Dự hội thảo có một số đơn vị trực thuộc sở Nông nghiệp và PTNT; đại diện văn phòng điều phối NTM các tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Sơn La, Nghệ An..; các tổ chức phi chính phủ; các doanh nghiệp, các công ty lữ hành; các tổ hợp tác về du lịch cộng đồng, doanh nghiệp về du lịch tại một số tỉnh; các chuyên gia tư vấn liên quan….
Theo số liệu thống kê của đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối NTM trung ương - Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả nước có trên 1.300 điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Du lịch nông thôn khá đa dạng, các loại hình chủ đạo gồm: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Đ/c Đậu Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An phát biểu tại Hội thảo
Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế vể nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cuả ngừơi dân nông thôn. Đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 nhằm phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng "tích hợp đa ngành”.
Tuy nhiên, du lịch nông thôn còn nhiều khó khăn, thách thức như: chưa có sự thống nhất về ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể; các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn chưa được hỗ trợ đầu tư hợp lý, hiện đang chủ yếu được lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của địa phương; lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch nông thôn còn thấp, quy mô hoạt động nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp và mang tính tự phát. Thị trường khách chủ yếu của du lịch nông thôn là khách trong nước…
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế của du lịch nông thôn. Đồng thời, đề xuất những định hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối NTM trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đ/c Nguyễn Quý Phương, vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, chuyên gia; giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổng hợp ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo để góp ý vào Chương trình Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian tới, du lịch nông thôn phát triển hiệu quả sẽ khơi dậy niềm tự hào của dân cư nông thôn về quê hương, xứ sở, người dân yêu mến, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho cộng đồng nông thôn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và thúc đẩy xây dựng NTM bền vững.
Tác giả bài viết: Pv
Ý kiến bạn đọc