điện số 415/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về việc chủ động ứng phó với mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ và các văn bản liên quan khác.
Ngoài ra, hướng dẫn người nuôi thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định tại Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.