Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Căn cứ và các tiêu chí phân loại của các loại hình văn hóa vật thể thì trên địa bàn miền Tây Nghệ An có hầu hết, tạm chia các loại hình đó như sau: Loại hình di tích lịch sử - văn hóa: Theo danh mục kiểm kê tại Quyết định 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018, 11 huyện, thị miền Tây Nghệ An đã đưa vào danh mục kiểm kê 811 di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh. Trong số đó, đã có 88 di tích xếp hạng gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 67 di tích cấp tỉnh, còn 723 di tích chưa xếp hạng. Nếu tính đến ngày 30 tháng 12 năm 2018 thì số di tích, danh thắng đã xếp hạng là: 100, trong đó: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 79 di tích cấp tỉnh, còn 711 di tích chưa xếp hạng. Loại hình di sản văn hóa vật thể ở miền Tây Nghệ An bao gồm: Di tích lịch sử, văn hóa; kiến trúc nghệ thuật; danh thắng, di tích khảo cổ học và sinh thái. Trong đó loại hình di tích lịch sử, văn hóa chiếm số lượng lớn nhất. Tuy nhiên, một số di tích và di vật, cổ vật ngoài danh sách đã kiểm kê theo quyết định 201/ QĐ - UBND ngày 17/01/2018 của ủy ban nhân dân tỉnh (lý lịch các di tích, danh thắng, di vật, cổ vật mới phát hiện được thống kê trong bộ cơ sở dữ liệu). Nhưng do đặc điểm địa lý miền Tây Nghệ An địa bàn rộng lại ngăn cách bởi rừng núi và sông suối, trong khi đó di tích lại phân bổ rải rác nên việc điền dã, tìm kiếm hết sức khó khăn. Đặc biệt là loại hình di tích khảo cổ học khảo sát chưa được nhiều và các hang động lại ở các vùng núi hiểm trở. Do đó ngoài số lượng di tích lịch sử - văn hóa, khảo cổ học, danh thắng, kiến trúc nghệ thuật và sinh thái đã được kiểm kê theo quyết định 201/ QĐ - UBND ngày 17/01/2018 và phát hiện của nhóm nghiên cứu đề tài, thì trên vùng đất miền Tây Nghệ An còn ẩn chứa nhiều di tích văn hóa vật thể cả trên mặt đất và dưới lòng đất mà chúng ta chưa khảo sát, khai quật, phát hiện được Loại hình di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phân bổ trong 4 khu vực: Di vật, cổ vật hiện nằm trong các di tích Lịch sử, văn hóa: đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ dòng họ: Theo số liệu thống kê (đến tháng 01 năm 2018 - theo Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018 về việc phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An) cho biết: hiện nay trên địa bàn 11 huyện miền Tây Nghệ An có 811/ 2602 di tích bất động sản (đình, đền, chùa miếu, nhà thờ dòng họ, danh thắng, hang động, di chỉ khảo cổ) chiếm 31% di tích toàn tỉnh. Trong 811 di tích có 426 di tích thuộc nhà thờ dòng họ, danh nhân, đình, đền, chùa, phủ, riêng nhà thờ các dòng họ là 137. Nhóm thực hiện đề tài đã đi điền dã khảo sát một số đền, chùa, phủ thì loại hình di vật, cổ vật trong các nơi thờ tự là rất lớn. Đền Song Đồng Ngọc Nữ ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ có tới 56 hiện vật, trong đó có 4 cổ vật và 52 di vật có giá trị như: Hương án, lư hương, đỉnh hương bằng đồng, bàn thờ, mâm cổ bồng, long ngai bằng gỗ quý hiếm. Chùa Nhân Bồi, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, có 38 hiện vật, trong đó có 4 hiện vật thuộc cổ vật quý hiếm: Mâm cổ bồng, lư hương, long ngai, đỉnh hương. Di tích Phủ yên Lạc Thượng, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương có 32 hiện vật gồm: Lư hương bằng đồng, long ngai, kiếm, đao, giá gương, giá Chúc, đài trản, bình hoa. Di tích Đền Đức Thánh Hai, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương có 3 cổ vật: Voi đá, quản tượng, bát hương, độc bình, hạc, binh khí và 10 đạo sắc phong bằng giấy Đăng Lâm thời nhà Nguyễn còn nguyên vẹn. Đền Chiêng Ngam, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu được cung tiến 29 loại hiện vật với số lượng gồm 100 cái. Phủ Hòa Quân, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương có 3 cổ vật: Hộp sắc, hộp đựng gia phả, tranh gỗ và 33 di vật gồm hương án, lư hương, bình hoa, cọc nến, long ngai, hạc, đài, trản... Cổ vật tìm thấy ở Quỳ Châu, Nghệ An Hiện nay, chưa có số liệu thống kê một cách đầy đủ chính xác về số lượng Di vật, cổ vật được lưu giữ trong các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ dòng họ... trên địa bàn 11 huyện, thị miền Tây Nghệ An. Nhưng một điều chắc chắn rằng số lượng di vật, cổ vật... trong các di tích này là rất lớn. Di vật, cổ vật ở trong dân, đây là loại hình phản ánh về dân tộc học, trang phục, ngành nghề truyền thống... hết sức phong phú và đa dạng. Tiêu biểu và nổi bật đó là số di vật, cổ vật của nhà Sưu tập tư nhân Vi Văn Phúc ở Thị trấn huyện Con Cuông hiện đang lưu giữ và bảo quản hơn 1000 đơn vị di vật, cổ vật; Anh Nguyễn Văn Huấn thị trấn Con Cuông đang lưu giữ khoảng 600 di vật, cổ vật; Anh Nguyễn Hồng Hiền thị trấn Con Cuông đang lưu giữ bộ sưu tập tiền cổ hơn 10kg; Bộ sưu tập gồm 100 cây đèn cổ của anh Nguyễn Quang Trung thuộc khối Đồng tâm 1 phường Hoa Hiếu ở Thị xã Thái Hòa; bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của thầy giáo Nguyễn Thanh Phúc tại khối 7 thị trấn Dùng, Thanh Chương; bộ sưu tập của anh Nguyễn Ngọc Sơn, Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn; Bộ sưu tập của anh Nguyễn Văn Thanh; Bộ sưu tập của anh Phan Văn Toàn... đều có hàng trăm hiện vật quý hiếm. Chi hội Di sản văn hóa Cổ vật sông Lam hiện nay có 71 hội viên đang lưu giữ gần 3 vạn di vật, cổ vật trong các bộ sưu tập cá nhân mà chúng ta chưa khảo sát hết. Di vật, cổ vật trong các thiết chế văn hóa như nhà truyền thống các huyện, Nông lâm trường, trường học... Theo số liệu thống kê hiện nay miền Tây Nghệ An có các nhà, phòng truyền thống đang trưng bày lưu giữ các di vật, cổ vật... như sau: Nhà truyền thống huyện Anh Sơn, Lâm trường Con Cuông; Thanh Chương; Tương Dương; Quỳ Hợp; Tân Kỳ, Nhà trưng bày Đường Trường Sơn; phòng trưng bày bổ sung di tích Đền thờ Làng Vạc Thị xã Thái Hòa; Trường PTTH Anh Sơn 1 và Bảo tàng Quỳ Châu. Theo số liệu thống kê 9/11 huyện miền Tây Nghệ An và một số cơ quan, đơn vị đã có phòng, nhà truyền thống với số lượng, tài liệu hiện vật khoảng hơn 1700 đơn vị. Riêng Bảo tàng Quỳ Châu có khoảng 900 đơn vị tài liệu hiện vật. Di vật, cổ vật, bảo vật (Báo cáo khảo sát của đoàn điền dã) trong số các di chỉ khảo cổ miền Tây Nghệ An, như Di chỉ Làng Vạc thị xã Thái Hòa; di chỉ Đồng Trương huyện Anh Sơn, Di chỉ Thẩm Ôm huyện Quỳ Châu, Di chỉ Hang Hợ Trung huyện Tân Kỳ v.v. trữ lượng số lượng di vật, cổ vật, còn rất nhiều mà chúng ta chưa có điều kiện khai quật để thu nhận. Hiện nay chỉ riêng di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá ở Thẩm Ồm Quỳ Châu; thời đại kim khí tại di chỉ Đồng Trương huyện Anh Sơn, di chỉ hang Hợ Trung ở Tân Kỳ và đặc biệt di chỉ làng Vạc thị xã Thái Hòa trải qua 4 lần khai quật đã thu được hàng ngàn di vật, cổ vật. Đặc biệt trong đó có nhiều cổ vật là trống đồng, dao găm đồng... có giá trị về lịch sử văn hóa có niên đại cách ngày khoảng 2500 - 3000 năm. Theo kiểm kê di tích danh thắng tại Quyết định 201/QĐ- UBND của ủy ban nhân dân tỉnh thì di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh là 30 di tích, trong đó các huyện miền Tây chiếm 21 di tích: Anh Sơn 3; Nghĩa Đàn 1; Thái Hòa 2; Quỳ Châu 4; Con Cuông 11; Còn lại 6 huyện: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Hợp chưa được khảo sát. Lý giải vấn đề này là ở chỗ không phải các huyện này không có di tích, mà do các huyện này chưa được điều tra, khảo sát. Để minh chứng cho nhận định này là trường hợp huyện Tương Dương, theo danh mục kiểm kê thì chưa có di tích khảo cổ học; nhưng năm 2015, Viện Khảo cổ học và bảo tàng Nghệ An đã điều tra và phát hiện được 4 di tích khảo cổ học. Hang Thẳm Bạc Quàng tại xã Yên Na; đền Vạn thuộc xã Xá Lượng; Đồi Đền ở Cửa Rào và Khe Ngậu xã Xá Lượng. Cả 4 di tích này thuộc thời tiền sử. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng miền Tây Nghệ An còn ẩn chứa nhiều di tích khảo cổ học. Ngoài số lượng di vật, cổ vật miền Tây Nghệ An hiện đang được phân bố, lưu giữ trong 4 khu vực như đã nêu trên, hiện nay, tại Kho bảo quản của Bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ 25 ngàn đơn vị hiện vật là di vật, cổ vật được trong đó có hơn 3 ngàn di vật , cổ vật, bảo vật được sưu tầm, khai quật tại miền Tây Nghệ An qua nhiều thời kỳ khác nhau. Trong số hàng ngàn di vật, cổ vật của miền Tây Nghệ An được lưu giữ tại bảo tàng đã có 2 hiện vật của di chỉ khảo cổ làng Vạc được công nhận là Bảo vật Quốc Gia. Đó là hiện vật: “Dao Găm rắn ngậm chân voi” có ký hiệu (BTNA/ 1264/KL.273) và hiện vật “Muôi đúc tượng voi” có ký hiệu (BTNA/1326/KL.335) tại Quyết định số 2089/QĐ- TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài 2 bảo vật Quốc gia nêu trên, bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập di vật, cổ vật có giá trị khác như: Sưu tập dụng cụ sinh hoạt, sản xuất thời kỳ tiền sử; Sưu tập công cụ thời kỳ đồ đá; Sưu tập công cụ sản xuất bằng chất liệu Đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn; Sưu tập vũ khí thời kỳ văn hóa Đông Sơn...v.v đặc biệt có giá trị đó là Sưu tập Trống đồng - đỉnh cao của kỹ - nghệ đúc đồng nền văn hóa Đông Sơn. |
Tác giả bài viết: Quốc Hồng - Hồ Thủy
Ý kiến bạn đọc